Duy ngã độc tôn
Nhất thiết chúng sanh
Giai hữu Phật tánh
Tạm dịch:
Trên trời và dưới đất
Chỉ có ta trên hết
Tất cả chúng sanh đều
Có tánh thể trí huệ.
————————–
100 Bài Kệ Niệm Phật
Liên Tông Thập Nhị Tổ Triệt Ngộ Ðại Sư
Thích Thiền Tâm dịch
01
Một câu A Di Đà
Tâm yếu của Phật ta.
Dọc năm thời thấu suốt
Ngang tám giáo trùm xa.
02
Một câu A Di Đà
Ý chỉ diệu bao nhiêu?
Bạn tri âm thường ít
Kẻ tai gỗ riêng nhiều !
03
Một câu A Di Đà
Đại ý thật phân minh
Rắn sanh từ cung ảnh
Thuốc lấy ở kim bình.
04
Một câu A Di Đà
Phương tiện cực mầu lạ
Nhiếp khắp hết căn cơ
Rẽ thông vào Bát nhã.
05
Một câu A Di Đà
Mở đường lối vãng sanh
Đó là nhiều phước đức
Chẳng phải ít căn lành.
06
Một Câu A Di Đà
Khi lâm chung Phật hiện
Tứ biện khó thân tuyên
Sáu phương đồng khen ngợi.
07
Một câu A Di Đà
Là thành Phật tiêu chuẩn
Dùng tâm hạnh niệm Phật
Chứng vào Vô sanh nhẫn.
08
Một câu A Di Đà
Chứng ba ngôi Bất thối
Chỉ trong một đời này
Được bổ lên Phật vị
09
Một câu A Di Đà
Tròn đầy mười thập nguyện
Đâu phải đức Phổ Hiền
Dạy lầm cho xong chuyện!
10
Một câu A Di Đà
Xe gác ách trâu trắng
Chạy lẹ như gió bay
Bước đi thật bằng vững.
11
Một câu A Di Đà
Là tâm tạng Như Lai
Ngoài nước đâu có sóng
Xuyến, vàng vốn chẳng hai!
12
Một câu A Di Đà
Lộ tánh diệu chân như
Sắc xuân nơi hoa sáng
Muôn tượng ẩn gương xưa.
13
Một câu A Di Đà
Cảnh thật tướng sạch trong
Tuyệt bàn, tuyệt suy nghĩ
Khó nói, khó hình dung.
14
Một câu A Di Đà
Dụng thông tròn pháp giới
Soi lặng thể toàn chân
Xen giăng khắp vô ngại.
15
Một câu A Di Đà
Gương Đại Viên trí cảnh
Thân độ bóng hàm nhau
Lớp lớp mầu lập lánh.
16
Một câu A Di Đà
Là không Như Lai Tạng
Vạn pháp dứt hình dung
Nhất chân tuyệt sắc tướng.
17
Một câu A Di Đà
Tròn đủ Bồ Đề đạo
Ráng mây đều ở thấp
Lại không có trời cao.
18
Một câu A Di Đà
Là cảnh Đại tịch diệt
Muôn niệm trống thanh lương
Chỉ một vầng minh nguyệt!
19
Một câu A Di Đà
Mở toang cửa bát nhã
Muôn pháp cõi thập hư
Một miếng nuốt tả cả.
20
Một câu A Di Đà
Mở cửa nhà đẹp cao
Gọi các hàng tùng giả
Mau theo ta đi vào.
21
Một câu A Di Đà
Vào tam muội Bảo vương
Như đất đều nâng đỡ
Tợ trời che khắp miền.
22
Một câu A Di Đà
Khiến được Đại tổng trì
Chuyển hết tất cả vật
Sử dụng mười hai thì.
23
Một câu A Di Đà
Tánh thể vốn tự không
Các sao chầu Bắc đẩu
Muôn nước chảy về Đông.
24
Một câu A Di Đà
Là duyên khởi pháp giới
Chánh nhân của tịnh nghiệp
Và chủng tử Bồ đề.
25
Một câu A Di Đà
Như gương chiếu các gương.
Uyển chuyển ngậm bóng nhau
Điệp trùng giao chói sáng.
26
Một câu A Di Đà
Như không hợp hư không.
Tuyệt không chút lằn dấu
Nhưng vẫn có Tây Đông.
27
Một câu A Di Đà
Là một Đại tạng kinh
Dọc ngang giao chói sáng
Tuyệt đối, thể u linh.
28
Một câu A Di Đà
Là một Đại tạng luật.
Chớp mắt vào tịnh tâm
Đủ Giới ba la mật.
29
Một câu A Di Đà
Là một Đại tạng luận.
Đương niệm tâm mở thông
Ánh huệ tuôn vô tận.
30
Một câu A Di Đà
Là một tạng bí mật.
Phát nguồn cội thần thông
Đầy đủ uy lực lớn.
31
Một câu A Di Đà
Gồm toàn cả Đại tạng.
Giới, định, huệ ánh mầu
Tuôn ra không hạn lượng!
32
Một câu A Di Đà
Dây gốc vốn là gai.
Tại sao không thể nhận?
Nghi là rắn lầm thay!
33
Một câu A Di Đà
Rất ít nghe ít thấy.
Gương hiện bóng rừng cây
Trống trời tiếng vang dậy.
34
Một câu A Di Đà
Không thể thí dụ tất!
Gương xưa nơi đài cao
Thủy ngân rơi xuống đất.
35
Một câu A Di Đà
Lòng thương xót khổ tân!
Đẩy thuyền nặng muôn hộc
Kéo cung mạnh ngàn cân.
36
Một câu A Di Đà
Rõ ràng chính là có.
Dùng Tứ biện Bát âm
Khổ lời thương giải tỏa!
37
Một câu A Di Đà
Đích xác chính là không
Nếu tiêu muôn vật tượng
Tan vào một lò hồng.
38
Một câu A Di Đà
Cũng không cũng có tướng
Non sông nơi giấc mộng
Hoa liễu ở trong gương.
39
Một câu A Di Đà
Chẳng có chẳng hư vô.
Chạm đến liền lăn chuyển
Trên nước chiếc hồ lô.
40
Một câu A Di Đà
Là Đệ nhứt nghĩa đế.
Còn vượt khỏi Bách phi
Huống rơi vào Tứ cú!
41
Một câu A Di Đà
Mầu tròn Tam đế lý.
Như ao rất thanh lương
Tợ lửa to thiêu hủy.
42
Một câu A Di Đà
Chứng được Đại tự tại.
Hay chuyển thánh siêu phàm
Dung thông mười giới hải.
43
Một câu A Di Đà
Thưởng kẻ có công hay
Yến tiệc vua đầy trước
Châu mái tóc nơi tay.
44
Một câu A Di Đà
Xóm nhân là tốt quí.
Lựa chỗ ở nương về
Cây khô không phải quỉ.
45
Một câu A Di Đà
Chẳng khó, nhưng không dễ.
Được về chín phẩm sen
Một đời dùng tâm lực.
46
Một câu A Di Đà
Theo đường trở lại nhà.
Tiếc cho kẻ khờ dại
Bỏ vàng gánh vỏ gai!
47
Một câu A Di Đà
Vượt ngang thoát Ta bà.
Người tin không thấu đáo
Ta biết làm sao mà?
48
Một câu A Di Đà
Là đường tắt về nguồn.
Những tư lương cần thiết
Tín, Nguyện, Hạnh gọn suông.
49
Một câu A Di Đà
Cần ở điểm Tin sâu.
Mầm hoa sen chín phẩm
Từ tâm đây nhô đầu.
50
Một câu A Di Đà
Cần ở nơi Nguyện thiết
Lòng về tơ lửa nung
Mắt thương khóc ra huyết.
51
Một câu A Di Đà
Cần ở chỗ Hạnh chuyên.
Chỉ nêu cao một niệm
Dứt sạch cả muôn duyên.
52
Một câu A Di Đà
Thề niệm thành một khối.
Liều tu mãn kiếp này
Được làm người nhàn rỗi.
53
Một câu A Di Đà
Nên niệm như thế này.
Chuỗi lần trăm lẻ tám
Dây đứt lại đổi dây.
54
Một câu A Di Đà
Chẳng gấp cũng chẳng huỡn.
Lòng miệng ứng hợp nhau
Rành rõ mà chuyển niệm.
55
Một câu A Di Đà
Niệm càng nghiều càng hay
Ví như người học bắn
Tập lâu thì khéo tay.
56
Một câu A Di Đà
Mật niệm hằng nhiếp tâm.
Ví như người uống nước
Nóng lạnh tự biết thầm.
57
Một câu A Di Đà
Như đào giếng lấy nước.
Lần sâu thấy gần bùn
Giá hời công kiệm ước.
58
Một câu A Di Đà
Như cọ gỗ lấy lửa
Gỗ nóng khói phát sanh
Chớ tạm dừng lần lựa.
59
Một câu A Di Đà
Đem toàn thân đội trải
Mạng người rất vô thường
Tháng ngày không trở lại.
60
Một câu A Di Đà
Như cứu lửa cháy đầu
Giốc mười phần công lực
Cầu thượng phẩm sen mầu.
61
Một câu A Di Đà
Môn chỉ quán mầu tròn
Lặng lặng tĩnh tĩnh niệm
Không xen tạp nối luôn.
62
Một câu A Di Đà
Lối hiểm đều san bằng
Thắng về nơi bảo sở
Không trụ cảnh hóa thành.
63
Một câu A Di Đà
Như ngọc lắng trong nước
Ngàn muôn tạp niệm rối
Chẳng dứt tự thành không.
64
Một câu A Di Đà
Ngộ vào đủ công năng
Kim xí rẽ nước biển
Bắt thẳng lấy rồng ăn.
65
Một câu A Di Đà
Sạch trần duyên phiền não
Như sư tử dạo chơi
Kinh rã bầy chồn cáo!
66
Một câu A Di Đà
Thẳng chắc niệm nơi lòng
Một phen đạp tận đáy
Như hương tượng qua sông.
67
Một câu A Di Đà
Cảnh Vô tướng tâm Phật
Cõi nước đẹp trang nghiêm
Không phải là ngoại vật.
68
Một câu A Di Đà
Pháp vô vi đại bảo
Hằng ngày một niệm chuyên
Gươm linh rời hộp báu.
69
Một câu A Di Đà
Thành vô lậu chân Tăng
Cây thuốc nơi non Tuyết
Đường hiểm ngọn minh đăng.
70
Một câu A Di Đà
Đầy đủ Bố thí độ
Phá toang túi sẻn tham
Tuôn cho đống châu báu.
71
Một câu A Di Đà
Đầy đủ Trì giới độ
Nhiếp hết cả sáu căn
Tròn sạch đủ Tam tụ.
72
Một câu A Di Đà
Đầy đủ nhẫn nhục độ
Tướng Nhị ngã không còn
Pháp Vô sanh được ngộ.
73
Một câu A Di Đà
Đầy đủ tinh tấn độ
Lòng không nhiễm mảy trần
Bước thẳng lên huyền lộ.
74
Một câu A Di Đà
Đầy đủ thiền độ lý
Hiện trong các oai nghi
Cây khô có gì quí?
75
Một câu A Di Đà
Đầy đủ Bát nhã độ
Cảnh thanh vắng lòng không
Mây tan vầng nguyệt lộ.
76
Một câu A Di Đà
Tâm lặng tưởng nhớ chuyên
Tuy chưa lìa Nhẫn độ
Đã ngồi tọa bảo liên.
77
Một câu A Di Đà
Là một đóa bảo liên
Lý duy tâm mầu nhiệm
Pháp hợp lẽ thiên nhiên.
78
Một câu A Di Đà
Là một đoá bảo liên
Phàm tình không tin tưởng
Cũng là lẽ tất nhiên.
79
Một câu A Di Đà
Là một đóa bảo liên
Nếu quyết không tin nhận
Đáng thương thật kém duyên!
80
Một câu A Di Đà
Là một đóa bảo liên
Dù cho không tin tưởng
Cũng đã nhiễm thức điền.
81
Một câu A Di Đà
Sốt sắng gắng hoằng thông
Nguyện vào Đại bi thất
Ngồi yên tòa Pháp không.
82
Một Câu A Di Đà
Là kho báu vô tận
Tám chữ mở toan ra
Khắp cho không tiếc lẫn.
83
Một câu A Di Đà
Dứt phiền não rộn ràng
Tâm Phật toàn dung hợp
Rõ một, rõ trăm ngàn.
84
Một câu A Di Đà
Dứt trừ được định nghiệp
Nhật rạng phá sương thưa
Lô hồng tan điểm tuyết.
85
Một câu A Di Đà
Hay tiêu quả báo khổ
Chuyển thế giới, căn thân
Tức thô thành tế diệu.
86
Một câu A Di Đà
Chuyển tròn cả ba chướng
Tức nơi Hoặc, Nghiệp, Khổ
Trở thành Bí mật tạng.
.
87
Một câu A Di Đà
Giải tai nạn trái oan
Quy ngưỡng ánh từ quang
Thắm nhuầm niềm pháp hỷ.
88
Một câu A Di Đà
Đáp ân nặng chưa tròn
Cắt đứt Triền miên võng
Chứng vào Giải thoát môn.
89
Một câu A Di Đà
Hay trống không ác đạo
Ức muôn đức hồng danh
Khó nghĩ bàn kỳ ảo!
90
Một câu A Di Đà
Hợp cơ cả trời, người
Ba căn tánh cao thấp
Chín phẩm sen rạng ngời!
91
Một câu A Di Đà
Các quả vị tiểu thánh
Chuyển tâm hẹp gồm đưa
Hướng về Vô thượng thừa.
92
Một câu A Di Đà
Thật vô ngại siêu nhiên
Như Văn Thù, Phổ Hiền
Là cảnh bậc đại nhơn.
93
Một câu A Di Đà
Mầu nhiệm khó nghĩ bàn
Chỉ có Phật với Phật
Mới rõ biết tận cùng.
94
Một câu A Di Đà
Chư Tổ đều phụng hành
Tổ Mã minh viết luận
Tổ Long Thọ vãng sanh.
95
Một câu A Di Đà
Hợp thời tiết nhân duyên
Hương lạ hằng thanh thoảng
Liên xã lập nhiều miền.
96
Một câu A Di Đà
Lợi bậc đại tượng, long
Như Vĩnh Minh thiền bá
Cùng trí Giả giáo tông.
97
Một câu A Di Đà
Cảm ứng chớ xem khinh
Thiếu Khang hiện hóa Phật
Thiện Đạo phóng quang minh.
98
Một câu A Di Đà
Hóa độ kẻ vô loại
Hùng Tuấn vào minh ty
Duy Cung trừ chướng tội.
99
Một câu A Di Đà
Là môn thiền Vô thượng
Việc lớn một đời xong
Công tu nhiều kiếp trọn.
100
Một câu A Di Đà
Lý mầu chưa dễ hiểu
Thoáng chốc trăm kệ xong
Tam tôn thầm gia bị.
————————–
6 Bài Kệ Của ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
1) Năng lễ sở lễ tính không tịch:
(Bản tính của con là người lạy và của Phật là người được lạy, cả hai đều Không tịch).
Phải quán tự thân tâm mình, tức người lạy Phật, vốn chỉ do duyên khởi nên thật sự chỉ là Không. Phật là “tha”, là người được lạy, thân tâm Ngài cũng không ngoài duyên khởi nên thật ra cũng chỉ là Không.
Cả hai đều tịch tĩnh, không có tác dụng gì hiện khởi hết. Song đó chỉ là mặt thề của duyên khởi mà thôi. Nơi mặt tướng hay mặt dụng của duyên khởi, thời thân tâm người lạy Phật, cũng như thân tâm của Phật, các pháp duyên khởi này, chỉ chờ theo nhân duyên là hiển hiện ra vô biên các tác dụng.
2) Cảm ướng đạo giao nan tư nghì:
(Song sự cảm ứng qua lại của “Ðạo” quả là khó nghĩ bàn).
Thế nên, do lực tâm nguyện Bồ Ðề của người lạy Phật làm khởi động lên hành động lạy Phật, và như thế tạo thành sự liên hệ giữa mình và toàn thề Chư Phật như sau: Tuy nơi thể, tự thân tâm mình là Không, song nơi dụng, do nguyện lực ấy làm duyên khơi động mà biến thân tâm mình thành có tác dụng đảnh lễ.
Phật cũng thế, thân tâm Ngài nơi tự thể tuy là Không, song nơi dụng, do duyên theo nguyện lực Bồ Ðề của người lạy Phật mà thân tâm ấy phát triển ra tác dụng làm nơi nương tựa và gia lực hộ trì. Nguyện lực chủ động này bất khả tư nghì, nó có thề khơi dậy được hết các tác dụng của người tu hành cũng như mọi tác dụng gia trí của Chư Phật.
Lý do là ở chỗ các pháp tự cũng như tha, tức thân tâm mình và thân tâm Phật, đều là duyên khởi Không, không có tự ngã (như vào đầu đã quán); song vì là duyên khởi, không có một tự thể cố định, nên các pháp sẽ tùy duyên mà hiển hiện ra vô lượng các tác dụng tương ưng. Vỉ vậy người thờ Phật cần phải biết cách phát nguyện cho đúng cho chân chính, thì nguyện này sẽ ” lôi” ra được hết mọi tác dụng tốt đẹp nhất của chính thân tâm mình và thân tâm của Chư Phật. Cảnh giới của nguyện lực ” Ðạo” này như sau:
3)Ngã thử đạo tràng như đế châu:
(Ðạo tràng của con đây như viên ngọc châu của lưới trời Ðế Thích).
Khi phát nguyện Bồ Ðề thờ Phật, người thờ Phật không nguyện chỉ thờ một Phật mà thôi. Vì nguyện như thế là có giới hạn, mà có giới hạn là phản nghĩa lại với chân lý duyên khởi Không. Nên một nguyện như thế sẽ không thể đủ lực để khơi dậy tác dụng giác ngộ viên mãn nơi người thờ Phật.
Ðồng thời vỉ lực nguyện ấy không chịu duyên khắp chư Phật, nên nó không thể làm duyên để khơi dậy tác dụng giác ngộ khắp mười phương được. Vì lẽ ấy mà người thờ Phật theo Bồ Ðề Tâm là phải phát nguyện thờ vô lượng vô biên bất cùng tận mười phương ba đời Chư Phật. Tâm nguyện lực này chân chính nhất và mạnh mẽ không thể tưởng nổi.
Nguyện lực này một mặt làm duyên để khơi dậy tác dụng giác ngộ, giáo hóa , gia trì, hộ niệm, không phải chỉ của một pho tượng Phật trước mặt người lễ lạy, mà thật ra còn liên hệ và khơi dậy tất cả các tác dụng ấy nơi khắp mười phương vô tận các Chư Phật, và thu nhiếp hết về hiển hiện sống động ngay chính trong Ðạo tràng duyên khởi của mình vậy. Thế nên người lạy Phật cần phải vận tâm quán tưởng Ðạo tràng duyên khởi của mình gồm tâm nguyện, bàn thờ và tượng Phật, như một viên ngọc châu trong mỗi mắt lưới của lưới trời Ðế Thích.
4) Thập Phương Chư Phật ảnh hiện trung:
( Ảnh của Mười Phương Chư Phật đền hiện trong ấy ).
Như mỗi mắt lưới ngọc đều ảnh hiện các mắt lưói khác, người lạy Phật cũng quán thấy trong một nhân duyên khởi Ðạo tràng của mỉnh, do lực nguyện Bồ đề hấp dẫn chiêu cảm mà Mười Phương Chư Phật với toàn thể pháp hội của các Ngài dều hiển hiện toàn thân, nghĩa là tác dụng giác ngộ, thuyết pháp độ sinh của Mười Phương Chư Phật đều do lực nguyện Bồ Ðề lạy Phật mà đồng khởi dậy 1 lúc. Người lạy Phật quán thấy Mười Phương bất tận Chư Phật cùng Phật hội hiện ra “y đúc”, như vô lượng các mắt ngọc khác hiện bóng trong một mắt ngọc vậy.
5) Ngã thân ảnh hiện Chư Phật tiền:
( Ảnh của thân con lại hiện ra trước Chư Phật ).
Không những vậy, lực nguyện Bồ đề này còn làm duyên khơi dậy tác động lễ lạy quy y không cùng tận nơi chính thân tâm của người lễ lạy, ngay tức thời, cùng một lúc, đối với Mười Phương bất tận Chư Phật. Và cũng thế nguyện lực Bồ đề và Ðạo tràng pháp hội của Mười Phương bất tận Chư Phật, mỗi Phật hội cũng như một mắt ngọc châu đều phản chiếu hiện lên ảnh người lạy Phật, đúng y như thế, ở ngay trước mỗi Phật một mà chuẩn bị đảnh lễ.
6) Ðầu diện tiếp túc quy mạng lễ:
(Ðầu mặt con lạy xát xuống dưới chân Chư Phật mà xin quy y vâng mạng lễ lạy).
Do nguyện lực Bồ đề của người lạy Phật và nguyện lực Bồ đề của Chư Phật cảm ứng với nhau mà Ðạo tràng của người lạy cũng vô tận Ðạo tràng của vô tận Chư Phật thu hút lẫn nhau như ảnh hiện lại qua giữa một viên ngọc châu này cùng vô lượng viên ngọc châu khác. Ðó là cảnh giới duyên khởi thù thắng bất khà tư nghì của một người lạy Phật, hay một ngưởi thờ Phật theo Phật Giáo Ðại Thừa. Trong cảnh giới ấy, với tâm quán tưởng như thế mà một Phật tử Ðại Thừa lễ lạy Phật.
Thờ Phật như thế, quả thật không giống với bất cứ sự thờ phượng nào của thế gian hay của bất cứ Tôn Giáo nào. Ðã đành các vật liệu để thờ vẫn là các hình tượng, bàn thờ; năng lực thôi động thờ phượng vẫn là lòng tin tưởng sùng mộ. Song thêm vào, Phật Giáo Ðại Thừa thấy ra rằng các vật liệu để thờ như bàn thờ, như tượng Phật, đều do duyên mà khởi nên.
Pháp do duyên khởi có hai “cấp bậc”, cấp đầu như là nguyên tố cấp sau như là sự vật. Như do duyên khởi mà thành đắt là nguyên tố, duyên theo đắt mà tạo thành bình là sự vật. Là như duyên khởi thành đồng là nguyên tố, đồng lại tùy theo các duyên khác nhau mà thành vũ khí, thành bồn chậu, hoặc thành tượng Phật, là các sự vật. Khi duyên khởi thành các sự vật khác nhau thì mỗi sự vật có tác dụng riêng biệt khác nhau của chúng. Như khi đồng thành vũ khí, thì nó không có tác dụng của bồn chậu, hay của tượng Phật. Ngược lại cũng vậy, chúng ta không thể vác bồn chậu hay tượng Phật ra chiến trường đánh nhau được.
Cũng như không thề cung kính lễ lạy vũ khí hay bồn chậu bằng đồng mà phát khởi ra lực công đức của Dạo được. Song nếu lấy đồng ấy làm thành tượng Phật, thì khi lể lạy công đức của Ðạo pháp sinh và tăng trưởng. Hay như có dẫm lên vũ khí hay bồn chậu, có phá vờ chúng đi với tâm khinh miệt, thì cũng chẳng phát sinh tác dụng tội lỗi gì. Như nếu lấy đồng đó làm thành tượng Phật rồi, mà lại dẫm lên hay hủy hoại đi thì lại thành tội lỗi rất lớn. Ðiều ấy chứng tỏ hình tượng Phật có một tác dụng nhân quả rất mạnh mẽ.
Phật Giáo Ðại thừa không hề thấy rằng hình tượng chỉ là các vật “chết”, các biểu tượng mà thôi. Do đó người Phật tử Ðại thừa khi thờ tượng Phật đều quán tưởng Phật sống động y như Phật thật. Bàn thờ Phật và tượng Phật đều có tác dụng mạnh mẽ làm phát triển công đức của Dạo, tức làm tăng trưởng Bồ đề tâm.
Lại nữa, thờ Phật là một duyên sự, một Ðạo tràng, để tôi luyện tâm nguyện Bồ đề. Thế nên nếu thờ Phật mà không phát Bồ đề tâm, thì coi như hạt nhân của sự thờ Phật không có, nhân duyên chính yếu và chủ động không có, thì kết quả chân chính cũng sẽ không có. Thờ Phật như thế cũng chẳng khác gì thờ ông bà cha mẹ, hay thở tổ tiên thánh nhân, hay thờ thần linh thượng đế mà thôi.
Do đó mà tâm nguyện Bồ đề là cột trụ, là động lực chủ chốt, là hạt nhân chính yếu trong duyên khởi thời Phật vậy. Vì vậy người Phật tử Ðại thừa không chỉ thời Phật với tất cả tâm tỉnh cảm thân thiết, trọn lòng mến tưởng sùng mộ, mà trên hết là bằng cả một đại nguyện bao la không cùng tận nữa. Ðại nguyện này không gì khác hơn là mười hạnh nguyện vô cùng tận của Phổ Hiền Bồ Tát.
Nguyên tắc thờ Phật tuy là thế, song với chúng ta, những người “sơ cơ”, Bồ đề nguyện rất lỏng lẻo, mà lý do là vì lòng tin chưa lập được. Thế nên việc học hỏi các giáo pháp của Ðại thừa cho thông suốt, để thành lập được một lòng tin vững chắc với Ðại Thừa, là điều quan trọng trước nhất phải làm. Song bước chân vào Ðại thừa thời Bồ Ðề Tâm là nền tảng.
Muốn học giáo Pháp Ðại thửa, thì cũng phải phát nguyện Bồ đề, thì sự học hỏi mới chân chính được, mà không trở thành một kiến thức sách vở của nhà trường. Cho nên đồng thời với sự học hỏi giáo pháp, một Phật tử Ðại thừa cần thiết nhất là phải thờ Phật. Thờ Phật dù chưa được như những gì nói trên, chưa đúng được với hạnh nguyện Phổ Hiền, song vẫn phải thờ với tất cà chân tình thiết tha, với tất cả lòng sùng mộ vả tin tưởng tuyệt đối của mình. Bàn thờ càng trang nghiêm, tượng Phật càng tướng hảo bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.
Thờ Phật, theo hạnh nguyện Phổ Hiền, thời gồm có lễ kính Chư Phật, ca ngợi Chư Phật, cúng dường Chư Phật, sám hối tội lỗi, và tùy hỷ công đức v.v… ngưởi thờ Phật theo đó mà thực hành. Sự thật hành này càng chân thiết bao nhiêu, thì việc học Phật càng bảo đảm bấy nhiêu.
Càng thờ Phật lâu dần, công đức, tức năng lực hành Ðạo, càng tăng trưởng, và lòng tin càng xát thực và được thiết lập. Quan điểm rằng lòng tin hoàn toàn phụ thứ và không cần có, đối với Ðại thừa Phật giáo, là một sai lầm tay hại vô cùng. Tin như thế nào và tin ra làm sao, tin ai và tin Phật nào ? Ðó cũng là những điều mà người thờ Phật cần phải sáng tỏ hoàn toàn.
Tóm lại, thờ Phật trong Phật giáo Ðại thửa, chỉ là để gieo “nhân” thành Phật và để đạt đến “quả” thành Phật. Song đối với người chưa thông suốt vấn đề, thì thờ Phật theo Ðại thừa hết sức là phức tạp và khó hiểu.
Bao nhiêu thắc mắc và nghi ngờ nảy sinh ngay trong gìới Phật tử. Ðể giải đáp các thắc mắc và giải tỏa các nghi ngờ này, chúng ta đã đụng chạm đến một ít phần nào của nguyên lý duyên khởi. Song một phần ít đó chưa đủ chút nào cho biết bao thắc mắc khác nữa.
Nên vấn đề duyên khởi này còn cần phải được khảo sát trong một bài riêng rẽ. Và các hạnh nguyện của Phổ Hiền cũng cần phải được khai triển cho sáng tỏ, thì vấn đề thờ Phật trong Phật giáo Ðại thừa mới có thể “hiển lộ toàn thân” ra được.
Thích Nhất Chân
————————–
PHÁP THÂN PHI TƯỚNG
ÂM:
PHÁP THÂN PHI TƯỚNG
Tu-bồ-đề! Ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai phủ?
Tu-bồ-đề ngôn:
– Như thị, như thị! Dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai.
Phật ngôn:
– Tu-bồ-đề! Nhược dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai giả, Chuyển Luân Thánh vương tắc thị Như Lai.
Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn:
– Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, bất ưng dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai.
Nhĩ thời Thế Tôn nhi thuyết kệ ngôn:
Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.
DỊCH:
PHÁP THÂN CHẲNG PHẢI LÀ TƯỚNG
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai chăng?
Tu-bồ-đề thưa rằng:
– Như thế, như thế, do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai.
Phật bảo:
– Tu-bồ-đề, nếu do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai, thì Chuyển Luân Thánh vương tức là Như Lai.
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói, không nên do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai.
Khi ấy Thế Tôn nói bài kệ:
Nếu do sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai.
GIẢNG:
Sách Ấn Độ nói: Người có đủ ba mươi hai tướng tốt, đi tu thì thành Phật, còn ở thế gian thì làm Chuyển Luân Thánh vương. Như thế những Chuyển Luân Thánh vương là những vị vua hiền có đủ ba mươi hai tướng tốt. Thế nên nếu do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai thì Chuyển Luân Thánh vương cũng là Như Lai sao?
Trong đoạn này, đức Phật muốn chỉ Như Lai là Pháp thân bất sanh bất diệt. Pháp thân đó không riêng đức Phật mà tất cả chúng ta đều có. Nơi đức Phật thì nói ba mươi hai tướng, nơi chúng ta thì nói chừng mấy tướng? Chẳng do một tướng hoặc hai tướng tốt hoặc không tướng tốt nào mà thấy phải không? Đức Phật sợ chúng ta lầm chấp Pháp thân là tướng cho nên Ngài mới hỏi ngài Tu-bồ-đề: Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng? Không biết lúc này ngài Tu-bồ-đề muốn dùng lối trả lời sai để Phật dạy cho chúng ta, hay là Ngài nhận không đúng, có lẽ Ngài nhận chưa ra là phải hơn. Tại sao tôi dám nói như thế? Bởi vì trong kinh thường nói Bồ-tát từ Sơ địa trở lên, lên mỗi địa là ngộ được một phần Pháp thân, còn Thanh văn thì chưa thấy được Pháp thân. Đây nói về Pháp thân nên ngài Tu-bồ-đề nhận lầm, Ngài nói rằng: Như thế, như thế, do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai. Phật liền quở: Nếu do ba mươi hai tướng thấy Như Lai thì Chuyển Luân Thánh vương có ba mươi hai tướng là Như Lai rồi. Câu nói sau đây của ngài Tu-bồ-đề chứng minh được lời tôi nói ở trên. Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn, như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói. Bởi vì về Pháp thân thì Ngài chưa ngộ, nên Ngài nóitheo nghĩa Phật nói, chẳng nên do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai. Chúng ta thấy Ngài nói rất là dè dặt. Bấy giờ đức Phật mới kết thúc lại bằng một bài kệ:
Nếu do sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai.
Do sắc thấy ta tức do ba mươi hai tướng, do âm thanh cầu ta tức là do những thứ tiếng mà cho là Như Lai. Cả hai sắc tướng và âm thanh là tướng sanh diệt, nếu dùng cái sanh diệt mà cầu Phật, đó là đạo tà, không thể thấy được Pháp thân. Bài kệ này cốt nói về Pháp thân phi tướng.
Hiện nay có nhiều người xuyên tạc: Không do sắc thấy ta, không do âm thanh cầu ta, ta đây là chỉ cho Phật, như vậy ở chùa thờ Phật thì có sắc, gióng chuông, đánh mõ tụng kinh ra tiếng đó là âm thanh, nếu lấy cái đó tu để cầu thành Phật là đạo tà, không thể nào thấy Phật. Đó là lối xuyên tạc, thật là đại xuyên tạc. Ở đây Phật bảo: Không do sắc thấy ta, không do âm thanh cầu ta là để nói đó là hai tướng sanh diệt, dù âm thanh không tướng nhưng cũng là sanh diệt, đem cái sanh diệt để cầu Như Lai tức Pháp thân bất sanh bất diệt thì không đúng, nên nói đó là hành đạo tà, không thể thấy được Pháp thân. Như thế muốn thấy Pháp thân phải làm sao? Như Phật đã nói: Không do ba mươi hai tướng mà thấy Phật. Phải nhận ngay khi tất cả tâm vọng tưởng lặng xuống rồi, lúc đó cái chân thật hiển lộ. Cái chân thật đó không phải là cái sanh diệt nên không phải là sắc tướng, là âm thanh. Nếu chạy theo sắc tướng, âm thanh là lầm. Vậy ở chùa thờ Phật, tụng kinh gõ mõ đánh chuông có tiếng, như thế có phải đạo tà không? Dùng sắc, dùng thanh để dừng cái điên đảo vọng tưởng, để lặng những tâm niệm đang chạy theo sáu trần, như thế mượn âm thanh sắc tướng để lặng vọng tưởng rồi sẽ thấy Như Lai thì có lỗi gì? Đâu phải tà. Còn những người không theo sắc tướng, nhưng không biết làm gì để Như Lai hiện thì có tà không? Hoặc là không theo sắc tướng, nhưng ngồi tưởng xuất hồn lên trời v.v… thì có tà không? Như thế là hiểu lầm, hiểu sai.
Trong nhà Phật có nhiều lối tu, tôi nói để quí vị rõ. Sự truyền bá đạo Phật đã hơn hai ngàn năm, qua nhiều thời, nhiều vị đệ tử Phật có đủ khả năng, đủ sáng kiến, nên các ngài khéo linh động lập ra nhiều pháp tu, tuy cùng một gốc. Theo danh từ nhà Phật gọi là từ thể bất biến nhưng khéo tùy duyên, tuy tùy duyên mà thể vẫn bất biến. Nghĩa là từ chỗ chân thật Phật dạy, các ngài khéo tùy duyên, tùy thời, tùy căn cơ mà linh động, khi dùng pháp này, khi dùng pháp kia… Như người mới vào chùa không hiểu cách tu hành làm sao nhiếp tâm, cứ buông lung cho nó chạy ngược, chạy xuôi, bảo ngồi thiền thì họ chưa thông, hoặc bảo họ chăn trâu, họ không biết làm sao chăn, thì bảo: Thôi, cứ lên chùa tụng kinh, đánh chuông gõ mõ, nhìn Phật, cốt chú ý vào kinh đừng nghĩ bậy có tội! Khi lên gõ mõ tụng kinh mà không nghĩ bậy, thì đó là một giờ hoặc nửa giờ yên được một phần vọng tưởng thì đâu phải là tà. Đó là phương tiện của kẻ sơ cơ, là phương tiện trong giai đoạn động. Những người không hiểu cứ chấp phải ngồi khơi khơi để nó không ngơ như bầu trời không mới đúng, thì đó là bệnh. Thế nên người tu phải khéo có phương tiện, với người thế nào nên dùng hình sắc độ họ, với người thế nào nên dùng âm thanh độ họ v.v… tùy phương tiện để giúp họ dừng tâm điên đảo vọng tưởng, đó là tài của người giáo hóa chớ đừng cố chấp. Nhưng đa số người học hay cố chấp, nghe cái nào là chấp cái ấy, như nghe nói dùng sắc tướng âm thanh cầu ta là hành đạo tà, khi thấy cái gì có sắc tướng liền bảo đó là tà, cái gì có âm thanh liền bảo đó là tà… Đó là tự mình tà chớ không phải đạo tà. Tự mình tà nghĩa là mình chưa biết tới chỗ cứu kính.
Tóm lại trong đoạn này đức Phật cốt chỉ cho chúng ta thấy Pháp thân không phải là sắc tướng, không phải là âm thanh. Âm thanh và sắc tướng là sanh diệt mà Pháp thân là bất sanh bất diệt, nếu kẹt vào tướng và âm thanh, cho đó là thật, đó là đạo tà. Nếu biết sắc tướng âm thanh là giả thì không phải tà. Thế nên tôi thường dặn quí vị mỗi khi lễ Phật phải nhớ mãi câu chúng ta đọc: “Năng lễ sở lễ tánh không tịch.” Chúng ta là người hay lạy, đức Phật là vị để mình lạy, cả hai đều Tự tánh là không, là lặng lẽ, nhưng duyên hợp thì giả có. Chúng ta thấy rõ như vậy, chớ không phải thấy Phật ngồi trên bàn là thật và mình đây là thật. Hiểu như vậy làm sao gọi là tà được! Chỉ tại những người không hiểu, đọc là cứ đọc thôi cho nên thành tà! Như thế nếu trì bốn câu kệ này, chúng ta có thể được công đức như Phật nói ở đoạn trước không? Nghĩa là nếu cứ thọ trì mãi bốn câu này, thì chúng ta có thể tỉnh giác không? Đừng nghĩ Như Lai là Phật Thích-ca. Phải nhớ Như Lai là Pháp thân thường hằng của chúng ta. Pháp thân đó không thuộc sắc tướng thì đâu có chấp ngã, nó cũng không thuộc âm thanh thì đâu có chấp âm thanh. Tất cả âm thanh sắc tướng sanh diệt đều không chấp tức là không hành đạo tà, như thế mới thấy được Pháp thân. Nếu nhớ và sống như thế thì chúng ta giác ngộ rồi. Thế nên bài kệ này rất quan trọng.
————————–