1 Lạy : Nguyện cho con “Tiêu vô Lượng nghiệp chướng”
2 Lạy : Nguyện cho con “Giải vô Lượng quan nghiệp”
3 Lạy : Nguyện cho con “Tập vô Lượng phước đức”
A Di Đà Phật : Hôm nay Trí Gải xem mấy hình này thấy hay hay viết Phật pháp theo mấy hình này chia sẻ đến quý Phật tử, đặt tên: “Phật pháp đời sống”
1. Lạy Phật: Mục đích chính:
Lạy Phật nghĩa là “Kính Phật chi đức” lạy Phật có sự tôn kính, tưởng nhớ, kính trọng,
Lạy Phật về sự và lý
Trong Kinh Hoa Nghiêm Tùy Sớ Diễn Nghĩa đã dạy như sau:
Kinh Hoa Nghiêm, thiên Khổng Mục, Phật dạy: “kẻ lạy như vậy là chưa dẹp được lòng ngạo mạn, tội nhiều phúc ít“. Do đó người cư sĩ Phật tử phải đem hết tâm trí, phải không còn một chút mảy may lòng ngã mạn, dồn hết tâm trí vào việc lạy Phật mới mong có lợi lạc.
Cách lạy:
- Khi gối phải quỳ xuống đất, nguyện cho chúng sanh theo đường chánh giác.
- Khi gối trái quỳ xuống đất, nguyện cho ngoại đạo bỏ hết tà kiến theo về chánh đạo.
- Khi tay phải chống xuống đất, nguyện được vững chắc như Phật ngồi tòa Kim Cương, hiện điềm lành chứng đạo Bồ Ðề.
- Khi tay trái chống xuống đất, nguyện các chúng sanh khó điều phục xa lìa ngoại đạo, dùng tứ nhiếp pháp mà đưa nhau gần vào chánh đạo.
- Khi đầu sát đất, nguyện cùng chúng sanh bỏ tâm kiêu mạn, thành tựu đạo Vô Thượng Bồ Ðề
Lạy Phật một cách đúng đắn nhất là: Khi lạy Phật, ngoài sự tôn kính chư Phật chúng ta cúi đầu sát đất cũng là để hạ thấp nhất bản ngã của mình, vất bỏ cái tôi cố hữu để hòa nhập với Pháp thân thanh tịnh của chư Phật.
Không được lạy Phật cầu danh, (lúc có nhiều người siêng lạy Phật chứng tỏ tu hành tinh tấn hoặc Phật tử thuần thành, khi không có người thì làm biếng lạy Phật thì gọi ngã mạn lễ) lạy Phật không nên cầu khẩn, van xin,…trở thành mê tín mất đi ý nghĩa lạy Phật.
“Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ” nghĩa là: Lạy úp mặt vào tay: tức là lạy ôm chân Phật, tỏ lòng thành kính vô cùng, xem như đang ôm lấy chân Phật.
a/ Chính trí tương ứng: (Lạy phải đúng nghi thức, với tấm lòng hết sức chơn thành). Khi lạy thân mình nghiêm chỉnh, ăn mặc đàng hoàng, tâm tưởng , ý suy với mục đích duy nhất: lạy Phật, nhất trí tiến tu, không cầu, không chứng. Lạy như vậy là chánh pháp cùng chí hướng tương quan với nhau nên gọi là chính trí tương ứng. Trái lại, thường vấp phải các lỗi như sau.
b/ Khinh mạn tương ứng: Khi lạy Phật thân không nghiêm chỉnh, ý không thanh tịnh, tâm tán loạn, chỉ lạy như cái máy, miệng khấn vái lung tung, cầu xin loạn xạ. Thân, tâm, ý đều khởi lên những động tác bất kính, khinh mạn nên gọi là khinh mạn tương ứng.
c/ Tạp giác tương ứng: Khởi đầu ăn mặc chỉnh tề, tâm ý thanh tịnh, nhưng vì giác quan thâu nhiễm cảnh trần phức tạp (mắt nhìn người nọ, liếc kẻ kia), dấy lên những tâm tưởng e thẹn, ngần ngại nên phát xuất ra động tác lạy Phật ngượng nghịu, sượng sùng, miễn cưỡng nên gọi là tạp giác tương ứng.
d/ Tam khấu đầu: Lạy dập trán xuống đất 3 lần Ðó là cách lạy thông thường, xem như “nhất tâm đảnh lễ”, 3 lần dập trán xuống đất là biểu hiện lòng thành khẩn và sự cung kính đối với Tam Bảo. [1]
2. Nhân quả nghiệp báo của sự giàu và nghèo:
Theo quan điểm Phật giáo:
Cách dễ hình dung hơn, thử xét nhân quả ngay tại thế gian nơi chúng ta đang sống. Đức Phật dạy:
“Nhân quả phuớc nghiệp của mỗi người là chánh báo thân thể hoàn cảnh của nguời là y báo. Nhân ích kỷ, tị hiềm… không quan tâm đến nguời khác thì quả báo phải là nghèo khổ, thiếu thốn. Nếu nhân rộng luợng, chân thật, biết quên mình vì nguời, thường đem lợi ích cho mọi người, thì quả báo chắc chắn sẽ giàu sang, danh vọng”…
Như vậy từ nhân nghiệp chánh báo giữa nguời nghèo và giàu khác nhau, nên tất nhiên hoàn cảnh sinh sống, còn gọi là y báo, giữa hai nguời đó cũng theo đó khác nhau. Cảnh nhà của nguời nghèo lam lũ, rách ruới… Cảnh sống của nguời giàu là cao sang, cung điện… Tất cả những khác nhau đó không tự nhiên mà sanh. Trên phương diện nhân quả nghiệp báo, như vậy cho nên sẽ không có chuyện một nguời kém phước đức thác sanh vào gia đình hoàng tộc, cũng như không có chuyện một nguời đầy đủ phuớc báu lại sanh vào một gia đình hành khất. Tất nhiên trừ truờng hợp thị hiện của chư vị Bồ Tát. Như vậy hoàn cảnh nghèo hay giàu sẽ không tự nó xuất hiện nếu không bắt nguồn từ chánh nhân nghiệp báo nhân quả mà ra.
Theo quan điểm thế gian:
Nghèo diễn tả sự thiếu cơ hội để có thể sống một cuộc sống tương ứng với các tiêu chuẩn tối thiểu nhất định. Thước đo các tiêu chuẩn này và các nguyên nhân dẫn đến nghèo nàn thay đổi tùy theo địa phương và theo thời gian
Nguyên nhân của sự nghèo:
Những nguyên nhân chính dẫn đến nghèo được liệt kê ra là:chiến tranh, cơ cấu chính trị (thí dụ như chế độ độc tài, các quy định thương mại quốc tế không công bằng), cơ cấu kinh tế (phân bố thu nhập không cân bằng, tham nhũng, nợ quá nhiều, nền kinh tế không có hiệu quả, thiếu những nguồn lực có thể trả tiền được), thất bại quốc gia, tụt hậu về công nghệ, tụt hậu về giáo dục, thiên tai, dịch bệnh, dân số phát triển quá nhanh và không có bình đẳng nam nữ.
Yếu tố nguy hiểm chính cho sự nghèo tương đối là thất nghiệp và thiếu việc làm. Ngoài ra những yếu tố nguy hiểm khác là phân bố thu nhập quá mất cân bằng, thiếu giáo dục và bệnh tật mãn tính. [2]
3. Mặt tham sân si:
Ba loại phiền não căn bản, quấy nhiễu thân, tâm, cũng còn được gọi là ba độc, tức ba món độc, đầu độc thân, tâm.
Tham là tham lam. Sân là giận dữ. Si là ngu si. Ba độc T, S, S mà đoạn trừ được thì thành ra ba điều thiện căn bản là không tham, không sân, không si (tiếng Hán gọi là vô tham, vô sân, vô si).
Ba phương pháp đối trị thường được nói tới nhiều trong sách Phật là
Dùng phép quán bất tinh để đối trị tham. Sắc thân người đẹp cũng như của cải vật chất có tướng thật của chúng là dơ bẩn, không bền chắc, không có gì đáng thèm muốn.
Dùng phép quán từ bi để chữa bệnh sân. Nếu quán thấy được tất cả mọi chúng sinh, mọi người đều bị đau khổ không khác gì mình đau khổ, thì không nên oán giận họ mà còn tỏ lòng từ bi, thông cảm với họ.
Cuối cùng dùng phép quán nhân duyên để đối trị bệnh ngu si. Thấy được tất cả pháp, tất cả mọi sự việc trên thế giới, hiện tượng đều là do nhiều nhân duyên, nhiều yếu tố tạm thời giả hợp mà thành thì tức là thấy được chân tướng sự vật, là giả hợp, vô thường không có gì là vững bền phải than vãn, giận hờn, vướng mắc, vv. [3]
4. Cầu bất đắc khổ:
Hiểu rõ chân lý nhân quả, con người tự làm chủ bản thân từ sự suy nghĩ, đến lời nói, và hành động; sống không ỷ lại sự cứu rỗi, van xin, không còn tâm mong cầu, chờ đợi sự huyền bí linh thiêng hay phép lạ đến từ bên ngoài. Phép lạ chính là sự chuyển hóa nội tâm, chuyển hóa phiền não thành bồ đề, chuyển hóa khổ đau thành an lạc.
Cầu xin nhiều thất vọng nhiều. Nếu như cầu gì được nấy sẽ tăng trưởng lòng tham lam và ích kỷ. Còn nếu cầu không được gì cả, chính là con đường dẫn đến đau khổ triền miên không lối thoát. Cầu bất đắc thì đương nhiên là khổ! Nếu như không được những gì mong muốn thì hãy vui với những gì đang có, con người ít mong cầu, ít đòi hỏi, thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, thì thân tâm được an ổn tự tại.
Ða dục vi khổ
Sanh tử bì lao
Tùng tham dục khởi
Thiểu dục vô vi
Thân tâm tự tại. [4]
5. Tác hại của rượu:
Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm: Tài sản hiện tại bị tổn thất, đấu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ âm tàng, và thứ sáu là trí lực tổn hại. Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sau nguy hiểm như vậy [5]
Kinh “Phân Biệt Thiện Ác Sở Khởi” có dẫn ra 36 lỗi của người say như sau:
01. Uống rượu say khiến con chẳng kính cha mẹ, cha con không có trên dưới
02. Nói năng bậy bạ
03. Uống rượu nói lời chia rẽ, nói nhiều
04. Say rượu nói hết những điều cơ mật của người
05. Say rượu mắng trời quở đất chẳng biết húy kỵ
06. Say rượu nằm giữa đường, chẳng biết đường về hoặc đánh mất đồ vật
07. Say rượu chẳng thể đi đứng đoan chánh
08. Say rượu ngã tới ngã lui hoặc rơi vào mương rãnh, hầm hố
09. Say rượu té lên té xuống vỡ cả mặt mày
10. Say rượu mua bán lầm lộn, gây việc đụng chạm với người
11. Say rượu làm mất việc làm, chẳng lo làm ăn sinh sống
12. Hao tổn tiền của
13. Say rượu chẳng nghĩ đến sự đói lạnh của vợ con
14. Say rượu mắng chửi chẳng kể đến luật pháp
15. Say rượu cởi áo quần, thân thể lõa lồ chạy khắp nơi không biết hổ thẹn
16. Say rượu chạy vào nhà người lôi kéo phụ nữ nói bậy nói bạ
17. Muốn đánh người bên cạnh
18. Dậm chân la lối om sòm làm kinh động đến hàng xóm
19. Say rượu giết càn các loài trùng kiến
20. Say rượu đập phá đồ đạc trong nha
21. Người say rượu bị người nhà coi như kẻ ở trong tù ngục, say sưa không có suy nghĩ
22. Kết bạn cùng bọn người ác
23. Xa người hiền lành
24. Say rồi tỉnh dậy thân thể cảm thấy bệnh hoạn
25. Say sưa ói mửa dơ bẩn,vợ con chán ghét
26. Say sưa tâm ý buông lung không biết tránh thú dữ
27. Say sưa chẳng tôn kính người hiền, chẳng kính sa môn
28. Say rượu dâm dật không biết kiêng sợ
29. Say rượu như người điên mọi người tránh xa
30. Người say như người chết không còn biết gì cả
31. Người uống rượu say sẽ bị bệnh gan
32. Trời rồng, quỉ thần đều không thích người uống rượu
33. Bạn tốt xa lánh
34. Say rượu quậy phá bị chính quyền bắt, hoặc bị đánh đòn
35. Sau khi chết đọa địa ngục, uống nước đồng sôi
36. Được ra khỏi địa ngục, sanh làm người thường ngu si
Lại nữa, khi uống rượu say không làm chủ bản thân, nói những lời gây phiền não, oán hận lẫn nhau khiến bạn bè chí thân trở thành thù địch, anh chị em trong gia đình không còn kính nể thương yêu nhau, mất hết uy tín với đối tác làm ăn, bị kẻ dưới coi thường, con cháu không quý mến.
Trong Luật Sa Di giới thứ 5 Đức Phật dạy “ninh ẩm dương đồng thận vô phạm tửu” thà uống nước đồng sôi còn hơn phạm giới rượu. Bởi vì uống nước đồng sôi chết còn giữ được hạt giống trí tuệ. Uống rượu vào làm mất đi hạt giống trí tuệ.
Trí Gải
Chú thích:
[1] theo Tự điển-Đại tạng Kinh Việt-Nam
[2] Bách khoa toàn thư
[3] Tự điển bách khoa
[4] Kinh Bát Đại Nhân Gác
[5] Kinh Trường A Ham (Kinh giáo thọ thi ca la việt)