Tôn giả CA CHIÊN DIÊN
(Katyayana – Kaccayana, Kaccana)
(Vị luận sư lỗi lạc nhất)
1.- THI ĐUA DIỄN THUYẾT VỚI ANH:
Tại thôn Nhĩ Hầu (có thể cũng tức là kinh thành Ưu Thiền Ni, Ujayana – Ujjeni – chú thích của người dịch) của vương quốc A Bàn Đề (Avanti) ở miền Nam Ấn Độ, có một gia đình hào phú thuộc chủng tộc Bà la môn, rất được mọi người kính trọng. Đó là gia đình của tôn giả Ca Chiên Diên. Thân phụ của tôn giả được phong chức quốc sư của quốc vương đương thời. Gia đình ấy có ruộng đất rộng lớn, nuôi hàng trăm nô bộc, có quyền thế lớn, có gia sản lớn, có thể nói, đó là gia đình danh giá bậc nhất của vương quốc.
Thật ra, tên của tôn giả là Na La Đà (Nalaka), còn Ca Chiên Diên là họ. Bởi vì sau này tiếng tăm của tôn giả trở nên lừng lẫy, cho nên mọi người đã lấy họ làm tên để gọi tôn giả, rồi thành quen.
Tôn giả là người con thứ hai trong gia đình. Anh của tôn giả là một người tư chất thông minh, tướng mạo anh tuấn, tính tình hào sảng. Sau khi theo cha xuất gia, và trở thành một vị sa môn của Bà la môn giáo, ông một mình đi chu du cầu học. Ông đã đi rất nhiều nơi, học với rất nhiều vị minh sư, cho nên được thông hiểu nhiều về học thuật, lại có được nhiều kĩ năng. Khi tự thấy rằng mình đã công thành danh toại, ông trở về cố hương. Một ngày nọ, ông triệu tập đông đảo dân chúng lại để giảng kinh Vệ Đà, và công nhiên tự cho mình là người thông tuệ nhất về triết học Vệ Đà.
Ca Chiên Diên từ trước đến giờ chưa hề bước chân ra khỏi cửa, nay thấy người anh trở về dựng đài giảng kinh Vệ Đà, bèn cũng dựng đài đối diện với anh, cũng thông báo mời dân chúng để để nghe mình giảng luận về triết lí Vệ Đà. Nhờ có biện tài vô ngại, nhờ nêu lên được những điểm quan yếu, sâu xa, Ca Chiên Diên dần dần đã thu hút hết số thính giả của người anh, Thính giả bình luận với nhau rằng: “Ông em xem ra giỏi hơn ông anh rất nhiều!”.
Nghe lòi bình phẩm này, người anh, vốn bản tính hiếu thắng, đã tỏ ra rất hậm hực, và ghen tức với Ca Chiên Diên, nhưng cả hai anh em đều không ai chịu nhường ai, lời qua tiếng lại, cuối cùng đem nhau đến trước thân phụ để nhờ phân xử. Vói thái độ rất bực tức, người anh nói trước:
– Thưa cha! Xin cha hãy dạy bảo thằng em ương ngạnh của con đi! Nó đã làm mất mặt con quá rồi. Con đã từng đi chu du tham học lâu năm, chẳng lẽ lại không bằng nó! Trong khi con thuyết giảng, nó lại muốn đương đầu với con, cũng dựng đài thuyết giảng, dẫn dụ hết thính chúng của con về cho nó …
Cậu thiếu niên Ca Chiên Diên không tỏ vẻ gì sợ hãi, giải thích:
– Xin cha xét cho! Học vấn là một việc công khai, ai cũng có quyền học hỏi, nghiên cứu và diễn thuyết. Anh con thích đi các nơi để học hỏi, còn con thì chỉ thích ở nhà để tự nghiên cứu lấy. Con không hề muốn phải giỏi hơn anh con, mà chỉ muốn biết rằng trong bao năm nằm nhà cố gắng tự học lấy, con có thu nhập được chút ít kết quả nào không. Rõ ràng là, kết quả của bao năm chu du cầu học, anh con đã mang về nặng trĩu cái tâm hơn thua; còn con nằm nhà chỉ thật lòng học tập mà thôi. Con không muốn phiền cha phải lo lắng dạy bảo, chúng con có thể tự biết lo cho mình, hi vọng anh con cũng biết nghĩ như vậy.
Cha làm quốc sư, đối với hai con đều thương yêu rất mực, đứng trước cảnh này cũng chẳng biết xử trí ra sao. Cuối cùng ông đem câu chuyện bàn với vợ, gởi Ca Chiên Diên về ở với sa môn A Tư Đà (Asita) để học tập, như vậy sẽ tránh được chuyện anh em xích mích.
2.- SỰ DẠY DỖ CỦA ÔNG CẬU:
Đạo sĩ A Tư Đà ở miền Nam của vương quốc, là cậu ruột của Ca Chiên Diên. Ông vừa học rộng, vừa có thần thông, cho nên rất nổi tiếng ở khắp Ấn Độ thời đó. Khi thái tử Tất Tạt Đa (Siddhartha – Siddhatta) ở thành Ca Tì La Vệ (Kapilavastu – Kapilavatthu), ở vương quốc Thích Ca (Sakya) vừa đản sinh, ông liền được vua Tịnh Phạn (Suddhodana) triệu kiến để xem tướng cho thái tử. Ông tâu vua rằng: “Vị thái tử hiền minh này về sau sẽ xuất gia học đạo và sẽ đạt được quả vị giác ngộ vẹn toàn. Rất tiếc thần nay tuổi đã già, sợ không sống được cho đến ngày Ngài thành đạo. Thần tuy không được diễm phúc học tập giáo pháp của Ngài, nhưng thần nhất định dạy bảo đám hậu bối của thần sẽ phải học tập giáo pháp đó”. Nói xong, vì quá tủi thân, ông đã không cầm được nước mắt.
Từ ngày được cha mẹ gửi gấm về đây. Ca Chiên Diên rất được đạo sĩ A Tư Đà cưng quí. Ông đã đem tất cả cái gia sản tinh thần của ông truyền dạy lại hết cho đứa cháu thông tuệ của mình. Để đáp lại, Ca Chiên Diên cũng hết sức siêng năng chăm chỉ để không phụ tấm lòng hoài vọng của ông cậu. Chẳng bao lâu, cả tứ thiền, ngũ thông, Ca Chiên Diên đều hoàn toàn chứng đắc. Từ đó, Ca Chiên Diên không còn nghĩ tưởng gì đến gia đình nữa. Thứ nhất, chàng không muốn dựa vào uy tín và quyền thế của thân phụ để được người đời kính trọng; thứ nhì, nghĩ đến người anh hiếu thắng của mình, chàng biết là không thể nào cùng ở chung được. Do đó, chàng quyết chí tự lập để xây dựng một tương lai cho chính mình. Thỉnh thoảng song thân có cho người xuống gọi chàng về thăm nhà nhưng chàng đã khéo léo từ tạ, không về.
Đạo sĩ thấy cháu mình không còn bị ràng buộc bởi sợi dây gia đình nữa, một hôm ông bảo chàng:
– Cháu ạ! Cứ như chí nguyện của cháu hiện giờ thì trong tương lai cháu nhất định sẽ trở thành một nhân vật lỗi lạc, nhưng chầu cần phải gặp minh sư chỉ dạy mới được. Cái kiến thức hạn hẹp của cậu, nay không còn đủ để đáp ứng cho cái sở học và sở cầu của cháu nữa. Hiện giờ cậu biết có một đấng Đại Giác đã ra đời. Đợi đến khi Người thành Đạo rồi thì cháu hãy mau tìm đến xin tu học với Người.
Ca Chiên Diên nghe cậu nói, lòng nửa tin nửa ngờ, đối với câu bảo rằng, tương lai chàng sẽ trở thành một nhân vật lỗi lạc, thì chàng tin tưởng hoàn toàn mà không có chút gì hoài nghi cả.
Một ngày nọ, đạo sĩ dẫn Ca Chiên Diên đi về hướng kinh thành Ba La Nại (Varasai – Baranasi), vương quốc Ca Thi (Kasi). Khi đến vùng phụ cận của vườn Nai (Mrgadava – Migadaya) thì ông dừng lại, dựng một căn nhà nhỏ để hai cậu cháu cùng ở. Sau khi chỗ ở đã ổn định, đạo sĩ bảo Ca Chiên Diên mỗi ngày phải cầu nguyện ba lần rằng: “Cầu nguyện cho đấng Đại Giác sớm thành đạo”. Rồi một hôm khác nữa, đạo sĩ lại bảo chàng:
– Cháu ạ! Theo cậu dự đoán thì đấng Đại Giác ấy sẽ thành đạo trong một ngày rất gần đây. Sau khi thành đạo, nhất định Người sẽ đến vườn Nai quay bánh xe pháp trước tiên. Cậu chỉ biết đến thế thôi, còn Người sẽ giác ngộ chân lí gì, nói pháp gì, sợ rằng cậu không có đủ phước đức để nghe được. Cháu hãy ghi nhớ lấy, sau khi đấng Đại Giác ấy chứng đạo rồi thì cháu hãy mau mau theo Người mà xin tu học.
Sau khi dặn dò Ca Chiên Diên mọi điều cẩn thận, đạo sĩ A Tư Đà tạ thế. Từ đó, dù không còn được minh sư dắt dẫn nữa, nhưng với kiến thức và tài năng của mình, Ca Chiên Diên vẫn có một chỗ đứng vinh quang trong xã hội. Dù ông không có ý dựa vào cái uy thế quốc sư của thân phụ, cũng như cái danh tiếng lẫy lừng của ông cậu sa môn A Tư Đà, nhưng xã hội quần chúng vẫn trông vào những thứ hào quang ấy mà kính trọng và cúng dường ông; để rồi, thật là đáng tiếc, vì ngày một đắm chìm vào cái vũng danh vọng và lợi dưỡng ấy, Ca Chiên Diên đã quên mất “đấng Đại Giác” mà ông cậu đã từng ân cần dặn dò phải tìm đến để xin tu học.
3.- BÀI KỆ THẦN BÍ:
Ca Chiên Diên tự cho mình là bậc đắc đạo, đương nhiên là phải nhận được cung kính cúng dường của người đời, hà tất phải trông mong ở một “đấng Đại Giác” nào nữa! Bởi vậy, không bao lâu sau ngày đạo sĩ A Tư Đà tạ thế, ông không còn hàng ngày cầu nguyện để sớm gặp “đấng Đại Giác” nữa.
Một thời gian khá lâu sau đó, tại một nơi đồng trống ở vùng phụ cận thành Ba La Nại, người ta bỗng đào được nhiều di tích của một thành phố xưa. Trong số các cổ vật đó, có một tấm bia khắc một thứ cổ tự gì đó trông giống như một bài kệ, mà không ai đọc được cả. Truyền thuyết trong dân chúng nói rằng, giả sử có người đọc được văn bia ấy đi nữa thì về ý nghĩa đích thực của nó cũng chỉ có “đấng Đại Giác” mới hiểu được mà thôi.
Một hôm, quốc vương của thành Ba La Nại tuyên bố trước các triều thần:
– Nước ta vừa phát hiện được một số cổ vật quí báu của thời xưa, trong đó có một bài văn bia. Vậy các khanh hãy cố gắng đọc cho được văn bia ấy để các nước láng giềng khỏi chê cười nước ta không có người tài giỏi. Trong vòng bảy ngày, nếu không ai đọc được thì trẫm sẽ tước bỏ hết quan chức của các khanh.
Dù vua đã có lệnh gắt gao, nhưng các vị triều thần vẫn lấy mắt nhìn nhau, vì từ trước đến giờ đã có ai từng trông thấy thứ chữ ấy bao giờ đâu! Rõ ràng là không ai có biện pháp nào cả. Cuối cùng họ chỉ biết cùng nhau lập kiến nghị trình lên quốc vương, yết bảng tuyên cáo cho nhân dân toàn quốc, nếu ai có thể đọc được bài kệ khắc trên tấm bia ấy thì sẽ được tưởng thưởng gái đẹp, vàng bạc cùng các báu vật khác.
Bảng tuyên cáo của triều đình đã được yết lên, và tin tức ấy được loan truyền tới ta Ca Chiên Diên. Ông hồi tưởng, đạo sĩ A Tư Đà trước kia không những đã dạy cho ông tất cả các loại văn tự hiện lưu hành trong dân gian, mà còn dạy rất nhiều loại văn tự của các cõi trời nữa. Bởi vậy, chàng rất tự tin là mình sẽ đọc được thứ văn tự khắc trên tấm bia cổ kia.
Quả nhiên, Ca Chiên Diên đã đọc được bài văn bia ấy. Đó là một bài kệ được viết bằng thứ văn tự Phạm Thiên mà chỉ có những người đã chứng thần thông mới hiểu thấu được. Ông đến trước đức vua phiên dịch bài kệ ấy như sau:
Vua của các vị vua là ai?
Thánh của các bậc thánh là ai?
Thế nào là người ngu?
Thế nào là người trí?
Làm sao xa lìa được dơ bẩn?
Làm sao chứng đạt được niết bàn?
Ai chìm đắm trong biển sinh tử?
Ai tiêu dao tự tại trong cõi giải thoát?
Lâu nay không ai đọc được bài kệ thần bí đó cả, bây giờ có nhà bác học Ca Chiên Diên là người đầu tiên đọc được. Chẳng bao lâu, bài kệ ấy đã được truyền tụng ra khắp nước. Nhưng người ta chỉ đọc lên bài kệ thôi, còn ý nghĩa của nó thì không ai hiểu được, mà ngay cả Ca Chiên Diên cũng không giải thích nổi. Mỗi câu kệ là cả một vấn đề to lớn. Người ta cố dùng những học thuyết đương thời để giải đáp, nhưng vì không có giải đáp nào rốt ráo, trọn vẹn, cho nên nghi vấn này lại sinh ra nghi vấn khác, rốt cuộc họ vẫn ở trong cái vòng lẩn quẩn.
Ca Chiên Diên dù được nhà vua công nhận là người học rộng tài cao quán chúng, nhưng vì không thông hiểu được ý nghĩa của bài kệ cho nên vẫn bị nhà vua quở trách. Vua lại hạ lệnh tăng giá thêm cho giải thưởng để cầu cho được bậc cao nhân giải đáp ý nghĩa bài kệ.
Ca Chiên Diên vẫn không chịu thua, bèn hứa với quốc vương, nội trong bảy ngày nhất định ông sẽ giải đáp được.
4.- RỐT CUỘC RỒI CŨNG TÌM ĐẾN ĐẤNG ĐẠI GIÁC:
Ông trở về nhà, để hết tâm tư suy nghĩ. Nhưng những vấn đề được nêu ra trong bài kệ đâu có thể dùng tâm trí suy nghĩ mà làm cho sáng tỏ được! Những vấn đề đó nhất định phải có một bậc Đại Giác mới mong giải đáp được. Khi đã nghĩ như thế, và không đã hoàn toàn không còn trông cậy vào tài trí của mình nữa, Ca Chiên Diên bèn đi các nơi để cố tìm những bậc cao minh giúp đỡ. Ông lần lượt đi thỉnh giáo các vị học giả uyên bác, tiếng tăm lừng lẫy lúc bấy giờ như Phú Lan Na Ca Diếp (Puranakasyapa – Puranakassapa) trong nhóm Lục Sư chẳng hạn, nhưng kiến giải của họ bất quá cũng chỉ như ông là cùng. Rốt cuộc, chân ý của bài kệ vẫn không ai làm sáng tỏ được. Đến lúc Ca Chiên Diên cảm thấy là mình đã “đụng tường” rồi, bấy giờ ông mới sực nhớ là có “đấng Đại Giác” đã ra đời! Nhớ thì có nhớ đấy, nhưng ông vẫn không chịu đi tìm Ngài để thỉnh giáo. Ông nghĩ rằng, bài kệ kia là văn tự Phạm Thiên, đến như những đạo sĩ Bà la môn lão thành, có đầy đủ tư cách và quyền uy mà cũng không hiểu được thì đạo sĩ Cồ Đàm trẻ tuổi kia làm sao hiểu nổi!
Rồi ông lại suy nghĩ, trước giờ lâm chung, cậu mình đã dặn dò cẩn thận, đã lập đi lặp lại đến mấy lượt rằng, sau khi đấng Đại Giác đã thành đạo rồi thì mình phải tìm đến để cầu xin tu học, nhưng đạo sĩ Cồ Đàm trẻ tuổi như vậy, làm sao có thể là một đức Phật, một bậc đại giác với công hạnh viên mãn được!
Nhưng cuối cùng ông lại tự bảo, sự ngộ đạo đâu có thể dựa vào tuổi tác già trẻ mà xác quyết! Do vậy, ông đã quyết định lên đường tìm về vườn Nai.
Sau khi được bái kiến đức, Phật, Ca Chiên Diên mới biết rằng lời dạy của cậu mình lúc trước quả thật không sai. Ông chưa biết được trí tuệ của Phật rộng lớn đến thế nào, nhưng mới nhìn thấy dung quang uy nghi của Ngài thì ông đã sinh niềm cung kính vô bờ bến. Ông liền chắp tay, đọc lên nguyên văn bài bệ và cầu xin Phật chỉ dạy. Ngài cũng dùng kệ để giải đáp:
Vua của các vua là vị thiên vương cung trời thứ sáu.
Thánh của các bậc thánh là đức đại giác Phật Đà.
Để cho vô minh làm ô nhiễm là người ngu.
Có khả năng tiêu diệt mọi phiền não là người trí.
Dứt bỏ được tham sân si thì lìa được dơ bẩn.
Hoàn thành được giới định tuệ thì chứng niết bàn.
Còn vướng mắc vào ngã và pháp là còn chìm đắm trong biển sinh tử.
Thấy rõ được pháp tánh duyên khởi thì tiêu dao tự tại trong cõi giải thoát.
Mỗi lời giải đáp của đức Phật đều như thấm sâu vào tim phổi của Ca Chiên Diên, khiến cho những bóng mờ vẫn ẩn núp trong tâm trí ông từ bấy lâu nay đều bị ánh sáng trí tuệ quét sạch. Ông vui mừng đến nỗi, đã trải qua một lúc khá lâu mà không thốt lên được tiếng nào! Lời khai thị của đức Phật đã như một động lực mạnh mẽ, làm cho ông tỏ ngộ và bắt đầu đặt chân vào thế giới của chân lí. Cuối cùng, ông đọc lại nguyên văn bài kệ của Phật dạy, rồi đảnh lễ và lui ra …
Ca Chiên Diên trở vào hoàng cung bệ kiến quốc vương, đọc bài kệ của Phật cho nhà vua và toàn thể triều thần nghe. Sau đó, ông tuyên bố cho tất cả mọi người biết là ông sẽ trở lại vườn Nai ngay để xin qui y làm đệ tử Phật …
5.- KHUYÊN NIỆM TAM BẢO:
Rốt cuộc rồi Ca Chiên Diên cũng được ánh sáng trí tuệ của bậc Đại Giác chiếu rọi và đã trở thành một trong những vị đệ tử ưu tú, đứng hàng đầu trong giáo đoàn. Ca Chiên Diên hoan hỉ vô cùng, vì không những tự mình đã được cứu độ, mà còn làm tròn được tâm nguyện của đạo sĩ A Tư Đà. Tôn giả vốn dĩ đã là một nhân vật phi phàm, nay lại được theo Phật xuất gia và chứng quả A La Hán, thì tài trí ấy lại càng siêu việt. Tôn giả đã thông hiểu rất nhiều kinh luận ngoại đạo, cho nên điều phát nguyện đầu tiên của tôn giả là phải đưa những người bạn kia ra khỏi con đường mê lầm để quay về tiếp nhận chân lí và nương tựa nơi Tam Bảo.
Vì có tâm nguyện như vậy, cho nên tôn giả, lúc sống trong tu viện thì đem hết tâm lực để tu học, còn lúc ra bên ngoài thì cũng đem hết tâm lực để hoằng truyền chánh pháp. Giáo pháp cứu đời do đức Phật khám phá, giờ đây nhờ có sự hoằng hóa tích cực của Ca Chiên Diên mà được phổ cập dễ dàng trong nhân quần xã hội. Tôn giả cho rằng, được làm sứ giả của đức Như Lai là một vinh hạnh tột cùng của đời mình; và cũng vì lòng nhiệt thành ấy mà tiếng tăm của tôn giả trở nên lừng lẫy, như mùi thơm của hoa bay tỏa khắp nơi, ai nghe đến tên cũng đều tỏ lòng kính nể.
Một lần nọ, đức Phật trở về quê hương Ca Tì La Vệ để giáo hóa. Trong số tăng chúng đi theo Phật có tôn giả Ca Chiên Diên. Phật và đại chúng tạm trú tại thôn Hạ Lị. Trong thời gian lưu trú tại đây, một hôm, trong thôn có một vị trưởng giả lâm trọng bệnh. Ca Chiên Diên muốn đích thân đến dùng Phật pháp để tiêu trừ bệnh khổ cho ông ta.
Tôn giả đến trong lúc vị trưởng giả đang nằm trên giường bệnh. Tôn giả hỏi thăm:
– Thưa trưởng giả! Đức Thế Tôn nghe nói trưởng giả không được khỏe nên sai tôi đến thăm. Chẳng hay trưởng giả đã cho mời thầy thuốc đến chữa trị chưa?
Vị trưởng rất cảm động trả lời:
– Con xin cám ơn đức Thế Tôn và đại đức. Bịnh của con đã đến lúc quá nặng rồi, không còn hi vọng gì chữa được. Rất nhiều thầy thuốc đều đã bảo như vậy.
– Vậy xin trưởng giả hãy chuyên tâm quán niệm Tam Bảo, mong nhờ uy đức lớn lao của Tam Bảo mà tâm ý của trưởng giả được thanh tịnh, rồi bịnh sẽ thuyên giảm.
– Thưa đại đức! Con qui y Tam Bảo với hi vọng được hộ trì Tam Bảo để đam lại lợi lạc cho nhân gian. Con nên hiến cúng cho Tam Bảo những gì mình có chứ đâu dám yêu cầu này nọ nơi Tam Bảo!
– Trưởng giả nói rất đúng! Cõi thế gian là vô thường, chúng ta không thể nào yêu cầu Tam Bảo làm cho ta được thường trú mãi mãi. Thân thể phải bị bịnh tật, chúng ta không thể nào yêu cầu Tam Bảo làm cho ta khỏe mạnh suốt đời. Người có đức tin vào Tam Bảo lúc nào cũng hi sinh cá nhân để xây dựng cuộc sống chung cùng. Bịnh hoạn, đau khổ của cá nhân, chúng ta hãy biết tự lo lấy chứ đâu có dám làm phiền đến Phật Pháp Tăng, nhưng thưa trưởng giả, sức người thi có giới hạn mà ánh từ quang của Tam Bảo thì trải khắp mọi nơi, nếu chúng ta thành tâm cần cầu thì ánh từ quang ấy sẽ rọi chiếu đến.
Nghe lời khuyên của Ca Chiên Diên, vị trưởng giả hàng ngày chuyên niệm Tam Bảo. Ông cảm thấy thân tâm dần dần trở nên an lạc và bệnh tình cũng ngày càng thuyên giảm.
6.- TUYÊN DƯƠNG GIÁO PHÁP BÌNH ĐẲNG:
Cũng như các vị đệ tử lớn khác của đức Phật, tôn giả Ca Chiên Diên có khi thì ở bên cạnh Phật để tu học, có khi thì đi vân du các nơi để giáo hóa độ sinh. Phương pháp giáo hóa giữa tôn giả và tôn giả Phú Lâu Na (Purna – Punna) có chỗ không giống nhau. Trong lúc Phú Lâu Na thường hay thuyết pháp trước một cử tọa đông đảo có hàng ngàn người thì tôn giả chỉ thích giáo hoá cho từng người một; vì theo tôn giả, khi một người đối mặt với một người thì không khí nói chuyện có vẻ thân mật hơn, do đó mà lời nói dễ được người đối diện chú ý và ghi nhớ sâu đậm hơn. Điều đó quả thật không sai, vì bất luận là ai, hễ được nghe lời chỉ dạy của tôn giả thì đều hết lòng tin tưởng và có ấn tượng tốt đối với tôn giả.
Một lần nọ, khi đức Phật ngự tại tu viện Kì Viên (Jetavana), Ca Chiên Diên đã một mình vượt rừng rậm đi về hướng Tây, đến du hóa ở vương quốc Ma Du La. Khi đến nơi, trước hết tôn giả tìm hiểu dân tình và học hỏi phong tục, tập quán cùng cách thức sinh hoạt của dân địa phương. Sau đó tôn giả mới tìm vào kinh thành để yết kiến quốc vương. Trông thấy tôn giả, quốc vương hỏi:
– Đại đức! Trẫm nghe nói đại đức vốn thuộc dòng giống Bà la môn cao quí, nhưng lại đi qui y làm đồ đệ của sa môn Cồ Đàm vốn thuộc dòng giống Sát Đế Lị; như vậy chẳng hóa ra là đại đức đã tự hạ thấp mình quá sao?
– Thưa đại vương! Làm đệ tử Phật, chẳng những tôi không cảm thấy tự hạ thấp mình, trái lại đó là điều vinh quang cùng tột của đời tôi.
– Lạ lùng thật! Bỏ đi cái chủng tộc thanh tịnh sinh ra từ miệng Phạm Thiên của mình để làm đệ tử của ông Phật dòng Sát Đế Lị thì có ai mà hiểu nổi!
Dù vị quốc vương tỏ rõ thái độ kinh rẻ như vậy, nhưng tôn giả không lấy thế làm khó chịu, vẫn từ hòa đáp lại:
– Thưa đại vương! Trước đây, khi còn là một đạo sĩ Bà la môn, tôi cũng đã từng có cái nhìn giống hệt như đại vương vậy, nhưng từ khi nghe được những lời chỉ dạy của đức Phật, tôi mới biết là mình đã có những nhận thức đầy sai lầm. Xã hội phân ra có bốn giai cấp khác nhau chẳng qua là vì có các chứng nghiệp khác nhau, đại khái như tôn giáo, chính trị, thương nghiệp, công nông v.v… Đó chỉ là vấn đề phân công làm việc, tự chúng không có cao thấp, sang hèn. Nếu y cứ vào đó để lập thành các giai cấp cao thấp, phân chia chủng tộc sang hèn thì hoàn toàn là những lợi dụng vô lí và phi pháp. Bất cứ ở giới nào cũng có người tốt kẻ xấu. Ngày nay, ngay trong dòng Bà la môn cũng đầy dẫy những phần tử làm nhiều việc xấu xa như tà dâm, giết người, và hầu hết đều là những người bảo thủ, tà kiến. Vậy có thể bảo đó là những người tôn quí bậc nhất hay sao. Bởi thế, sự tôn quí hay thấp hèn của con người không phải do chủng tộc hay giai cấp cao thấp sinh ra. Bất luận là ở chủng tộc nào, hễ ai biết làm việc tốt, có công phu tu học, có giác ngộ và chứng quả thì đều là người trong sạch, cao thượng, đáng tôn quí.
Quốc vương nghe xong mấy lời này thì bừng tỉnh ngộ, tự nói với mình: “Đúng rồi, ta thật quá sai lầm! Bao nhiêu nhà tù trong nước từ trước đến giờ chỉ dành để giam cầm hạng Thủ đà la, còn hạng Bà la môn phạm tội thì không hề hấn gì cả. Thật chẳng lấy làm lạ, tiếng oán than dẫy đầy trong dân chúng!”
Lòng hối cải đã lộ rõ trên nét mặt quốc vương. Thấy thế, tôn giả thuyết phục thêm:
– Thưa đại vương! Vì vậy mà đại vương nên tin phụng và thực hành chánh pháp. Phật là bậc đại giác ngộ, là bậc chí tôn trong đời. Chúng ta qui y làm đệ tử của Người để tìm thấy con đường tự do giải thoát. Đó là hạnh phúc và vinh quang tột của đời chúng ta.
Quốc vương nước Ma Du La đã tin tưởng và tiếp nhận giáo pháp bình đẳng của Phật. Ông nhờ tôn giả Ca Chiên Diên giới thiệu ông đến xin qui y làm đệ tử Phật. Sau đó ông hạ lệnh đại xá thiên hạ, trả tự do cho tất cả tù nhân oan ức, quyết tâm chỉnh đốn lại nền chính trị, không hùa theo kẻ mạnh để chèn ép người yếu, hủy bỏ những luật lệ bất bình đẳng đã có từ trước, quốc pháp được áp dụng đồng đều cho tất cả người dân, không phân biệt và kì thị giai cấp. Từ đó toàn dân trong vương quốc được sống trong hân hoan, an bình và thịnh vượng. Mọi người đều cảm ơn đức giáo hóa của tôn giả Ca Chiên Diên và đều thấm nhuần đức từ bi, bình đẳng của Phật pháp.
7.- LUẬN VỀ TƯ CÁCH TRƯỞNG GIẢ:
Từ khi biết được tôn giả Ca Chiên Diên tuyên dương giáo pháp bình đẳng của đức Phật thì hầu hết giới Bà la môn đều phẫn nộ. Họ quyết tìm cơ hội đánh bại tôn giả, nếu không thì họ sẽ không thể nào ngóc đầu lên được, nhưng rồi họ đã không làm gì được. Các đạo sĩ Bà la môn, dù ở cấp bậc nào, chỉ cần nghe vài câu đối đáp giản dị của tôn giả là liền bị khuất phục.
Một hôm, tại thành Ba La Nại, khi tôn giả đang cùng với mấy vị tì kheo khác thọ trai trên một bờ hồ thì một cụ già dòng Bà la môn tìm đến gây hấn. Thoạt tiên cụ chống gậy đứng im lặng bên cạnh tôn giả. Cụ nghĩ rằng, nếu tôn giả trông thấy cụ thì nhất định phải đứng dậy nhường chỗ cho cụ. Nhưng, thật là ngoài ý muốn của cụ, tôn giả vẫn an nhiên, làm như không hề biết có cụ đang đứng bên cạnh. Tức giận đến không thể nào chịu được nữa. cụ bèn lớn tiếng quát tháo:
– Các ông làm gì vậy? Thấy một vị trưởng giả già cả như ta đây mà không đứng dậy nhường chỗ hay sao?
Quí vị tì kheo nghe thế hoảng kinh, tức khắc đứng dậy mời cụ ngồi, nhưng riêng Ca Chiên Diên thì vẫn ngồi thản nhiên, nhìn cụ nói:
– Cụ là ai, Có gì mà cụ nóng giận quá vậy? Chúng tôi đang thực hành giáo pháp cung kính, nhưng hiện chỗ này đâu có vị nào là bậc trưởng giả tiền bối của chúng tôi!
Cụ lại nộ khí xung thiên, liền đưa cây gậy lên, chỉ vào chòm râu bạc của mình, nói như thét:
– Ta tuổi lớn chừng này, râu đã bạc mà không đáng là trưởng giả hay sao? Các ngươi có chịu kính trọng ta không
Vẫn với giọng rắn rỏi, tôn giả nói:
– Cụ ư? Không! Cụ không đáng xưng là trưởng giả, và cũng không đáng nhận được sự kính trọng của chúng tôi.
Cụ già nhảy dựng người lên, dùng gậy chỉ ngay vào mặt tôn giả, la lớn:
– Ngươi coi ta không ra gì phải không?
Ca Chiên Diên vẫn bình tĩnh:
– Chính cái giọng nói và cử chỉ thô lỗ, dữ dằn của cụ đã chứng tỏ cụ không xứng đáng là bậc trưởng giả, không xứng đáng để chúng tôi kính trọng. Dù cho là người trong dòng Bà la môn, tuổi tác có cao đến tám chín mươi, tóc bạc răng long, mà người ấy không có đức độ và tác phong đứng đắn, đam mê ngũ dục, không chế ngự được các tính xấu tham, sân, ganh, tị, thì cũng không khác gì một đứa trẻ không được dạy dỗ. Trong khi đó, nếu một thanh niên trẻ tuổi mà có cuộc sống giải thoát, không bị trói buộc bởi ái dục, không có tâm mong cầu gì đối với thế gian, một niệm bất bình cũng không nảy sinh, thì thật xứng đáng là bậc trưởng giả, và sẽ được chúng tôi hết lòng kính trọng.
Ông cụ nghe Ca Chiên Diên giảng giải, không còn biết phải trả lời ra làm sao, bèn im lặng bỏ đi một mạch.
8.- ĐẠO ĐỨC KHÔNG PHẢI CHỈ CÓ Ở NGƯỜI TUỔI CAO:
Khuất phục được ông lão dòng Bà la môn, nhưng đâu phảì như thế là được yên! Thanh danh của tôn giả càng lớn thì sự căm ghét của tín đồ Bà la môn đối với tôn giả lại càng dâng cao. Một người Bà la môn khác, rất giỏi biện luận, nghe nói Ca Chiên Diên đã không tỏ ra cung kính đối với bậc trưởng bối của mình, lại còn chê bai biện bác đến nỗi vị ấy phải cứng miệng, không đối đáp được lời nào thì tức giận vô cùng. Dù đang ở một nơi rất xa, ông ta cũng cố tìm đến Ba La Nại để cật vấn Ca Chiên Diên. Khi vừa thấy mặt nhau, không cần chào hỏi lôi thôi, ông đã tra vấn ngay:
– Này Ca Chiên Diên! Ta nghe nói ngươi vốn thuộc dòng giống Bà la môn nhưng lại đổi đạo để làm đệ tử Cồ Đàm, có đúng như thế không?
Tôn giả trả lời thật đanh thép:
– Bỏ đi một thứ tà kiến để đi theo con đường sáng suốt, chân chính thì không có gì là lầm lỗi cả.
– Nhưng ngươi đâu phải là một tên vô danh tiểu tốt! Ngươi đã từng là một con người tinh thông uyên bác, tài danh tột bực trong hàng ngũ Bà la môn chúng ta, nay lại đổi đạo để theo Cồ Đàm, chỉ một điều đó cũng không thể tha thứ được. Đã thế, ngươi còn ráo riết tuyên dương Phật pháp để khuyến dụ bao nhiêu tín đồ Bà la môn khác theo gương ngươi đổi đạo, hành vi đó của ngươi hết sức vô lễ!
– Người sáng suốt có bổn phận vạch rõ cho bạn bè mình biết con đường sai lầm thuở trước, đó là lời chỉ dạy phát xuất tâm từ bi rộng lớn của đức Phật.
Muốn gì thì muốn, ông ta vẫn không bẻ gãy được cái ý chí sắt đá của tôn giả. Tuy vậy, ông vẫn không chịu thua. Sực nhới lại mục đích ban đầu khi đi đến đây, ông đổi giọng:
– Ca Chiên Diên! Tôi lại xin hỏi ông điều này. Tôi nghe nói, sau khi theo Phật làm tì kheo, ông đã không còn kính trọng các vị trưởng lão Bà la môn. Thấy họ, ông đã không đứng dậy nghinh tiếp, cũng không ngồi chung, có quả như vậy không? Nếu đó là sự thật thì tôi nghĩ rằng, dù có là tì kheo đi nữa thì ông cũng không nên cư xử như vậy.
Giọng tôn giả cũng trầm hẳn xuống, nhưng vẫn thẳng thắn:
– Câu hỏi của ông vừa rồi là hoàn toàn đúng sự thật. Sau khi tôi quay về nương tựa nơi đức Phật để tu học thì không còn cung kính và phụng sự các trưởng lão Bà la môn nữa, và việc đó cũng rất đúng với chánh pháp. Tôi hiện thời đã chứng được quả thánh. Cho nên việc tu chứng không thể đem tuổi tác cao thấp mà so sánh được, nghi thức và chánh pháp cũng không thể làm cho xáo trộn được …
Như bị thu hút, người cứ im lặng lắng nghe Ca Chiên Diên giảng giải, càng suy nghĩ càng thấy hổ thẹn cho mình, nghẹn lời không nói gì thêm được. Cuối cùng thì ông ta tỉnh ngộ, cởi bỏ tà kiến, xin theo tôn giả làm đệ tử Phật.
Cứ như thế, tôn giả đã dùng lời lẽ sắc bén của mình để giáo hóa cho không biết bao nhiêu người ngoại đạo “cải tà qui chánh”, quay về và nương tựa nơi Tam Bảo.
9.- NGUYÊN NHÂN TRANH GIÀNH:
Một hôm, Ca Chiên Diên đang đi khất thực trên đường phố, một đạo sĩ Bà la môn đến đứng trước mặt khẩn khoản:
– Đại đức! Thật tôi có duyên lành cho nên hôm nay mới gặp được đại đức. Tôi có điều thắc mắc muốn thỉnh giáo, xin đại được giải đáp cho!
– Xin đừng khách sáo làm gì! Ông có gì thắc mắc xin cứ trình bày.
– Tôi thấy trên đời này, Sát đế lị thì tranh giành với Sát đế lị, Bà la môn thì tranh giành với Bà la môn. Họ cứ tranh giành như vậy là tại vì nguyên nhân gì?
– Tại vì họ bị tham dục mê hoặc.
– Bà la môn tranh giành nhau, Sát đế lị tranh giành nhau đều là vị bị tham dục mê hoặc, vậy thì trong tăng đoàn của đại đức, tì kheo tranh giành vớí tì kheo là tại vì nguyên nhân gì?
– Tại vì họ còn chấp ngã và chấp pháp.
Đạo sĩ Bà la môn bèn nhắm mắt, vò đầu, tỏ vẻ như đang suy nghĩ về những điều Ca Chiên Diên vừa nói. Cái cử chỉ nhắm mắt, vò đầu ấy, ông cố tình làm thật hết sức quái dị để cho mọi người hai bên đường phải chú ý. Sự việc một đạo sĩ và một tì kheo chất vấn nhau ở ngiữa phố đã làm cho người ta ngạc nhiên rồi, huống chi vị đạo sĩ kia lại còn cố ý làm ra bộ tịch hết sức quái dị! Cho nên kẻ hiếu kì cứ ùn ùn kéo đến vây kín chung quanh hai vị như thể đi xem một vở hài kịch.
Đạo sĩ Bà la môn “diễn xuất” như thế một hồi lâu, bỗng ông mở mắt ra, đắc chí nói:
– Lời của tôn giả thật là công minh, chính trực và hợp lí, và như thế, theo tôi nghĩ, trên đời này không có một người nào là không có tham dục, chấp ngã và chấp pháp!
Tôn giả đáp không chút do dự:
– Có chứ! Thầy tôi là đức Phật, hiện thời đang giáo hoá tại thành Xá Vệ, là bậc đại giác ngộ, không còn bị tham dục mê hoặc, không còn chấp ngã và chấp pháp. Người là bậc đạo sư của ba cõi, là bậc mô phạm cho cả loài trời và loài người.
Đến đây, bỗng nhiên người ta thấy thái độ của đạo sĩ Bà la môn đã hoàn toàn thay đổi, cử chỉ cao ngạo đã biến mất, nét mặt tự mãn đã đổi ra thành khẩn, có vẻ như trong lòng đang trải qua một cơn chuyển biến cực mạnh .. Thế rồi ông ta xin tôn giả Ca Chiên Diên giới thiệu để được qui y làm đệ tử Phật.
16. RĂN DẠY THIẾU NIÊN VÔ LỄ:
Sở dĩ các giáo sĩ Bà la môn đã gây nhiều cuộc tranh chấp với tôn giả Ca Chiên Diên là vì tôn giả chẳng những đã xuất thân từ chủng tộc Bà la môn, mà vốn còn là một vị chức sắc cao cấp, có danh vọng lớn, rất được kính trọng trong đạo Bà la môn; và lẽ đương nhiên, sự đổi đạo của tôn giả phải là một biến chuyển vô cùng trọng đại, đã gây chấn động mãnh liệt trong giới tôn giáo thần quyền đó. Những kẻ luôn luôn tìm cách gây hấn với tôn giả dĩ nhiên là rất nhiều, nhưng dù sao cũng có một số người vẫn giữ được tình bạn tốt đẹp với tôn giả.
Một dạo nọ, tôn giả về cố hương là thôn Nhĩ Hầu (thuộc vương quốc A Bàn Đề) để hành hóa. Trong thôn có một đạo sĩ Bà la môn tên Lỗ Ê Giá, dù biết Ca Chiên Diên đã qui y theo Phật, ông vẫn giữ lòng cung kính đối với tôn giả như xưa.
Một hôm, một số đệ tử trẻ tuổi của Lỗ Ê Giá lên núi đốn củi. Đám thiếu niêu này, khi đi đến trước một hang đá thì trông thấy Ca Chiên Diên đang thiền tọa trong đó. Chúng chỉ trỏ cười cợt:
– Tụi bây ơi! Có ông sa môn đầu trọc đây nè!
– Coi nè, tụi bay ơi! Ông sa môn đầu trọc có cái gì ngộ lắm!
Mỗi đứa một câu, đám trẻ cứ thế làm huyên náo cả lên. Nhưng trong bọn cũng có đứa biết điều, cố ngăn mấy đứa kia lại:
– Này, tụi bây! Không nên vô lễ đối với vị sa môn này. Ông ấy là người vẫn được thầy chúng ta hết sức kính trọng đó!
Mạc dù đã có người khuyên bảo, nhưng bọn trẻ lì lợm kia vẫn lớn tiếng trêu ghẹo; thậm chí có đứa còn ném đá vào hang nữa! Ca Chiên Diên bây giờ bèn đứng dậy, bước ra khỏi hang, bèn lớn tiếng bảo bọn trẻ:
– Này các cháu! Từ trước người Bà la môn vẫn tu hành chân chính, không hề phạm đến ngũ dục; và bây giờ thì họ lại cưới vợ, sinh con, không khác gì người thế tục. Còn những hành vi của các cháu ngày hôm nay thì cũng không khác giới bọn trẻ con lêu lỏng vô học. Sao các cháu có thầy mà không nghe lời thầy dạy?
Tiếng nói của tôn giả uy nghiêm như tiếng gầm của sư tử, khiến cho bọn trẻ khiếp vía không dám mở miệng trả lời, nhưng trong lòng thì tức lắm. Chúng bèn chạy vội trở về mách hơn mách kém với thầy là Lỗ Ê Giá. Nghe vậy, ông tức giận vô cùng, bảo bọn trẻ:
– Ta xưa nay đối với hắn vẫn một lòng kính trọng, sao hôm nay hắn lại vô cớ mắng nhiếc thầy trò chúng ta! Ta nhất định phải đến gặp hắn để biết phải quấy một phen.
Nói xong, với vẻ mặt hầm hầm, Lỗ Ê Giá nhắm hướng hang đá đi thẳng, lòng những tưởng phen này không thể nào để cho Ca Chiên Diên “phách lối” được nữa. Nhưng ông đâu có ngờ, khi đến nơi và thấy được tướng mạo trang nghiêm của Ca Chiên Diên, rồi nghe rõ được lời trình bày thẳng thắn của tôn giả về sự việc của bọn trẻ vừa xảy ra, cơn tức giận của ông bỗng tan đi, và lòng khởi lên một niềm hối hận vô bờ. Không biết nói gì hơn, ông chỉ cúi đầu im lặng .. Biết là cơ hội hóa độ đã đến, tôn giả bèn khai thị:
– Này người bạn hiền, xin hãy nghe lời tôi nói! Tín ngưỡng và sự tu hành của chúng ta là nhằm mục đích giải thoát khỏi vòng sinh tử, để cho cuộc sống đạt được an lạc, tự tại. Chúng ta đừng xem đó là một thứ nghề nghiệp để sinh sống. Hiện nay, những tu sĩ Bà la môn lìa bỏ gia đình để sống theo nếp sống phạm hạnh của người tu hành chân chính phỏng có là bao! Mà phần đông họ đều chỉ có cái hình tướng trá ngụy ở bề ngoài, cúng lễ tế tự cho người giống như việc kinh doanh để sinh nhai, lấy tôn giáo làm cái chiêu bài để tranh dành đoạt lợi, cốt thỏa mãn cái tư dục của mình; thật là đáng buồn! Tu sĩ Bà la môn ngày nay đều lo tìm những thứ gì ở ngoài tâm, cũng chẳng phải mong cầu phước báo ở cõi Trời hay cõi Người, mà chỉ toàn nói hươu nói vượn về những hiện tượng này nọ của vũ trụ, nào có mấy người biết chính mình là ai! Thầy của tôi là đức Phật. Người chính là đấng cứu tinh của nền tôn giáo lẩn quẩn, bế tắc hiện nay. Nếu ông vẫn còn coi tôi là bạn tốt thì xin ông hãy dứt bỏ những tà kiến cũ, dứt bỏ hết vọng chấp, đem cái tâm hồn trong sạch theo tôi về qui y với đức Thế Tôn để tu học.
Lỗ Ê Giá thành khẩn:
– Đại đức nói rất phải. Bây giờ mọi việc tôi đều xin nhờ đại đức chỉ bảo cho …
11.- LÍ VÔ THƯỜNG:
Có một lúc đức Phật hành hóa tại vương quốc A Bàn Đề. Một hôm, trước đông đảo thính chúng gồm chư vị tì kheo, tì kheo ni, cận sự nam và cận sự nữ, đức Phật bảo tôn giả Ca Chiên Diên thay thế Ngài đối trước đại chúng giảng nói về giáo lí “Vô thường”. Tôn giả vâng mạng đảnh lễ Phật, rồi nói với đại chúng:
– Kính thưa toàn thể chư vị thiện tri thức! Tất cả mọi người mọi vật, đã có hợp thì sẽ phải có tan, có sinh thì ắt có tử, có thành thì có hoại. Tất cả các pháp hữu vì trên thế gian như núi sông đất đá cỏ cây, mọi hiện tượng thiên hình vạn trạng trong vũ trụ, đều không thể thoát ra ngoài nguyên lí vô thường này. Khi mùa Xuân đến thì trăm hoa đua nở, nhưng lúc gió Thu thổi về thì lá vàng lả tả lìa cành. Con người ta lúc tuổi trẻ thì má hồng xinh đẹp nhưng vừa trải qua mấy mùa nóng lạnh thì liền trở thành tóc hạc da gà. Làm người, nếu không giải thoát ra khỏi cái kiếp vô thường thì cái sinh mạng ngắn ngủi và tạm bợ kia, thật quả là đau buồn và cô độc. Xem như hạt sương mai đọng trên cánh hoa kia, bất quá là nó chỉ tồn tại cho đến khi mặt trời mọc là cùng. Rồi chính mặt trời đó nữa, nó đem vô lượng tia sáng chiếu soi cùng khắp thiên hạ là thế, nhưng rồi nó cũng phải chìm mất trong đêm đen tăm tối. Vợ chồng ái ân nồng thắm là thế, nhưng khi cái già rồi cái chết đến với một người thì người kia dù muốn cũng không thay già thế chết cho nhau được. Con cháu dù có hiếu thuận đến mức nào đi nữa, khi ta chết, bất quá thì chúng nó cũng chỉ biết ngồi vây quanh mà khóc than thương tiếc, chứ làm sao mà đảo ngược cơn vô thường để kéo ta sống lại! Chúng ta cũng không thể nào trông cậy vào vàng bạc, của cải, danh vị và quyền thế, vì tất cả những thứ đó đều không chắc thật. Nếu không thấy rõ đạo lí vô thường thì chúng ta sẽ bị những màu sắc rực rỡ của thế gian mê hoặc. Non xanh nước biếc của thiên nhiên là thế, con người kiện khang mạnh khỏe là thế, xã hội đèn sáng rượu nồng là thế …, tất cả, mới nhìn cứ tưởng toàn là những thú vui cùng cực, nhưng sự thật thì chỉ là những nơi hầm hố hại người, bởi vì ở những nơi đó đều luôn luôn sẵn có cơn vô thường mai phục! Nếu chúng ta quán chiếu kĩ càng thì sẽ thấy những gì trên thế gian cũng đều là hư ngụy lọc lừa, chỗ nào cũng có quỉ quái hại người; chỉ có nhân quả và nghiệp lực là không bao giờ lừa lọc. Nghiệp lực theo ta như bóng theo hình; dù sống, dù chết, lúc noà nó cũng theo ta bén gót. Cho nên, thưa chư vị thiện tri thức, những người đang theo con đường tu học như chúng ta, cần phải tinh tấn phấn đấu với con ma vô thường, bằng cách tuân theo giáo huấn của đức Đạo Sư, cần mẫn tu tập, đạp nát cõi vô thường, phá tung lưới sinh tử, và đạt được cái kiếp sống vĩnh cữu, không sinh không diệt …
12.- LÀM CÁCH NÀO ĐỂ BÁN NGHÈO MUA GIÀU?
Một hôm, sau khi hành hóa ở A Bàn Đề, Ca Chiên Diên lên đường trở về tu viện Kì Viên ở thành Xá Vệ. Giữa đường, tôn giả trông thấy một thiếu phụ ôm một vò nước, ngồi khóc lóc thảm thiết bên bờ sông, tình cảnh có vẻ rất thương tâm. Sợ người thiếu phụ vì quá thất ý mà có thể nhảy xuống sông tự tử, tôn giả vội vàng đến hỏi thăm:
– Thưa bà! Có chuyện gì làm bà đau khổ đến nổi khóc lóc thảm não như vậy?
Nghe có người hỏi, thiếu phụ càng khóc to thêm:
– Thôi ông hỏi han làm gì, dù có nói cũng vô ích thôi!
– Thưa bà! Xin bà cứ nói! Tôi là đệ tử của đức Phật. Tôi có thể giúp bà giải quyết được bất cứ vấn đề khó khăn nào.
– Ông không có cách nào giúp tôi đâu! Ông thấy không? Trên thế gian đầy dẫy những hoàn cảnh không bình đẳng, người giàu kẻ nghèo cách biệt một trời một vực! Tôi là một kẻ nghèo mạt rệp, suốt đời chịu khổ, và cũng vì cái nghèo đã đem đến cho tôi quá nhiều đau khổ nên hiện giờ tôi không còn muốn sống làm gì trên cõi đời này nữa!
Nói xong mấy lời ấy thì thiếu phụ vật vã lăn lộn như có ý muốn liều mình. Tôn giả hoảng hốt, vội nhanh chân đứng chận trước mặt thiếu phụ, rồi thương xót an ủi:
– Thưa bà! Xin bà đừng quá thất vọng như vậy! Bà hãy bình tâm nhìn lại thử xem, trên đời này người nghèo nhiều lắm chứ đâu phải chỉ có một mình bà! Lại nữa, người nghèo không hẳn là bất hạnh, mà người giàu cũng không hẳn là có hạnh phúc. Bà thấy không! Có những người giàu có, nhà cao cửa rộng, ruộng đất thênh thang, kẻ ăn người ở đầy nhà, nhưng họ hàng ngày cứ bị các tính xấu như tham lam, sân hận, ganh ghét giày vò, đó mới là đau khổ, đó mới là bất hạnh. Cho nên làm người, chỉ cần có được cuộc sống bình an là tốt nhất, còn cái nghèo đâu đáng để cho ta đau buồn!
– Bởi vì ông là một vị sa môn nên c dửng dưng với sự thế, chứ kẻ tục như tôi thì đâu được như vậy. Ông biết không? Tôi nguyên là kẻ nô lệ của một nhà đại phú hào ở vùng này. Quanh năm suốt tháng tôi chỉ biết làm nô dịch cho người, không có một chút thì giờ rảnh rỗi nào, thế mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại còn bị người chủ tham tàn bạo ác, hở một chút là mắng chửi đánh đập, khiến cho bọn tôi tớ chúng tôi, muốn sống cũng không được mà muốn chết cũng không xong! Tôi nghĩ, sở dĩ tôi bị hành hạ như vậy là chỉ vì cái nghèo mà ra, sao ông lại bảo cái nghèo không đáng để làm cho người ta đau khổ?
– Thôi thì cứ cho là bà có lí, nhưng dù sao thì tôi cũng khuyên bà đừng đau buồn nữa. Tôi sẽ chỉ cho bà cách thức chẳng những thoát được cái nghèo mà còn phát tài nữa.
Thiếu phụ lật đật lau nước mắt, hỏi dồn:
– Cách gì, thưa đại đức?
– Giản dị lắm! Bà đã bị cái nghèo làm cho đau khổ, sao bà không đem cái nghèo ấy bán cho người khác đi?
– Đại đức nói đùa sao chứ! Cái nghèo mà bán được thì hóa ra trên đời này chẳng còn ai nghèo cả? Vả lại, có ai mà lại chịu mua cái nghèo!
– Tôi chịu mua, bà hãy bán cho tôi đi!
– Cái nghèo lại có thể bán được, và cũng có người như đại đức chịu mua, nhưng rất tiếc là tôi không biết bán nghèo bằng cách nào!
– Bằng cách bố thí, thưa bà! Bà nên biết rằng, sự giàu nghèo của mọi người đều có nguyên nhân. Sở dĩ người ta nghèo là vì kiếp trước người ta tham lam keo kiệt, không biết bố thí và tu phước. Sở dĩ người ta giàu có là vì kiếp trước người ta biết bố thí và tu phước. Cho nên, bố thí và tu phước là cách tốt nhất để bán nghèo mua giàu.
Nghe mấy lời khai thị của tôn giả, thiếu phụ bỗng cảm thấy như tâm trí mình vừa được khai sáng, dù vậy, bà vẫn còn có điều thắc mắc:
– Thưa đại đức! Bây giờ thì con thấy tâm trí con đã được sáng tỏ. Con hiểu được lời dạy của đại đức rồi, nhưng con vốn dĩ rất nghèo, không có bất cứ vật gì gọi là của riêng; ngay cả cái vò nước này cũng là của người chủ tham lam độc ác ấy, con đâu biết lấy gì để cúng dường cho đại đức!
Ca Chiên Diên đưa cái bình bát của mình ra trước mặt thiếu phụ:
– Không nhất thiết phải có tiền bạc hay của cải mới bố thí được. Mỗi khi thấy người khác bố thí mà mình khởi niệm hoan hỷ, đó cũng là bố thí rồi. Hiện giờ bà có thể trút nước trong cái vò bà đang có sang bình bát này cho tôi. Thế tức là bà bố thí cho tôi đó!
Tới đây thì thiếu phụ hoàn toàn tỉnh ngộ. Từ đó bà nguyện luôn luôn y theo lời dạy của tôn giả mà thực hành, và không còn thấy bị đau khổ vì cảnh nghèo nữa.
13.- BIẾN ÁI TÌNH THÀNH TÌNH THƯƠNG RỘNG LỚN:
Một lần khác tôn giả đến giáo hóa ở một tiểu quốc thật xa xôi, và cư trú trong khu rừng tre của một vị trưởng giả nọ. Bấy giờ, quốc vương của nước ấy đang gặp chuyện đau buồn. Đó là, bà hoàng hậu rất được nhà vua sủng ái vừa mới qua đời. Nhà vua vô cùng đau xót nhớ thương, suốt ngày chỉ ngồi than thở khóc lóc, đến nỗi không thiết gì ăn uống, luôn cả việc triều chính cũng không màng tới! Nhà vua không làm sao quên được cái thời gian ái ân mặn nồng xưa, cho nên đã truyền lệnh cho các vị đại thần phải đem thi thể của hoàng hậu ngâm trong dầu mè để khỏi bị rửa nát, rồi hàng ngày ông cứ đến đứng trước thi thể ấy nói: “Cái miệng này sao bây giờ không nói với ta một lời nào! Sao hai cánh tay này bây giờ không còn ôm ta nữa! Ái khanh ơi! Sao không nhìn ta một cái đi? …”
Nhà vua bi ai quá độ, và không biết tình trạng này đến bao giờ mới dứt được! Các vị đại thần lo lắng lắm. Họ nhiều lần khuyên nhà vua đừng quá đau buồn như thế nhưng ông không tự chủ được. Ông nói, nếu muốn ông hết đau buồn, cách tốt nhất là hãy làm cho hoàng hậu sống lại! Nhưng trên đời này có ai đủ khả năng làm được việc đó? Quyền thế và cao sang tột phẩm như nhà vua mà vẫn phải bó tay!
Trong cơn bối rối ấy, các vị đại thần bỗng nhớ ra là hiện ở trong nước mình có đại đức Ca Chiên Diên đang hành hóa. Họ nghĩ, một người có oai đức lớn, có cách nói năng khéo léo như thế thì nhất định sẽ có cách làm cho nhà vua dứt được đau khổ, chẳng những thế, có khi còn làm cho thần trí nhà vua sáng suốt, dõng mãnh hơn lên để lo việc triều chính cũng chưa biết chừng! Họ bèn dâng kiến nghị:
– Tâu đại vương! Hiện giờ có đại đức Ca Chiên Diên là một vị đệ tử lớn của đức Phật, đang du hóa tại nước ta. Vị đại đức ấy có thần thông lớn, có oai đức lớn, trí thức uyên bác, không có gì là không biết, luôn cả văn bia xưa khắc bằng chữ Phạm Thiên mà ông ta cũng đọc thông suốt! Tâu đại vương! Chúng thần xin đại vương đi tìm để yết kiến vị đại đức ấy, may ra ông ta có thể giúp ích được cho đại vương.
Nghe vậy, nhà vua hỏi dồn dập:
– Ông ấy có thần thông ư? Ổng có thể làm cho hoàng hậu sống lại được không?
Câu hỏi của nhà vua làm cho các vị đại thần lúng túng. Họ không biết trả lời làm sao cho phải. May thay, trong số các vị đại thần này, có một vị đã từng được nghe tôn giả Ca Chiên Diên thuyết pháp. Ông ta nhanh trí tâu:
– Tâu đại vương! Vị đại đức ấy có thể làm cho hoàng hậu sống lại được hay không thì chúng thần không dám nói chắc. Theo ý thần, trong trường hợp này, chỉ có việc đi thỉnh đại đức tới đây thì mới có thể biết chắc được.
Nhà vua chấp thuận lời đề nghị ấy, và lập tức mang lễ vật lên đường. Đến khu rừng tre, vừa trông thấy tôn giả là nhà vua đề cập ngay đến chuyện làm sao cho hoàng hậu sống lại. Tôn giả bèn bẽ ngay một nhánh cây gần đấy trao cho nhà vua, nói:
– Xin đại vương mang cây này về để ngay trong nội cung và bảo nó phải xanh tươi mãi mãi, không được héo úa. Đại vương làm được chăng?
– Việc này không thể được! Nó đã bị tách ra khỏi thân cây rồi thì làm sao sống mãi được?
– Thưa đại vương! Nay hoàng hậu của đại vương cũng vậy, nghiệp báo đã dứt, mạng sống đã hết, bây giờ bảo bà sống lại thì làm sao được!
Đến đó thì nhà vua sực tỉnh ngộ, và biết rõ rằng, đã chết thì không thể nào sống lại được. Thấy rõ được sự chuyển biến trong tâm trí nhà vua, tôn giả khai thị thêm:
– Thưa đại vương! Đại vương đang là vua của một nước, và như thế, đại vương là của chung toàn thể nhân dân trong nước chứ không phải chỉ là của riêng hoàng hậu. Xin đại vương hãy đem cái tình yêu dành cho hoàng hậu mà trải rộng nó ra thành tình yêu bao la ban phát đến toàn thể nhân dân. Nếu được như vậy thì chắc chắn là vương quốc của đại vương sẽ phú cường và nhân dân sẽ hạnh phúc, an lạc. Nhân dân đã được an cư lạc nghiệp thì họ sẽ kính trọng đại vương chính thực là vua của họ. Họ sẽ trung thành với đại vương và ra sức xây dựng đất nước.
Nhà vua nghe mấy lời khích lệ của tôn giả thì tâm trí bừng sáng, bỏ ngay sự đau buồn, cung kính đảnh lễ tôn giả, trở về hoàng cung làm lễ an táng hoàng hậu. Xong rồi, nhà vua đích thân chỉnh đốn mọi viẹc triều chính, thương dân như trước đây đã thương hoàng hậu, khiến cho nhân dân ai cũng thấm nhuần ơn vua, người người hân hoan trong đòi sống thanh bình, hạnh phúc, an lạc, và dần dần mọi người đều biết rằng, sở dĩ quốc vương của họ trở thành hiền minh như vậy là đã nhờ công đức giáo hóa của tôn giả Ca Chiên Diên. Điều đó đã làm cho họ càng vững tin vào Phật pháp.