ĐẠO LÀM NGƯỜI

Lời ngỏ

Từ trước đến nay, chúng ta tu theo đạo Phật là mưu cầu giải thoát, để vượt lên tất cả mọi người, trở thành những bậc Thánh. Chúng ta không ngờ rằng trong đạo Phật đã có sẵn hệ thống đạo làm người rất lớn. Và chính nhờ đạo làm người này chúng ta mới có thể làm Thánh được.

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều có một vai trò khác nhau, số phận khác nhau. Có người cao sang quyền quý, có người trung lưu nhàn nhã, có người nghèo khổ khốn cùng. Nhưng dù ở vị trí nào, số phận nào, chúng ta đều là người. Ngay khi đã là một tu sĩ xuất gia đi tìm sự giải thoát, chúng ta vẫn là con người. Cho nên chúng ta phải làm người thật tốt và phải biết thực hiện đạo làm người.

Có hai điều trong việc tu tập đạo lý làm người:

– Thứ nhất: hoàn thiện bản thân; tu dưỡng đạo đức nơi chính mình.

– Thứ hai: có trách nhiệm với những người chung quanh: có bổn phận đem được sự an vui, hạnh phúc đến cho mọi người.

Suốt năm tháng chúng ta tu theo Phật để được làm Thánh, để giải thoát, chúng ta quên đi bổn phận làm người trong cuộc sống và đối với những người chung quanh.

Nhưng thật ra chính nơi thân phận làm người này, chúng ta thực hiện hoàn hảo đạo làm người; thương yêu và giúp đỡ những người chung quanh, chúng ta sẽ trở nên một người tuyệt vời, một vị Thánh. Vị trí của bậc Thánh không phải là từ bỏ thân phận làm người; đi tìm một giấc mơ hão huyền, một giá trị cao xa nào khác, mà vị trí của Thánh bắt đầu từ thân phận con người.

Nhưng làm thế nào để thực hiện đạo làm người, trở thành người tốt, người tuyệt vời?

Là người biết thanh lọc nội tâm, biết kiểm soát tâm và đánh giá chính bản thân mình. Là người luôn biết tự trách mình, tìm lỗi chính mình để sửa sai. Là người xem xét hành vi của mình từng chút một; điều bất thiện dù rất nhỏ cũng tránh, điều thiện dù khó khăn đến thế nào cũng không từ nan, và hiểu rõ ranh giới giữa điều xấu và điều tốt.

Là người đối với mọi người luôn khoan dung, tử tế một cách sâu sắc, và luôn e ngại sẽ làm người khác bị tổn thương. Tử tế sâu sắc có nghĩa là hiểu thấu, thông cảm và chia sẻ được những nỗi đau của người khác. Là người độ lượng, yêu thương con người mà không so đo hơn thiệt. Dù làm rất nhiều việc thiện, trong lòng không hề có chút ý nghĩ mưu cầu danh lợi phước báo. Chấp nhận những thiệt thòi bản thân để giữ vững đạo lý làm người.

Đạo Hiếu là đạo làm con đối với cha mẹ. Đạo Từ là đạo cha mẹ đối với con cái. Đạo Đề là đạo anh chị em đối với nhau. Đạo Nghĩa là nghĩa vợ chồng, nghĩa thầy trò, nghĩa bạn bè. Đạo Trung là đạo của người dân, quan đối với vua (ngày xưa). Ngày nay chúng ta có thể hiểu đó là bổn phận của công dân đối với đất nước. Đạo Nhân là đạo của người trên đối với kẻ dưới.

Ngoài những vấn đề đã nêu ra, chúng ta cũng cần hiểu thêm việc giúp đỡ cho những người nghèo khổ, chúng ta không nên chỉ giúp họ bằng vật chất mà cả bằng tinh thần. Chúng ta biết tu dưỡng giá trị tinh thần, tu dưỡng đạo lý tâm linh. Cho nên khi chúng ta đem lợi ích vật chất đến cho mọi người, chúng ta cần đem theo lợi ích tinh thần, đó là giá trị cao cả trong đời sống con người.

Đến với đạo Phật là chúng ta đi tìm con đường giác ngộ của bậc Thánh, và chúng ta hiểu rằng con đường này bắt đầu bằng đạo làm người. Khi chúng ta tu tập thật tốt, thật hoàn hảo, chúng ta sẽ trở thành Thánh, thành những con người tuyệt vời, những con người thánh thiện trong đạo làm người.

—————————————————————————-

LTS: Ðức Phật dạy rằng: Làm người cho tròn rồi mới làm Phật.

Bên Trung Hoa đạo làm người là trung tâm nền tảng giáo dục của đạo Khổng. Chúng tôi xin trích dẫn lời dạy về đạo làm người qua phần Ðại Tượng Truyện do đức Khổng Tử giải thích ở 64 quẻ trong Kinh Dịch. Phối hợp với quẻ Dịch là những lời dạy trong tập Luận Ngữ mà ngài Tăng Sâm, một đệ tử của đức Khổng Tử chép lại. Tất cả những kẻ thành tựu, bậc quân tử, vĩ nhân, thánh nhân, hay kẻ giác ngộ đều xây dựng sự nghiệp trên nền tảng đạo đức chắc thật, kiến giải thấu triệt và tâm lượng rộng lớn. Họ là những kẻ lúc nào cũng xoay về gốc, nhìn ngược lại tâm mình, sống với giá trị và lý tưởng cao thượng. Không nao núng trước thế lực và áp lực, không ngừng cải thiện tầm nhìn và sự hiểu biết, họ tìm cách cống hiến năng lực đời mình một cách thiết thực nhất.

Tài liệu tham khảo và trích dịch gồm có:

Tiếng Việt: Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, Chu Dịch của Phan Bội Châu

Tiếng Hoa: Dịch Kinh Ðại Toàn, Tứ Thư Ðộc Bổn, Luận Ngữ Chú Giải

Tiếng Anh: The Essential Confucius do Thomas Cleary dịch, The Wisdom of Confucius của Lin Yu Tang (Lâm Ngữ Ðường).

KINH DỊCH:

Quẻ Càn: Quân tử tự cường bất tức.

Quẻ Càn: Người quân tử không ngừng tự cường.

Lược giải:

Ðây là quẻ thứ nhất trong 64 quẻ của Kinh Dịch. Ðức Càn là đức thuần dương, hết sức cương quyết mạnh mẽ. Người có thân tu theo đạo Càn thì hành động không làm ác, không làm trái nhân nghĩa, ngược luân thường. Miệng không nói lời hủy báng, phá hoại kẻ khác hay dối trá, hiển độc, giả dối. Tâm không chút mờ ám, vẩn đục bởi tư lợi ích kỷ, hay nhỏ hẹp ganh ghét. Tâm người theo đạo Càn thì lúc nào cũng quang minh, chính đại, khoan dung độ lượng. Không bao giờ để cho hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng phá hoại lý tưởng và chí hướng bên trong.

Lời Dạy Trong Sách Luận Ngữ Của Ðức Khổng Tử Liên Quan Tới Ðoạn Trên:

Tăng tử viết: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: vì nhân mưu nhi bất trung hồ? dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? truyền nhi bất tập hồ? (1:4)

Thầy Tăng tử nói rằng: Hàng ngày tôi tự nhắc nhở mình ba điều: khi tính chuyện làm việc cho kẻ khác, tôi có trung thật hay không? Khi kết giao với bạn hữu, tôi có giữ chữ tín chăng? Dạy người khác làm gì, tôi đã tự mình thực hành chưa?

Lược giải:

1. Làm việc cho người: Hãy xét tâm mình có trung thật chăng? Tức là xét xem mình mưu sự cho người ta với động cơ gì? Phải chăng mình có mưu đồ, tính toán ích kỷ, lo toan cho ích lợi cá nhân, lợi dụng người khác để lợi mình. Mình có chân thật muốn giúp họ không? Người Phật tử làm việc cho chùa mà tính toán mưu cầu danh lợi thì chùa loạn. Người xuất gia làm việc cho chúng sinh mà mưu cầu cho cá nhân, quyền vị thì đạo loạn.

2. Kết giao với bạn hữu: Hãy xét xem lời mình nói có chân thật hay không? Mình có giữ lời hứa với bạn hay không. Tình bằng hữu sẽ bền vững và thắm thiết nếu mình biết giữ lời hứa và hy sinh cho bạn. Khi bạn cần giúp đở, mình hãy tận lòng giúp. Ðừng bao giờ bán đứng hay phản bội bạn. Ở đời kẻ phản bội thì chẳng có ai thích gần gũi, coi trọng, trước sau y cũng bị người đời khám phá, khinh rẻ, dù y có điạ vị cao đến dường nào. Ðối với người tu, tín nhiệm là điều quan trọng bậc nhất, bạn đạo có tín nhiệm thì mới tu chung được; thầy trò có tín nhiệm thì mới học hỏi nhau được; đạo tràng có tín nhiệm thì mới hết thị phi đuợc.

3. Dạy kẻ khác mà mình không tự làm: Nói mà không làm thì chẳng ai tin. Thái độ chỉ tay năm ngón bắt người làm, mình ngồi trên điều khiển thì chẳng ai thích. Không làm thì không có kinh nghiệm. Không tu thì không có thực chứng. Không kinh nghiệm thì không dạy được ai. Do đó phải làm phải tu thì mới dạy được người khác. Không làm không tu mà dạy người khác thì chẳng ai phục.

Tử viết: Bất hoạn vô vị, hoạn sở dĩ lập. Bất hoạn mạc kỷ tri, cầu vi khả tri dã. (4:14)

Khổng tử dạy rằng: Ðừng lo rằng bạn chẳng có điạ vị; lo rằng bạn chẳng có đủ đức (tài cán, năng lực, trí tuệ) để ở điạ vị ấy. Ðừng lo chẳng ai biết bạn, chỉ cầu sao bạn có đức xứng đáng để người ta biết (với cái tên mà người ta biết).

Lược giải:

Ðiạ vị không phải do tranh mà được. Kẻ có vị cao mà không có thật đức, tài cán, năng lực để làm việc thì không thể ngồi lâu tại vị. Thanh danh cũng chẳng phải do mua chuộc, thủ đoạn mà có. Thanh danh do mua, do đoạt thì luôn tạo đau khổ. Tu theo đạo quẻ Càn là tu đức độ, trí huệ, năng lực nội tại; không phải tu theo bóng dáng giả dối bên ngoài. Ðức Phật dạy ta cứ lo trồng nhân cho tốt, đừng bao giờ lo quả báo. Cũng chớ mong cầu quả báo tốt mà chẳng chịu trồng nhân tốt. Trồng nhân thì phải dựa vào chính mình, đừng dựa vào hoàn cảnh bên ngoài.

Tử viết: Ngô vị kiến cang giả! Hoặc đối viết: Thân Chấn.

Tử viết: Chấn dã dục, yên đắc cang? (5:11)

Khổng tử nói: Ta chưa thấy một ai cứng cỏi. Có người đáp rằng: Có anh Thân Chấn đó. Ðức Khổng tử trả lời: Anh Chấn còn đầy dục vọng, làm sao anh cứng cỏi được chớ?

Lược giải:

Thân Chấn tự là Tử Châu, người nước Lỗ, là một học sinh của đức Khổng Tử. Anh ta nổi tiếng là người có sức lực mạnh mẽ, cang cường bất khuất. Sức mạnh ấy chỉ để chinh phục những đối tượng bên ngoài. Sư chân chính cứng rắn cang kiện theo đức Khổng tử dạy là sức mạnh khắc phục những dục vọng trong tâm. Dục vọng thì ai cũng có. Kẻ mềm yếu thì bị dục vọng khống chế. Kẻ cang kiện thì khống chế dục vọng. Ðức Phật dạy rằng chẳng có chiến thắng nào lớn bằng chiến thắng lòng mình, khắc phục thói hư tật xấu của chính mình.

Nhiễm Cầu viết: Phi bất duyệt tử chi đạo, lực bất túc dã.

Tử viết: Lực bất túc giả, trung đạo nhi phế, kim nhữ họa. (6:10)

Nhiễm Cầu nói rằng: Chẳng phải tôi không thích đạo của phu tử, chẳng qua sức tôi không đủ để (học và hành) đạo ấy đó thôi. Khổng tử mới dạy rằng: Kẻ không đủ sức tu đạo, nửa đường là y đã bỏ phế. Bây giờ con chưa chi (chưa hành đạo gì cả), đã tự mình hạn chế chính mình rồi.

Lược giải:

Chuyện gì cũng phải làm thử. Ðạo thì phải thực hành, đức thì phải tu. Không muốn làm rồi tìm lý do bào chữa thì chỉ mình tự lừa mình. Lý do bào chữa thì lúc nào cũng có sẵn, nhiều đến vô lượng vô biên. Bởi vậy, tu theo đạo Càn là đừng khởi vọng tưởng, đừng để vọng tưởng làm cùn lụt ý chí tu hành.

(Số sau: Quẻ Khôn)

(còn tiếp)

—————————————————————————–

Lời Phật Dạy về đạo làm người

Bấy giờ, đã đến lúc đức Thế Tôn khoác y – bát lên đường vào thành khất thực, trên đường đi, đức Thế Tôn thấy một chàng thanh niên đang lễ bái, là người con có hiếu nên nghe theo lời dạy của cha trước khi mất, cứ mỗi sáng, sau khi tắm gội xong anh ta ra đường thực hành việc lễ bái sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới. Cuộc gặp gỡ là duyên khởi cho bản kinh Thiện Sanh ra đời.

Đây là một bản kinh nguyên thủy, ngắn gọn, ghi lại lời Phật dạy cách đối nhân xử thế, cách thực thi các bổn phận và trách nhiệm của người Phật tử đối với bản thân, gia đình và xã hội, rộng hơn là Phật dạy cách kiến tạo một xã hội hài hòa, một cuộc sống đầy an lành và hạnh phúc.

Trong tạng A-hàm, theo bản dịch Việt từ Hán mới nhất của Thượng tọa Tuệ Sỹ thì Kinh Thiện Sanh thuộc No.16, Phần II, Trường A-hàm. Trong tạng Nikaya, theo bản dịch Việt từ Pali của Hòa Thượng Thích Minh Châu, tương đương kinh Thiện Sanh là Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt (Sigàlovàda sutta) thuộc No.31, Trường Bộ Kinh. Bài viết chủ yếu trích từ ấn bản điện tử từ trang nhà Phatviet.com của TT.Tuệ Sỹ, tất cả các đoạn trích đều được đóng mở “.”, phần lễ bái sáu phương, hầu hết lấy nguyên văn trong kinh.

Tránh bốn việc ác và sáu việc làm hao tổn tài sản

Khi Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, dẫn đầu đoàn khất thực với đại chúng hai ngàn năm trăm vị Tỳ-Kheo đi vào thành, đức Thế Tôn thấy một gia chủ tử tên Thiện Sanh đang lễ sáu phương, Ngài hỏi:

Vì sao, ngươi vào buổi sáng sớm ra khỏi thành, đi đến khu công viên, với cả người còn ướt đẫm, mà ngươi lại lạy các phương như thế?”

Thiện Sinh bạch Phật:

“Khi cha con sắp chết có dặn: “Nếu con muốn lạy, trước hết hãy lạy các phương Đông,Tây, Nam, Bắc, trên và dưới”. Con vâng lời cha dạy không dám chống trái.”

Phật bảo Thiện Sanh:

“Này con trai trưởng giả! Quả có cái tên các phương đó chứ không phải không. Nhưng trong pháp Hiền Thánh của ta chẳng phải lễ sáu phương như thế là cung kính đâu.”

Thiện Sinh thưa:

“Cúi xin đức Thế Tôn thương dạy cho con cách lễ sáu phương theo pháp Hiền Thánh.”

Phật bảo Thiện Sinh:

“Nếu trưởng giả hay con trưởng giả nào biết tránh bốn nghiệp kết không làm ác theo bốn trường hợp và biết rõ sáu nghiệp hao tổn tài sản. Như thế, này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả nào tránh được bốn việc ác là lễ kính sáu phương”

Bốn nghiệp kết mà Phật dạy: Sát sinh, trộm cắp, dâm dật, vọng ngữ, đây là bốn điều xấu ác mà bất cứ ai cũng nên tránh, hàng ngày đọc báo chúng ta vẫn thường thấy nhan nhãn các tội phạm phạm bốn điều trên: giết người, cướp của… gây cho xã hội những bất an thường nhật. Rõ thấy, những điều mà Phật dạy chẳng có gì khác ngoài những chuyện thực thường ngày ở thế gian.

Bốn trường hợp ác: tham dục, sân hận, sợ hãi, ngu si. Về tham dục, không phải cứ tham dục là điều xấu, mà tham dục cần phân biệt có hai loại, loại tham dục phục vụ ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) khiến cho tâm trí mê mờ, dẫn đến những vọng tưởng điên đảo, sân hận, sợ hãi và ngu si… loại tham dục này thì cần phải loại bỏ, loại tham dục thứ hai phục vụ cho chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp… cho sự học hành, phát triển nhân cách, tinh thông trí tuệ, nâng cao dân trí, sự phồn thịnh xã hội, sự bình an, sự hạnh phúc..thì cần thực hành và phát huy.

Sáu nghiệp hao tổn tài sản cần tránh:

1. Đam mê rượu chè.

2. Cờ bạc.

3. Phóng đãng.

4. Đam mê kỹ nhạc.

5. Kết bạn người ác.

6. Biếng lười.

Phật bảo Thiện Sinh:

“Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả biết rõ bốn kết hành không làm ác theo bốn trường hợp, lại biết sáu nghiệp tổn tài ấy là, này Thiện Sinh, tránh được bốn trường hợp, cúng dường sáu phương, thì đời này tốt đẹp, đời sau tốt đẹp; đời này căn cơ và đời sau căn cơ; trong hiện tại được người trí ngợi khen, được quả báo bậc nhất; sau khi chết được sanh lên trời, cõi thiện”.

Như vậy, Phật dạy người nào tránh được bốn nghiệp kết, bốn việc ác, sáu nghiệp hao tổn tài sản thì không những đời này đẹp và cả đời sau cũng được hưởng những quả tốt đẹp, đời này có duyên lành và đời sau cũng có duyên lành, trong hiện tại được người ngợi khen, xã hội ngợi khen, gia đình ngợi khen và trên hết phương ấy được an ổn, xã hội ấy được tốt đẹp, không lo sợ…

“Người nào không làm ác,

Do tham, hận, sợ, si,

Thì danh dự càng thêm,

Như trăng hướng về rằm”.

Bốn hạng kẻ thù và bốn hạng người đáng thân

Trong Trung Hoa Kim Cổ Kỳ Nhân có thuật lại tình bạn giữa Bá Nha – Tử Kỳ, một tình bạn đẹp lưu danh muôn thuở. Bá Nha là một vị quan làm đến chức Thượng đại phu, còn Tử kỳ chỉ là một chàng nông dân kém Bá Nha chục tuổi. Nhưng chỉ mỗi Bá Nha hiểu được tiếng đàn của Tử Kỳ, từ đó hai người trở thành tri kỷ, khi nghe tin Tử Kỳ chẳng may qua đời, Bá Nha đã cầm đờn đập mạnh vào tảng đá,cây đờn vỡ tan, sau đó đọc bốn câu thơ:

“Dao cầm đập nát đau lòng phượng,

Đã vắng Tử Kỳ đàn với ai?

Gió xuân bốn mặt, bao bè bạn.

Muốn tìm tri âm, thật khó thay!”

Trong cuộc sống ai cũng cần có bạn, tình bạn kiểu Bá Nha – Tử Kỳ thuộc dạng xưa nay hiếm, nhưng cũng cần phải lựa bạn tốt mà chơi, vì nếu “giao du với bạn xấu có sáu lỗi: 1, tìm cách lừa dối; 2, ưa chỗ thầm kín; 3, dụ dỗ vợ người; 4, mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người; 5, xoay tài lợi về mình; 6, ưa phanh phui lỗi người”. Đó là sáu tai hại về bạn xấu. Nếu chúng ta làm bạn với kẻ ác mãi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán”.

Phật bảo Thiện Sanh.

“Có bốn hạng kẻ thù mà như người thân, ngươi nên biết. Bốn kẻ ấy là những ai? 1, hạng uý phục; 2, hạng mỹ ngôn; 3, hạng kính thuận; 4, hạng ác hữu.

[(1) “Hạng úy phục thì thường hay làm bốn việc: một, cho trước đoạt lại sau; hai, cho ít mong trả nhiều; ba, vì sợ gượng làm thân; bốn, vì lợi gượng làm thân.

(2) “Hạng mỹ ngôn thì thường hay làm bốn việc: một, lành dữ đều chiều theo; hai, gặp hoạn nạn thì xa lánh; ba, ngăn cản những điều hay; bốn, thấy gặp nguy tìm cách đùn đẩy.

(3) “Hạng kính thuận thì thường làm bốn việc: một, việc trước dối trá; hai, việc sau dối trá; ba, việc hiện dối trá; bốn, thấy có một chút lỗi nhỏ đã vội trách phạt”.

(4) “Hạng bạn ác thì thường làm bốn việc: một, bạn lúc uống rượu; hai, bạn lúc đánh bạc; ba, bạn lúc dâm dật; bốn bạn lúc ca vũ.”

“Có bốn hạng người thân đáng thân vì thường đem lại lợi ích và che chở. Những gì là bốn? Một, ngăn làm việc quấy; hai, thương yêu; ba, giúp đỡ; bốn, đồng sự. Đó là bốn hạng người thân đáng thân cận”.

1) Này Thiện Sinh, hạng ngăn quấy thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở: thấy người làm ác thì hay ngăn cản, chỉ bày điều chánh trực, có lòng thương tưởng, chỉ đường sinh Thiên. Đó là bốn trường hợp ngăn cản việc quấy đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.

(2) Hạng thương yêu thì thường làm bốn việc: Mừng khi mình được lợi, lo khi mình gặp hại, ngợi khen đức tốt mình, thấy mình nói ác thì tìm cách ngăn cản. Đó là bốn điều thương yêu đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.

(3) Hạng giúp đỡ có bốn việc. Những gì là bốn? Đó là: che chở mình khỏi buông lung, che chở mình khỏi hao tài vì buông lung, che chở mình khỏi sợ hãi, khuyên bảo mình trong chỗ vắng người.

(4) Hạng đồng sự thì thường làm bốn việc: không tiếc thân mạng với bạn, không tiếc của cải với bạn, cứu giúp bạn khỏi sợ hãi, khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người.”]

Lễ bái sáu phương hay cách thức xây dựng một xã hội hạnh phúc

Sáu phương là gì, tại sao phải lễ bái sáu phương như chàng Thiện Sanh đã làm, anh ta làm vì nghe lời cha mà không hiểu ý nghĩa của việc lễ bái đó. Phật dạy: “Sáu phương là gì? Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là thê thiếp, phương Bắc là bạn bè thân thích, phương trên là các bậc trưởng thượng, Sa-môn, Bà-la-môn, phương dưới là tôi tớ”. Bài dạy lễ sáu phương là cách mà Phật dạy đạo làm người.

Đạo hiếu làm con, phận làm cha mẹ.

Kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều:

1. Cung phụng không để thiếu thốn.

2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.

3. Không trái điều cha mẹ làm.

4. Không trái điều cha mẹ dạy.

5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.

Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái:

1. Ngăn con đừng để làm ác.

2. Chỉ bày những điều ngay lành.

3. Thương yêu đến tận xương tủy.

4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp.

5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng..

Này Thiện Sinh, kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ, cha mẹ thương con, bảo bọc cho con thế thì gia đình ấy được hạnh phúc, xã hội bình an, phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.

Đạo nghĩa thầy trò

Đệ tử cung phụng sư trưởng có năm điều:

1. Hầu hạ cung cấp điều cần.

2. Kính lễ cúng dường.

3. Tôn trọng quí mến.

4.Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch.

5. Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên. Kẻ làm đệ tử cần phải thờ kính sư trưởng với năm điều ấy.

Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử:

1. Tùy thuận pháp mà huấn luyện.

2. Dạy những điều chưa biết.

3. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi.

4. Chỉ cho những bạn lành.

5. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.

Nếu đệ tử kính thuận, cung kính nghe lời sư trưởng, thầy thì thương trò, chỉ bảo dạy dỗ tận tình cho học trò thì nền giáo dục xã hội ấy phát triển, phương ấy vững bền, an ổn không có điều lo sợ.

Đạo nghĩa vợ chồng

Chồng phải có năm điều đối với vợ

1. Lấy lễ đối đãi nhau.

2. Oai nghiêm không nghiệt.

3. Tùy thời cung cấp y, thực.

4. Tùy thời cho trang sức.

5. Phó thác việc nhà.

Vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng

1. Dậy trước.

2. Ngồi sau.

3. Nói lời hòa nhã.

4. Kính nhường tùy thuận.

5. Đón trước ý chồng.

“Chồng đối với vợ thương yêu, tôn trọng, vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ”.

Quan hệ bạn bè, tình làng nghĩa xóm

Người ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con

1. Chu cấp.

2. Nói lời hiền hòa.

3. Giúp ích.

4. Đồng lợi.

5. Không khi dối.

Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại

1. Che chở cho mình khỏi buông lung.

2. Che chờ cho mình khòi hao tài vì buông lung.

3. Che chở khỏi sự sợ hải.

4. Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người.

5. Thường ngợi khen nhau.

“Tình người, tình làng nghĩa xóm, biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ”.

Quan hệ chủ tớ, trên dưới

Này Thiện Sinh, chủ đối với tớ có năm điều để sai bảo

1. Tùy khả năng mà sai sử.

2. Tùy thời cho ăn uống.

3. Phải thời thưởng công lao.

4. Thuốc thang khi bệnh.

5. Cho có thời giờ nghỉ ngơi.

Tôi tớ phải lấy năm điều phụng sự chủ:

1. Dậy sớm.

2. Làm việc chu đáo.

3. Không gian cắp.

4. Làm việc có lớp lang.

5. Bảo tồn danh giá chủ.

“Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ”.

Quan hệ giữa đàn việt với Sa-môn

Kẻ đàn việt cung phụng hàng Sa-môn với năm điều.

1. Thân hành từ.

2. Khẩu hành từ.

3. Ý hành từ.

4. Tùy thời cúng thí.

5. Không đóng cửa khước từ.

Sa-môn, Bà-la-môn cũng khuyên dạy theo sáu điều:

1. Ngăn ngừa chớ để làm ác.

2. Chỉ dạy điều lành.

3. Khuyên dạy với thiện tâm.

4. Cho nghe những điều chưa nghe.

5. Những gì đã được nghe làm cho hiểu rõ.

6. Chỉ vẻ con đường sanh thiên.

“Này Thiện Sinh, nếu đàn việt kính phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ”.

Bấy giờ Thiện Sinh bạch Phật:

“Lành thay, bạch Thế Tôn! Thật quá chỗ mong ước của con xưa nay, vượt xa những lời dạy của cha con. Như lật ngửa những gì bị úp xuống; như mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy. Những gì được Như Lai thuyết giảng cũng như thế; bằng vô số phương tiện khai ngộ cho kẻ ngu tối; làm rõ pháp thanh bạch. Phật là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, do đó có thể chỉ bày, hướng dẫn cho đời. Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn chấp thuận cho con được làm ưu-bà-tắc ở trong Chánh pháp. Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.”

Đọc toàn bộ nội dung kinh, một bản kinh ngắn, súc tích, ngôn ngữ Phật dùng rất rõ ràng mà bất cứ ai đọc cũng có thể nắm bắt, lời dạy như luồng sáng mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy, rất thiết thực, căn bản, rất cần cho chúng ta trong ứng xử với các mối quan hệ thường ngày trong cuộc sống.

Các pháp đều nương với nhau mà tồn tại, cũng vậy, mỗi người trong cuộc sống cũng đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm về một điều gì đó với một ai đó, mỗi một ai đó sẽ là phần còn lại về nghĩa vụ và trách nhiệm của người nào đó, suy ra sẽ nhìn thấy một ma trận ngang dọc, ma trận vuông tròn các quan hệ. Quan hệ cha mẹ, con cái, ai cũng ít nhất một lần làm học trò, ai cũng ít nhất có một người bạn, ai cũng phải làm một việc gì đó để sống,…vì vậy cần phải ứng xử sao cho hợp đạo hợp nghĩa, đúng mực để tự bảo vệ bản thân tức là bảo vệ cho gia đình, cho xã hội.

Kinh Thiện Sanh, là bản kinh căn bản dạy cho ta biết cách giữ gìn các mối quan hệ đó một cách tốt đẹp, ở đó ta thấy được các quan hệ được Phật dạy đều theo hai chiều rất tinh tế, như đời: “đường hai nẻo xuống lên”.

Les commentaires sont fermés.