Dưới nhãn quan của Thế tôn, sự vật luôn đúng với mặt thật của nó. Vô thường như là chân lý tuyệt đối cho các pháp hữu vi. Phàm ai còn trong pháp hữu vi thì không ngoài quy luật đó.
Trong Kinh Bát Đại Duyên Giác Thế Tôn dạy: “Đệ nhất giác ngộ: Thế gian vô thường, quốc độ nguy thuý, tự đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biến dị, hư nguỵ vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu; như thị quán sát, tiệm ly sanh tử.”54 (Dịch nghĩa: Điều giác ngộ thứ nhất: Thế gian vốn vô thường, cõi nước rất mong manh, bốn đại lại khổ không, năm ấm là vô ngã, luôn sinh diệt biến đổi, giả dối không có chủ, tâm là nguồn gốc việc ác, thân là rừng nghiệp tội; nếu quán sát như thế, lần lần lìa sanh tử). Đó là cái thấy vô thường rốt ráo của một bậc Giác giả. Cái nhìn vạn pháp hữu vi rốt ráo trên hai mặt khách quan và chủ quan, cũng được hiểu là tích cực và tiêu cực. Vấn đề chủ quan mang tín tiêu cực gắn liền với sự có mặt của con người, có sự hiện diện của ngũ ấm, có sự hiện diện của chấp thường, chấp ngã. Những sự hiện diện đó làm cho con người, chúng sanh thấy khổ đau. Còn mặt khách quan, tích cực là mặt thật của nó “Vô thường thị thường”, nó không gắn liền với sự khổ đau con người, và tự thể nó không có tính khổ đau. Như vậy vấn đề khổ đau chỉ là vấn đề nhận thức của con người về mặt tiêu cực, chủ quan thì vô thường làm cho chúng sanh khổ đau do trái với sở kiến chấp thường, chấp ngã của chúng sanh. Nhưng về mặt tích cực (mặt khách quan) vô thường như một quy luật chung cho mọi pháp hữu vi. Theo ngôn ngữ Phật giáo thì gọi là vô thường, theo giới khoa học thì gọi là vận động theo triết học Trung Hoa thì gọi là biến dịch. Tính chất vô thường như không tha thứ một ai nên ai cũng có thể cảm nhận được nó. Một cụ già trước lúc về hưu thốt lên: “sao cuộc đời nhanh chống đến thế, mới tuổi đôi mười giờ đây tóc hoá bạc”. Hay một nhà thơ ngỡ ngàng trước sự chuyển đổi của trời đất sau những ngày xa quê, một cuộc đổi dời kiến người ta phải giật mình trước cảnh bãi biển biến thành nương dâu (thanh hải biến vi tang điền):
“Sông xưa rày đã lên đồng
chổ làm nhà cửa chổ làm nương khoai
thoảng nghe tiếng ách bên tai
giât mình chợt tưởng tiếng ai gọi đò”
Sự vô thường còn có sự tiếp tay của con người. Trái lại sự vô thường của quy luật tự nhiên là sự vô thường hiển nhiên không thể chống trả, không thể gạn ép, nó sinh diệt biến thiên một cách đều đặn trong lý Duyên Sanh. Ví dụ như người xưa thường nói:
“Mưa không rơi mà hoa vẫn rụng
Gió chẳng thổi mà lá vẫn rơi đều”
Đó là quy luật vô thường trong mô hình tự vận động sinh diệt của các pháp mà trong vật lý gọi là “tự vận động” không có tác nhân kích hoạt. Tự trong đoá hoa, ngọn lá ấy là cả một sự biến chuyển cực kỳ huyền diệu và linh động trong ý nghĩa thâm diệu, viên dung của Duyên Khởi.
Khi khoa học phát triển sự vô thường đó phần nào được đo bằng những thực nghiệm có thể kiểm chứng được. Điển hình trong thế giới nguyên tử người ta có thể đó lường được một đại lượng vô thường cực kỳ nhạy cảm của sự vật: “…Hơn nữa, các hạt rất “linh động”, ngay ở trạng thái “không bị kích thích”, yên tĩnh nhất chúng cũng không ngừng mạch động thực hiện 1023 mạch động trong một giây”55 hay “Vì cũng có tính lượng tử như các electron….nơi càng chật chội chúng càng chuyển động nhanh hơn. Chúng di chuyển trong nhân với một vận tốc 60.000 km/giây”56. Kể từ khi thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton ra đời khoa học như ngày mỗi tiếp cận những tinh hoa của Đạo Phật. Trong khi bác học Newton tiếp cận tính vô thường trong phạm vi vĩ mô toàn vũ trụ trong nguyên lý “Lực hấp dẫn giữa hai chất điểm bất kỳ tỉ lệ thuận với các khối lượng m1 và m2 của chúng và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách r giữa chúng”. Thì, bác Học Einstein lại đi sâu hơn một bước nữa đó là tự thấy được trong thế giới nguyên tử nhỏ bé đã hiện diện đủ cả thế giới, trong đó có tính vô thường rốt ráo và quan trọng hơn là Duyên Khởi được tìm thấy, chân lý Vô Ngã được hé mở.
Khoa học ngày nay như muốn chứng minh Vũ Trụ là Duyên Sanh Vô Ngã .Thế Giới Hoa Nghiêm như là một tuyệt đỉnh mẫu mực về quy luật vận hành của vũ trụ, vạn pháp: “Ý niệm cơ bản của Hoa Nghiêm là nắm bắt vũ trụ động mà tính chất của nó là luôn luôn biến hoại, trong dòng của vận động đó là đời sống”57
Bên cạnh xác minh sự vật vô thường Phật giáo còn xem triết lý đó để giáo dục người hành đạo. Hãy bình tâm trước cảnh đổi thay mà không thể thay đổi đó: “Vô thường thị thường” . Trên ý niệm đó người tu như nắp bắt được cái tuyệt đối của vô thường, cái tuyệt đối đó không dính dáng đến sự khổ đau. Đó là nét tích cực của vô thường. Cũng nhơ nét tích cực này mà hành giả có thể trong chờ và có thể đạt đến một sự giải thoát Niết bàn trong ý nghĩa tuyệt đối của chân lý vô thường vậy.