Điểm giống nhau là gì giữa trường phái tu hành lấy tình thương, sự từ bi,… làm gốc với trường phái tập luyện giúp tập trung và phát huy sức mạnh bản thân? Nó chỉ nằm ở một chữ.
Chữ “ Hạnh” trong đạo Phật và đạo Võ
“Hạnh” vốn là biệt ngữ tôn giáo, chính xác là Phật giáo. Khái niệm ấy chỉ phẩm hạnh của người tu sở đắc được do công phu trì tụng, thực hành giáo pháp, sống thiện giữ giới đúng lời Phật dạy. Hạnh là “chất” con nhà Phật, bên trong chiếc áo tu sĩ, “chiếc áo không làm nên thầy tu” – có hạnh mới đích thực là người tu. Dưới mắt người có tín ngưỡng, người tu có hạnh bộc lộ cả ra ngoài khiến người ta trân trọng, tâm phục.
Không chỉ là người theo nghiệp tu hành, người sở đắc võ thuật chân chính và có thực lực theo nghĩa trọn vẹn tất yếu phải và cần có hạnh.
Vậy “hạnh” con nhà võ là gì?
Thiển nghĩ, võ thuật phương Đông, nhất là thiền tông, hạnh là quan yếu. Người sở đắc võ thuật chân chính và có thực lực theo nghĩa trọn vẹn tất yếu phải và cần có hạnh. Điều này rất nhân văn vì không chỉ có con người mới có sức mạnh, nhiều – rất nhiều thậm chí là hầu hết động vật, một số thực vật đặc biệt có sức mạnh, có khả năng tự vệ và tấn công. Ngay cả bạch tuộc mềm yếu mà cũng có khả năng phun mịt làm mù đối phương, còn cọp báo, cá sấu, rắn độc… sức mạnh mới thực ghê gớm, vượt xa sức mạnh cơ bắp con người, và con người từ xưa đã học nhiều đòn thế từ sức mạnh loài vật để làm phong phú võ học của mình.
Vậy con người có võ khác biệt sức mạnh nói chung như thế nào? Có lẽ hạnh là giá trị phân biệt. Giá trị này đã giúp con nhà võ không biến thành cỗ máy chém giết vô tri, những sát thủ công cụ. Hạnh nâng tầm võ thuật lên thành một thứ văn hóa nếu không nói là văn hóa đỉnh cao khi sức mạnh được hướng đến những mục đích cụ thể thông qua phương pháp cụ thể, sức mạnh cơ bắp được hướng dẫn bởi lý luận minh triết rất Người.
Để có đòn thế khúc triết đã khó, sở đắc hạnh càng khó hơn, đấy là cả một quá trình rèn luyện gian nan lâu dài, cả đời. Dưới mái chùa con nhà võ đồng hành với giáo pháp, hạnh là đương nhiên. Ngoài đời, hạnh có được thật nan giải, tu chợ mà.
Người có võ mà không có hạnh tinh thần chơi vơi, sức mạnh không được huy động hết cho cuộc chiến đấu kém tính mục đích..
Đạo đức, đạo lý… có thể được hiểu nôm na đấy là hạnh. Cho dù trong chùa hay ngoài chợ đời, có hạnh, sức mạnh được hướng dẫn và tăng thêm. Con nhà võ có hạnh tức có nền tảng giá trị tinh thần quý giá, tự tin, mạnh mẽ, dứt khoát, không dao động….
Để chiến thắng một đối thủ có hạnh – lực đầy đủ khó bội phần vì họ sẽ chiến đấu với hơn 100% sức mạnh. Ngược lại, người có võ mà không có hạnh tinh thần chơi vơi, sức mạnh không được huy động hết cho cuộc chiến đấu kém tính mục đích, họ vào trận với lực dưới sức mình, dễ bị đánh bại hơn.
Đấy là nói kiểu phàm phu. Trong thiền tông, không có hạnh anh không thể thiền định, không thể có sức mạnh từ thiền. Hạnh không còn là “sự khuyến khích” mà là yêu cầu bắt buộc cần và đủ của võ học, không có cái này thì không có cái kia.
Học võ thuật, rèn cho có hạnh, đấy là học làm người với những tiêu chuẩn cao nhất, hai trong một, lời biết bao nhiêu…
Nguyễn Thành Công/ vothuat.vn