Năm thứ năm sau ngày Phật thành đạo, vua Tịnh Phạn băng. Đức Phật đã về kịp để thuyết pháp cho đức vua nghe trước giờ lâm chung. Sau đó, đích thân Ngài chủ lễ trà tì của đức vua. Tang lễ xong, Ngài còn lưu lại Ca Tì La Vệ ba tháng để hóa độ dân chúng quanh vùng. Trong thời gian đó, Ngài ngự tại công viên Ni Câu Đà (Nyagrodha – Nigrodha), cách kinh thành khoảng hai dặm về hướng Nam.
Một hôm, thái hậu Kiều Đàm Di đến vườn Ni Câu Đà cầu xin Phật cho bà và phái nữ được xuất gia. Vì thấy chưa đến lúc thuận tiện, đức Phật không chấp thuận. Bà khẩn cầu đến ba lần, Ngài vẫn từ chối. Bà buồn bã trở về cung. Sau đó đức Phật rời Ca Tì La Vệ và đi đến hành hóa tại thành Tì Xá Li (Vaisali – Vesali) (2) ngự tại tu viện Trùng Các (Kutagarasala) trong rừng Đại Lâm (Mahavana).
Trước đây, các phụ nữ ở thành Vương Xá cũng đã từng xin Phật cho xuất gia như nam giới, và Phật đã không chấp thuận. Khi Ca Diếp đi xuất gia, ông cũng đã xin Phật cho vợ ông được xuất gia, nhưng Phật bảo là chưa đúng lúc. Bây giờ, tại Ca Tì La Vệ, ngoài thái hậu Kiều Đàm Di, còn có rất đông các mệnh phụ trong dòng Thích Ca cũng muốn xuất gia. Dù đã bị Phật từ chối, nhưng ý chí xuất gia của họ không suy suyển. Bởi vậy, sau khi từ vườn Ni Câu Đà trở về cung, thái hậu đã nảy ra một ý kiến táo bạo. Bà đề nghị với tất cả những mệnh phụ còn có ý muốn xuất gia, hãy tự mình xuống tóc, cởi bỏ tất cả quần áo xa hoa và đồ trang sức, khoác y vàng, chân không giày dép, cùng nhau đi bộ đến thành Tì Xá Li để xin Phật cho xuất gia. Tất cả mọi người đều vui vẻ thi hành đề nghị của thái hậu. Họ mặc nhiên coi bà là vị lãnh đạo của họ. Chuẩn bị xong đâu đấy bà dẫn mọi người rời Ca Tì La Vệ, lên đường tiến về Tì Xá Li, cách đó khoảng bốn trăm cây số về hướng Đông Nam. Bà Da Du Đà La cũng muốn xuất gia, nhưng thái hậu không cho bà đi theo trong chuyến này; bảo ở lại hoàng cung để chờ xem tin tức thế nào rồi sẽ đi sau.
Sáng sớm hôm ấy, khi vừa bước ra ngoài, tôn giả A Nan liền trông thấy thái hậu và đoàn người của bà đang đứng bên ngoài cổng tu viện. Tất cả đều cạo sạch tóc, khoác y vàng lấm đầy bụi đất, chân không giày dép, lại sưng vù, rướm máu. Tôn giả lấy làm kinh ngạc, liền đến hỏi thăm sự tình. Thái hậu nói:
– Thưa đại đức A Nan! Chúng tôi đã xuống tóc, đã bỏ hết đồ trang sức và mọi tiện nghi vật chất của đời sống thế tục, đi bộ đến đây. Trong thời gian gần hai mươi ngày qua, chúng tôi đã xin ăn dọc đường, ban đêm ngủ dưới gốc cây. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng, giới phụ nữ chúng tôi cũng có quyết tâm và có khả năng sống đời sống xuất gia. Xin đại được tìm lời khéo léo bạch giùm với đức Thế Tôn, xin chấp thuận cho phái nữ chúng tôi được xuất gia.
Tôn giả rất cảm động, hứa sẽ tận lực giúp thái hậu. Tôn giả vào tịnh thất của Phật trong khi thái hậu vẫn đứng bên ngoài chờ đợi.
Tôn giả trình lên Phật những gì vừa được thấy và được nghe, và xin Phật cho thái hậu và các bà mệnh phụ được xuất gia. Phật im lặng. Tôn giả lại bạch:
– Bạch Thế Tôn! Người phụ nữ, nếu đã từ bỏ đời sống gia đình để sống đời sống không nhà cửa, tinh cần tu tập theo giáo pháp và giới luật, có khả năng chứng ngộ được các thánh quả Tu đà hoàn, Từ đà hàm, A na hàm, hay A la hán không?
Đức Phật dạy:
– Này A Nan! Người nữ xuất gia cũng có khả năng chứng ngộ các thánh quả.
Được khích lệ bởi lời dạy ấy, tôn giả đã đem hết lý lẽ, trọn tình, trọn lý, khẩn thiết trình bày lên Phật, cố xin giùm cho thái hậu và phái nữ được xuất gia. Nhận thấy đã đến lúc thích hợp, đức Phật bảo cho tôn giả A Nan biết, nếu thái hậu và đoàn người theo bà chấp nhận thi hành trọn vẹn pháp chế tám điểm (3) họ sẽ được phép xuất gia làm tì kheo ni.
Tôn giả rất hoan hỉ, liền ra ngoài thông báo lời dạy của Phật cho thái hậu và các bà được biết. Thái hậu và tất cả mọi người đều vui mừng chấp nhận tuân hành pháp chế tám điểm. Thế là ngay sau đó, thái hậu Kiều Đàm Di và đoàn người của bà được thọ đại giới, trở thành các vị tì kheo ni đầu tiên của giáo đoàn Phật. Với sự kiện này, đức Phật được coi là vị giáo chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã thành lập một đoàn thể xuất gia cho nữ giới với đầy đủ giới luật.
Kể từ đó, đệ tử của Phật gồm có bốn chúng: tì kheo, tì kheo ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Ni sư Kiều Đàm Di đã được Phật chỉ định làm ni trưởng để lãnh đạo mọi việc thuộc ni đoàn. Tôn giả Xá Lợi Phất được Phật ủy thác cho trách nhiệm hướng dẫn ni đoàn về những sinh hoạt căn bản buổi đầu của đời sống xuất gia.
Ni sư đã được đức Phật trực tiếp giảng dạy cho phép tắc tu học, và sau đó không lâu, ni sư đã đắc quả A la hán. Tiếp đó, các ni sư cùng xuất gia một lần với bà cũng đều chứng quả A la hán.
Với trách nhiệm ni trưởng, ni sư Kiều Đàm Di đã hoạch định về cách phục sức cho ni chúng, và vận động các vị thí chủ giúp đỡ để xây cất các trung tâm tu học cho ni đoàn. Uy tín của ni sư rất lớn, cho nên chẳng bao lâu, các ni viện đã lần lượt được tạo lập tại các nơi như Tì Xá Li, Ca Tì La Vệ, Xá Vệ v.v… Ni sư đã dìu dắt hàng ngàn ni chúng vào nếp sống nghiêm túc, tinh cần, và rất đông trong số họ đã thành công trong sự tu học, đức Phật rất hoan hỉ và nhiều lần khen ngợi.
Ni sư Kiều Đàm Di viên tịch trước Phật khoảng 18 năm (4).
CHÚ THÍCH
1) Có sách nói, vua Tịnh Phạn đã cưới hai chị em bà Ma Ha Ma Da cùng một lúc; bà Ma Da được tấn phong ngôi hoàng hậu, còn bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề thì làm thứ hậu. Khi bà Ma Da sinh thái tử Tất Đạt Đa thì bà Ba Xà Ba Đề cũng sinh hoàng tử Nan Đà. Sau khi bà Ma Da băng thì bà Ba Xà Ba Đề được đưa lên ngôi hoàng hậu. Bà lãnh trách nhiệm nuôi dạy thái tử Tất Đạt Đa thay cho chị; còn hoàng tử Nan Đà thì bà giao cho một bà vú chăm sóc.
(2) Thành Tì Xá Li tức là thành Quảng Nghiêm, là nơi cư trú của bộ tộc Lê Xa (Licchavi), và là thủ đô của vương quốc Bạt Kỳ (Vrji – Vajji). Bạt Kỳ là một chủng tộc lớn, do tám tiểu quốc họp lại làm thành, lấy bộ tộc Lê Xa làm chủ. Đó là một nước đã áp dụng chế độ cộng hòa sớm nhất trên thế giới. Vào thời Phật tại thế, Bạt Kỳ là một trong những nước lớn và hùng mạnh nhất ở Ấn Độ. Kinh đô Tì Xá Li là một thành phố thương mại phồn thịnh. Tơ lụa và trầm hương ở đây rất nổi tiếng, được tất cả các vương quốc đương thời yêu chuộng. Tì Xá Li cũng là nơi hành đạo quan trọng của Phật và giáo đoàn, ngang với các thành Vương Xá và Xá Vệ. Đó cũng là nơi kết tập kinh điển lần thứ hai của bảy trăm vị A la hán sau khi Phật diệt độ một trăm năm.
(3) Pháp chế tám điểm, danh từ Phật học Hán Việt gọi là “Bát Kính Pháp” (hoặc “Bát Kính Giới”), gồm có:
1.- Một vị tì kheo ni luôn luôn phải cung kính đứng dậy và chào hỏi một vị tì kheo, dù vị tì kheo ni ấy có lớn hơn vị tì kheo rất nhiều về tuổi đời lẫn tuổi đạo.
2.- Đến mùa an cư hàng năm chúng tì kheo ni phải tìm đến an cư tại nơi nào có chúng tì kheo an cư để nương tựa và học hỏi.
3.- Đến kỳ bố tát (lễ tụng giới và phát lồ sám hối của chư tăng ni) mỗi nửa tháng, chúng tì kheo ni phải cử người đến xin chúng tì kheo chỉ định ngày giờ bố tát và cử người sang giáo huấn và khích lệ việc tu học của ni chúng.
4.- Vào ngày kết thúc mùa an cư, mỗi tì kheo ni phải thọ lễ tự tứ (người khác nói ra lỗi của mình, mình nhận lỗi và sám hối) trước chúng tì kheo lẫn chúng tì kheo ni.
5.- Khi phạm giới luật, vi tì kheo ni phải sám hối trước tăng chúng lẫn ni chúng.
6.- Những sa di ni đã thọ đại giới “thức xoa ma na” (sáu giới tập sự để chuẩn bị thọ đại giới) hai năm, phải cầu xin thọ đại giới trước cả hai chúng tăng và ni.
7.- Dù trong bất cứ trường hợp nào, tì kheo ni cũng không được quyền khiển trách hay nói nặng lời đối với tì kheo.
8.- Tì kheo ni không được vạch lỗi tì kheo; ngược lại, tì kheo được nói lỗi của vị tì kheo ni.
Những giới điều trên đây chỉ hoàn toàn dành cho người xuất gia, cho nên có một vài điều người tại gia không thể hiểu được. Lại nữa, những giới điều trên xem ra như có tính cách kỳ thị đối với nữ giới, nhưng sự thực thì không phải như vậy. Vào thời kỳ đó của xã hội Ấn Độ, việc đưa nữ giới vào đoàn thể xuất gia rất là khó khăn, hầu như không thể nào xảy ra được. Đã có một quyết tâm cách mạng xã hội, nhưng cũng phải đợi thời cơ, phải một thời gian chuẩn bị tâm lý quần chúng. Khi thời cơ đã đến, đức Phật đã đưa “bát kính pháp” ra như là một cánh cửa phương tiện hoàn hảo để vừa có thể cho nữ giới gia nhập giáo đoàn, vừa có thể tránh được những trở ngại từ bên trong nội bộ cũng như từ bên ngoài xã hội. Tôn giả Xá Lợi Phất đã nói: “Tám điều này đưa ra với mục đích là mở được cửa cho giới phụ nữ đi vào giáo đoàn. Mục đích của nó không phải là kỳ thị, mà chính là để chấm dứt kỳ thị. Điều cốt yếu là phụ nữ được xuất gia”. Chính ni trưởng Kiều Đàm Di cũng nhận rõ: “Pháp chế tám điểm đó không phải là những trở ngại cho sự tu học của chúng tôi, mà chính là cửa ngõ cho chúng tôi được đi vào … Đó không phải là những điều kỳ thị nữ giới mà lại là những phương tiện bảo vệ và che chở cho giáo đoàn, trong đó có nữ giới”. Bởi vậy, sau khi việc xuất gia của nữ giới đã trở thành sự thật, và khi nếp sống ni chúng đã trở nên nề nếp qui củ, thuần thục rồi, thì “bát kính pháp” sẽ không còn cần thiết nữa; vì ni chúng cũng đã có giới luật một cách đầy đủ và rõ ràng. Sự việc cả ngàn vị tì kheo ni thời Phật tại thế, sau một thời gian tu học tinh cần, đã đắc quả A la hán, đã nói lên đầy đủ ý nghĩa đó.
(4) có sách nói ni trưởng Kiều Đàm Di viên tịch trước đức Phật ba tháng.