Trái Đu Đủ Cắt Tư

Sửa soạn mâm cơm cho Nhà Sư xong, Bất Đạt cầm trái đu đủ ngắm nghía. Chú nghĩ, trái đu đủ này quá nhỏ, tuy vậy cắt bốn phần đều đặn là việc con nít làm cũng được. Chỉ hơi bực một chút là khi có thêm một hoặc ba vị khách, phải chia năm, chia bảy mới phiền.

Trái đu đủ cắt xong thì đã nghe Bất Ác ồn ào ở phía cửa bếp:

– Cái bụng nó xuống đường biểu tình rồi chú « hỏa đầu quân » ơi! Hôm nay chú dẹp tụi nó bằng « lựu đạn » (khoai) hay « ca nông » (sắn)? À, mà « axit » (tương) có còn không?

– Lựu đạn và axit đã khan hiếm – Bất Đạt vừa nói vừa lấy lồng bàn úp mâm cơm lại – Kho cơ hữu nhà ta chỉ còn ca-nông và ca-nông thôi! Bảy quả ca-nông, báo cáo chú em!

Bất Ác dựng vội cúp và rựa bên hiên, lao nhanh vào:

– Sắn với sắn thôi à? Thế là chết tôi! Thế là chết em rồi chú ơi!

Bất Đạt cười khì khì:

– Chết chú nhưng mà nhất tôi! Này nhé: bột sắn nấu là một, bánh sắn hấp là hai, bánh sắn ram là ba, nước tương sắn là bốn, canh sắn là năm, sắn nướng là sáu, chè bột sắn là bảy, vị chi bảy món. Sắn bảy món có thua gì các chú đâu!

Bất Ác xụ mặt:

– Thế là chú chẳng thương em chút nào. Em có mấy cái mụt nhọt mưng mủ chưa lành mà chú lại cho ăn cái kiểu này! Ôi, sắn ơi là sắn! Mủ ôi là mủ!

Bất Đạt phì cười:

– Chú em, « dĩ độc trị độc » thế mà hay đấy! Chú có nhớ hôm đến phiên chú, chú làm « cà bảy món » mà chú nói là « ca bảy câu » không? « Ca bảy câu » sao nổi khi thời gian đó tôi vừa bớt bệnh, thế mà tôi đành phải bịt tai nhắm mắt « ca » cho xong « bảy câu » của chú! « Một chén cà bằng ba chén thuốc », hèn chi tôi bị hành dữ!

Bất Ác nhăn mày nói:

– Thuở đó em đâu có biết cà là âm độc? Vô tâm là không có tội! Còn chú là người học rộng nghe nhiều, y lý tinh thông, chú há không biết sắn cũng độc không thua gì cà sao?

Thấy Bất Ác buồn, Bất Đạt xuống giọng:

– Ừ, thật ra tôi quên, không nhớ là chú bị nhiệt! Số là sáng nay đến phiên tôi nấu ăn, xuống bếp lục « cụi », lục « kho » thấy chẳng còn thứ gì. Rau muống mới trỉa hạt, môn vừa trồng lại, khoai hôm kia bị bò liếm hết trơn; rau dền, rau má thì nhiều nhưng ăn hoài cũng ngán… Tuy nhiên khi đứng tần ngần, tôi chợt nảy ra cái ý làm « ca nông bảy quả » để đáp trả thịnh tình « ca bảy câu’ của chú và « môn bảy kiểu » của chú Liễu Minh đó mà!

Bất Ác im lặng không nói gì. Chợt nhiên có giọng ồm ồm bên tai hai người:

– Cái gì là « ca bảy câu », cái gì là « ca nông » bảy quả? Con nhà Phật mà chẳng có văn chương cửa Thiền chút nào cả. Cái món của tôi được gọi là « bảy cửa (môn) vào cõi Huyền không » chứ lị!

– Chú… chú! Bất Ác gọi Liễu Minh – « Ca bảy câu » cũng được, « bảy cửa vào cõi Huyền Không » cũng hay, nhưng « ca nông bảy quả » làm sao nỗi khi em mụt nhọt cả người như thế này này?

Liễu Minh quăng khúc củi xuống hiên, cười trấn an Bất Ác:

– Không có sao đâu chú em. Để chút nữa tôi đi kiếm cái gì mát mát như lá chùm bao, lá rau má, hoặc trái đu đủ… thuộc âm hàn mà « bổ » vào là nó quân bình âm dương lại ngay.

Bất Đạt cười hề hề:

– Khỏi lo! Có món đu đủ. Tôi thủ hậu món đu đủ cho nó giải nhiệt mà!

Liễu Minh sà lại bên mâm cơm. Bất Ác đưa tay giở lồng bàn, chợt chú la toáng lên:

– Phật ôi! Chú đành lòng nào mà trái đu đủ có bấy nhiêu lại cắt làm bốn phần đều đặn như vậy? Ta nóng thì Thầy cũng nóng, nỡ nào…

« – Lợi hòa đồng chia » – Bất Đạt nói át – bấy lâu Thầy đã từng dạy như thế. Cắt phần thầy lớn thì Thầy quở trách đó, chú không nhớ sao?

Bất Ác thò tay lẳng lặng lấy phần của mình bỏ vào đĩa trong mâm cơm của Nhà Sư rồi bưng lên tịnh thất. Liễu Minh và Bất Đạt thoáng ngỡ ngàng, nhưng như đồng một lúc, cùng lấy phần đu đủ của mình bỏ vào đó luôn.

Khi Bất Ác bưng mâm cơm đi rồi, Liễu Minh và Bất Đạt ngồi thừ như vậy rất lâu.

Liễu Minh chợt nói:

– Bỏ cái âm hàn dương nhiệt đi chú nhé, ta chỉ bàn chuyện vừa rồi. « Lợi hòa đồng quân » mà cái gì cũng chia phần đều nhau như trường hợp vừa rồi, tôi thấy bất ổn sao là!

– Tôi cũng như vậy – Bất Đạt đăm chiêu. Hôm kia làm bánh sắn nhân đậu xanh, mỗi người được tám cái, Thầy ăn tám cái chắc vừa bụng. Tôi và chú tám cái ăn không thấm vào đâu. Còn chú Bất Ác mà làm tám cái thì e là… đã đánh mất « trung đạo » rồi!

Liễu Minh gật đầu :

– Dường như từ lâu Thầy muốn chỉ dạy chúng ta điều gì đây, chú có thấy không? Đáng lý ra, Thầy tối thiểu cũng phải có một sa-di thị giả. Thế mà ở đây, chúng ta chỉ lo được có một mâm cơm! Có lẽ Thầy muốn nâng đỡ chúng ta mặt nào đó nên Thầy đã sống rất bình đẳng với mọi người. Chính Thầy đã tự tước đi tất cả các tiện nghi đáng ra Thầy xứng đáng được hưởng. Nói xứng đáng cũng không đúng nữa- chính nhờ công đức phước báu của Thầy, Thầy đã san sẻ, nuôi nấng chúng ta. Còn đến công việc thì Thầy không bao giờ ra giọng sai bảo; chỉ gợi ý, đề nghị hoặc vạch chương trình để làm chung. Cho đến những lao động nặng nhọc Thầy cũng cùng làm với chúng ta. Mà bao giờ thầy cũng là người vác cúp, vác cuốc đi trước. Còn chúng ta thì… »chưa ăn thì anh rìu em rạ, ăn rồi thì anh ngả em nghiêng », thế đấy!

Bất Đạt khẽ cúi đầu xuống:

– Đúng là vậy, nghĩ chuyện trái đu đủ, tôi còn hổ thẹn với Bất Ác. Đôi khi lý trí tôi nó làm việc như cái máy. Thiệt là bậy, thiệt là cái đầu óc tôi nó hư hỏng, lệch lạc mất rồi! Té ra, « y kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan »! Nguy hiểm, thậm nguy hiểm!

Liễu Minh như đang chìm trong suy tư của mình:

– Chú có nhớ cái « bánh ít chia bốn » của chú Bất Ác không?

– Nhớ, còn nhớ! Chả là hôm đó Bất Ác vừa mới vào, chùa mình có chín một trái ổi xá lị đầu tiên, Thầy bảo nên chia bốn phần cho mỗi người thưởng thức một tí. Ít hôm sau, Thầy đi bát về, ngoài gạo và khoai sắn ra, có một cái bánh ít. Thế là với bổn cũ soạn lại, Bất Ác cắt chia bốn phần đều nhau, ăn không dính kẽ răng. Có điều lạ là hôm đó, tôi hầu cơm Thầy, Thầy mỉm cười nói: « Con hỏi Bất Ác có phải cái bánh ít mà chia làm bốn phần, nó lúng túng lắm phải không? »

– Phải rồi – Liễu Minh cướp lời – vậy là thầy biết, Thầy dư biết chúng ta chưa học được bài học « lợi hòa đồng quân ». Không những Thầy cười Bất Ác mà Thầy còn cười cả sự… máy móc của chúng ta đó! « Lợi hòa đồng quân » kiểu của chúng ta là hình thức chia chác lợi lộc rất là nguy hiểm, nó còn thiếu « nội dung » đó chú »

– Chú cứ trình bày cho hết ý

– Tôi từng sống nhiều nơi, tôi biết. Có nhiều chuyện xảy ra không hay ho gì trong đời sống cộng đồng tăng lữ. Vật phát sanh đến, nếu chia không đủ thì bốc thăm, làm cho nhiều vị rất tốt, đôi khi nảy tâm mong cầu được cái này, cái nọ… Mà thôi, đừng nói chuyện ấy nữa, ta thường thấy hạt bụi trong mắt người mà không thấy được cái rác trong mắt ta! Tôi chỉ muốn nêu lên vài trường hợp cụ thể để chúng ta cùng thấy rằng, » lợi hòa đồng quân » không phải chỉ dừng lại nơi hình thức bên ngoài, mà còn phải để ý cái tâm bên trong nữa chứ!

Bất Đạt « à » lên một tiếng:

– Phải rồi! Cái gì cũng chia đều thì đến một lúc nào đó mình tưởng là mình có quyền ngang bằng với Thầy tất cả. Ngang bằng sao được, ngoài đời còn có ông bà cha mẹ, trong Đạo phải có Tổ, có Thầy. Công ơn Thầy dạy Đạo to lớn hơn công ơn của cha mẹ nữa. Coi chừng, nếu không suy xét cho thấu đáo, lửa địa ngục sẽ thiêu cháy tan xương nát thịt chúng ta mất thôi.

*

Hai người nói chuyện ngang đây thì Bất Ác bưng mâm cơm trở xuống. Thức ăn gần hết, nhưng đĩa đu đủ thì còn ba lát, Nhà Sư chỉ dùng một.

Bất Ác mau mắn kể lại.

– Khi thấy đĩa đu đủ có bốn miếng, Thầy hỏi: « Hôm qua có mấy trái đu đủ chín hả con? ». Em đáp: « Dạ, chỉ có một ». Thầy cười với đôi mắt sáng lấp lánh: « Có lẽ là cho đến hôm nay, các con mới bắt đầu hiểu ý nghĩa sâu xa của « lợi hòa đồng quân » rồi đấy! »

Liễu Minh chợt vỗ tay:

– Tôi biết rồi! Tôi hiểu rồi!

Bất Ác vô tình kể tiếp:

– Khi Thầy nói vậy, em ngạc nhiên vô cùng, liền láu táu: « Bạch Thầy, « lợi hòa đồng quân » thì con đã hiểu lâu rồi! ». Thầy bèn nghiêm mặt: « Đừng có đại ngôn! Kể cả những người ăn cơm Phật, mặc áo cà sa cho đến bạc đầu mà áp dụng nó chẳng khác gì là phỉ báng Phật! Con mới vào tu mà nói vậy, coi chừng mắc thói « tăng thượng mạn » đó! « Mấy chú ơi, em thấy mặt Thầy nghiêm lại, em ớn quá, em le lưỡi, thụt cổ rồi im thin thít luôn .

Bất Ác quay qua Liễu Minh :

– Chú nói hiểu là hiểu làm sao nói cho em nghe thử coi?

Liễu Minh chỉ vào mâm cơm:

– Đói bụng rồi, ăn đã!

– Không! Bất Ác giẫy nẫy- « sớm nghe đạo, chiều chết cũng cam », Chú không nói thì em tuyệt thực.

Bất Đạt cười khì:

– Chú em ngán sắn thì nói ngán sắn cho rồi, vờ nói tuyệt thực làm gì! Xấu, xấu lắm nghe em!

– « Đốt » chú đi! Em không chơi với chú. Em nói chuyện đứng đắn với chú Liễu Minh!

Liễu Minh xen vào:

– Thôi chúng ta cùng ăn rồi thảo luận. Chú em Bất Ác à, tôi bụng to thì cứ việc ăn nhiều, chú bụng nhỏ thì cứ việc ăn ít, vậy là « lợi hòa đồng quân » đó!

Thế là cả ba bắt đầu ăn. Bất Đạt dường như đã hiểu nên chú gục gặc đầu có vẻ đắc ý lắm. Một lát chú nói:

– Hôm nay, phần đu đủ của mình, mình dâng hết cho Thầy, thầy nhường lại cho mình, rồi mình nhường lại hết cho chú Bất Ác để chú « tả nhiệt ». Thế là  » lợi hòa đồng quân », phải không chú Liễu Minh?

– Phải « Lợi hòa đồng quân » theo cách chia bên ngoài mới chỉ là « tướng hòa »! Tướng hòa mà thiếu » tâm hòa » thì dễ đưa đến xung đột, tranh chấp; và là điều kiện để phát sanh phiền não, khổ đau. Còn khi tâm đã hòa rồi thì mọi thể hiện bên ngoài thế nào cũng là hòa cả. Chú đã hiểu chưa, Bất Ác? Đôi khi chú đã từng thực hành theo nghĩa « tâm hòa » rồi mà chú không biết đó thôi!

– Em ư? Bất Ác nhướng mắt hỏi – em là kẻ hay làm phiền rộn Thầy và chư huynh lắm mà, có hòa gì đâu?

– Không phải thế! Bất Đạt thân thiết nhìn Bất Ác nói – Chú em không làm ai bực mình cả, ngược lại là khác. Chú em sống rất có tình nghĩa, biết kính, biết lễ, biết thương yêu mọi người. Chú em hay hành động theo con tim, theo lý lẽ của con tim nên đôi khi tưởng là hư, là xấu. Hư xấu cũng có đấy, nhưng chỉ là một phần nhỏ, còn đa phần đều tốt, như trường hợp chú tự động lấy phần mình để vào phần Thầy. Tâm hòa là như rứa đó.

– Em chưa hiểu. Chú đừng nịnh em!

Tiếp lời Bất Đạt, Liễu Minh giải thích :

– Đúng thế chú em à! Tâm hòa nghĩa là tình thầy trò, tình huynh đệ, tình chúng sanh đấy chứ có gì lạ đâu! Khi sống với nhau trong một ngôi chùa, không cần phải chia chác vật gì cả, lợi lộc phát sinh cứ để chung một nơi và tùy theo nhu cầu của mỗi người mà sử dụng. Có thương nhau thật sự mới sống được như thế. Như trường hợp trái đu đủ, vì kính trọng và yêu thương Thầy, ta hoan hỷ dâng hết cho Thầy. Nếu Thầy nhường lại mình hay Thầy dùng hết thì cái đó cũng chẳng phải là vấn đề. Còn chú Bất Ác có ăn trọn cả trái đu đủ, chúng ta vẫn hòa với nhau như thường. Đấy mới đúng nghĩa « chữ hòa » mà Chư Phật muốn chỉ dạy.

Bất Ác chợt la lên :

– A! Chính trong tâm em, em cũng nghĩ như vậy mà em lại không biết mới chết chứ!

Cả ba cùng cười vui. Thật là không có ở đâu « hòa » hơn thế nữa!

-ooOoo-

Les commentaires sont fermés.