Hai thầy trò lầm lủi băng qua những đám rẫy sắn ngút ngàn khi trời vừa tảng sáng. Đi hết đám lau lách um tùm, họ bước vào con đường nhỏ chạy men theo sườn đồi. Qua ba lần đổi dốc, họ bắt đầu luồn mình dưới những lùm cây thấp chằng chịt những lồ ô, giang, dứa dại, cỏ ống, dây leo…
Bất Đạt vai mang gùi, tay cầm rựa đi trước phạt đường, Nhà Sư đội nón chống gậy theo sau. Một lát sau, lùm cây bắt đầu mở rộng lộ một con đường hẹp dẫn đến bờ suối. Từ đây, hai thầy trò đi thẳng lưng.
Nắng sớm ửng hồng trên nền trời xanh biếc, gió thổi hiu hiu, xào xạc những chiếc lá trên cành. Nước chảy róc rách.
– Đến suối rồi Thầy ơi!
Nhà Sư bỏ xách trên vai xuống để trên tấm thạch bàn, lấy khăn lau mồ hôi tươm rỉ trên trán.
– Mới cách có hơn tháng mà cây cỏ đã bít đầy lối đi. Mệt lắm không con?
– Đường còn xa không hở Thầy? Con chưa thấm mệt đâu! Bất Đạt mỉm cười nói – Không Động! Không Động! Mới nghe đến cái tên thôi mà con đã thấy khỏe cả người.
Nhà Sư cười nhẹ không nói gì. Bất Đạt đưa mắt nhìn lên đỉnh Bạch Vân. Những cụm mây trắng bàng bạc trên những triền xanh xa bạt ngàn. Những đám khói do khí núi và sương mù buổi sớm đậu lơ lửng giữa thinh không. Toàn phong cảnh quả là một bức tranh thủy mặc vĩ đại, yên lặng và thanh bình. Tiếng chim rừng lảnh lót hòa âm những khúc điệu khi tục khi đoạn vang vang rất xa…
Bất Đạt nhảy ùm xuống suối bơi lội nhởn nhơ, nghịch, té nước. Lát sau, chú leo ngồi vắt vẻo trên một tảng đá cao.
– Đến đây, mình như lạc vào một thế giới khác, Thầy nhỉ? Đúng như mình vừa sanh vào một thế giới mới: cảnh giới thanh tịnh, hiền hòa, không một mảy may bon chen đầy hệ lụy. Thế mà từ lâu Thầy không cho con đi!
Nhà Sư điềm đạm nói:
– Từ đây, theo dòng suối đi lên, chừng nửa buổi ta sẽ đến Huyền Không Sơn Thượng, tức là đến Không Động. Con ạ, đừng vội háo hức, đừng vội mơ tưởng mà cũng đừng vội trách Thầy. Vì sao vậy? Vì Không Động thật sự nó khác với Không Động ở trong tâm trí của con, khác với Không Động ở trong ý-niệm-dự-phóng của con. Và nếu vậy, con sẽ thất vọng đấy. Ngoài ra, nếu trong lòng con mà chưa đạt được cảnh giới « không động » thì bất cứ cảnh giới Không Động nào trên trái đất này nó cũng đồng nghĩa với sinh diệt, là dukkha, là khó chịu đựng, là khó kham nhẫn cả!
Bất Đạt suy nghĩ một lát rồi hớn hở mang gùi lên vai:
– Đi, bạch Thầy, đi! Con thừa sức kham nhẫn cái « không động » ấy! Ôi! Thầy ôi! Con đã quá chán những câu chuyện về tiền bạc, sắn khoai; những chuyện về hình thức giao tế khách sáo, trống rỗng, những chuyện về đổi lợi mua danh… Ôi! Chúng quả là chán ngắt! Đi Thầy, đi! Hãy cho con mau đến đó, đến « không động » của chúng ta! Bất Đạt nói miên man – Để cho con ca với nắng sớm, để cho con hát với mây chiều, để cho con được sống một đời bay nhảy như chim, để cho con được ngủ yên trên những bờ suối mát, cho con được rong chơi giữa triền thung lũng xanh, được dẫm chân trên những tảng đá um rêu mịn màng, để cho con được thầm thì với núi rừng u tịch, để cho con trò chuyện với mây gió, với trăng sao, với hoa rừng cỏ dại, để cho con vốc đầy hai tay những vốc nước trinh tuyền không nhuốm mùi trần thế, để cho con không nghĩ đến chuyện đói cơm, rách áo, để cho con được sống thực, nói thực mà không hề ngụy trang bản ngã, để cho con được sống an lành với quê hương Không Động muôn nơi và muôn thuở của con người!
Bất Đạt khoa tay múa chân nói say sưa, dồn dập, không kịp thở. Nhà sư vỗ nhẹ lên vai chú:
– Con đã tuôn ra đấy những bất mãn, những muộn phiền, có phải không? Những bộc lộ của con là những phẫn nộ của một con thác tuôn tràn từ đỉnh cao, con biết thế không? Về với Không Động mà trong con đầy ắp những tâm sự, những bực bội, những bi quan như vậy thì làm sao thấy được Không Động hở con?
Bất Đạt sững lại. Nhà Sư dừng chân, tháo y ngoại bỏ vào xách, xắn y nội lên cao rồi chống gậy nhảy lên một tảng đá cao.
Bất Đạt reo:
– Hay quá! Thầy « phi thân »!
Nhà Sư cười:
– « Phi thân » cái gì! Từ đây đến Không Động, ta không còn đi được nữa, phải tập nhảy thôi!
Nói xong, Nhà Sư thoăn thoắt từ tảng đá này sang tảng đá khác. Rồi từ trên cao, Nhà Sư buông mình xuống một tảng đá thấp rất dễ dàng.
Bất Đạt phục quá. Chú không làm được như vậy mà chú phải bám chặt tay và leo lên từng chút một. Chú nói:
– Con là một trang nam nhi vai u thịt bắp mà đành thua một nhà sư « liễu yếu đào tơ » như Thầy!
Nhà Sư bật cười:
– Khéo ví von! Thầy chỉ quen thôi! Có lẽ con chưa nắm vững được kỹ thuật đề khí, khinh thân. Khi nhảy lên, bao giờ khí cũng tích tụ ở thượng phần đan điền. Khi buông mình xuống, khí cũng phải tích tụ ở thượng phần đan điền. Ngoài ra, bao giờ rơi xuống cũng lấy những ngón chân làm điểm tựa lò xo. Vậy đó, con đã thấu đáo cái « đạo lý » đó chưa?
Bất Đạt tròn mắt ngạc nhiên:
– Nhảy mà cũng có « đạo lý » sao Thầy?
– Đó là « cách nói »! Theo thái cực âm dương luận của đông phương thì khí dương nhẹ nên bốc lên, khí âm nặng nên trệ xuống. Tưởng là dương khí, tình là âm khí. Cũng vậy, theo nhà Phật chúng ta, bao giờ thượng phần sung mãn, nghĩa là có một đời sống tinh thần thanh cao với các trạng thái tâm như hỷ, lạc, khinh an, thư thái, xả, từ bi… thì kẻ ấy được thăng thiên. Trái lại, nếu hạ phần sung mãn, tức là một đời sống đắm nhiễm, tục lụy với các trạng thái tâm nặng nề như độc ác, xan tham, hung dữ, sân hận, tật đố, kiêu căng… thì kẻ ấy sẽ đọa xuống các cảnh giới tối tăm đau khổ. Con có hiểu không?
Bất Đạt nghe rất thấm thía trong lòng.
Nhà Sư nói tiếp:
– Như vậy, trong phép nhảy, phải biết lấy dương làm chủ âm, nghĩa là khí phải dồn lên cao độ ở thượng phần, thì sự rơi xuống sẽ nhẹ nhàng tựa chiếc lá rơi.
Nói xong, lại từ một tảng đá rất cao chênh vênh trên bờ vực, Nhà Sư buông mình xuống một mô đất cách đấy hơn ba mét mà chiếc thân vẫn bám trụ nhẹ nhàng trên mấy đầu ngón chân.
Bất Đạt vỗ tay tán thưởng:
– Tuyệt cú mèo! Hay Thầy là võ sư hiệp khí đạo?
Nhà Sư lắc đầu:
– Chẳng cần học hiệp khí đạo cũng làm được vậy khi ta thông lý thái cực. Hiệp khí đạo chú trọng ở khí, nghĩa là cao hơn các môn võ quyền cước chú trọng ở sức mạnh cơ bắp, gọi là tinh. Tuy nhiên, hiệp khí đạo còn thua thái cực đạo chú trọng ở thần. Tinh, khí, thần là cấp độ đi lên của đạo gia. Các đạo gia luyện tinh thành khí, luyện khí hóa thần, rồi thần hoàn hư, hư là trở về cái « không » của thái cực.
Bất Đạt chăm chú lắng nghe rồi hỏi:
– Còn Phật đạo thì sao hở Thầy?
– Phật đạo cũng có những bước đi như đạo gia nhưng hàm nghĩa tinh thần nhiều hơn. Cái tinh, cái thân thể, cái hình thức ấy chính là một đời sống giữ giới trong lành, thân khẩu ý an tịnh, không có hại mình, không có hại người, biết bố thí, sống đời phục vụ cho lợi ích chúng sanh. Cái khí chính là nuôi dưỡng các trạng thái tâm nhẹ nhàng, an lành, mát mẻ… tức là các thiện tâm và những tịnh quang tâm sở. Còn cái thần chính là tâm giải thoát, tuệ giải thoát chứ có gì lạ đâu!
Bất Đạt nhíu mày hỏi:
– Cái Thần của đạo gia, tức là cái « hoàn hư » đó khác với Phật đạo ra sao?
– Đạo gia bảo rằng: « Thần biến vạn phương » cho nên cái « hoàn hư » ấy chỉ là hư không trống rỗng và đầy khắp. Theo Phật đạo, cái thần và cái hư ấy tương đồng với các cảnh giới vô sắc: hư không vô biên hay là « không có gì cả »! Nếu họ không rơi kẹt vào đấy thì cũng kẹt vào hư không của nhiên giới, vô biên của bản thể, của vũ trụ, của đại ngã. Nói tóm tắt cho dễ hiểu, không rơi vào Thượng Đế vô ngã thì rơi vào Thượng Đế siêu nhiên!
Bất Đạt lại hỏi:
– Phật đạo cao hơn thế nữa chứ Thầy?
Nhà Sư mỉm cười:
– Phải! Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát thì cao hơn hết thảy các tôn giáo trên đời này. Nhưng cái cao ấy không nằm trong cặp phạm trù đối đãi cao và thấp. Nó ở trong tinh, khí, thần mà cũng siêu việt cả tinh, khí, thần. Nó bất khả lý niệm. Nó siêu việt cho đến nỗi: « Qua sông thì lội, lên dốc thì leo ». Xem này!
Nói xong Nhà Sư chậm rãi bước qua những tảng đá thấp rồi cứ thế ung dung đi hoặc nhảy một cách bình thường.
Bất Đạt chăm chú nghe, nhìn, đến đây thì chú không còn hiểu được:
– Sao kỳ vậy Thầy? Cái thấp của đạo gia là tinh, khí, thần gì đó thì con làm chẳng được. Mà cái cao siêu bất khả thể tượng của Phật đạo thì con cũng làm được như chơi! Là sao kia?
Nhà Sư cười:
– Hà hà! Cao cho đến độ nó ở ngoài cả cái cao, cái thấp! Nó phi thường cho đến độ nom như cái bình thường, cái như thường! Khó hiểu, khó thấy quá, phải không con?
Vầng trán Bất Đạt càng lúc càng nhăn tít lại.
*
Đến một chiếc hồ rộng, hai thầy trò nghỉ ngơi dưỡng sức. Bất Đạt hong khô mồ hôi một lát rồi nằm trên tảng đá, nước xâm xấp lưng. Nhà Sư lấy bi-đông nước mang theo uống từng ngụm nhỏ. Bất Đạt vừa đưa tay nghịch nước vừa nói:
– Suýt mấy lần con trượt chân vì rêu trơn. Khi qua nơi tảng đá hình sư tử, con đã bong chân, không thể đi được nữa mà phải lết, phải bò. Con đã mệt, đã đuối sức! Thầy mang gùi giúp con mà vẫn dẻo dai, nhanh nhẹn như không! Thế mới kỳ! Ôi! đường lên « Không Động » mới gian nan và vất vả làm sao!
Nhà Sư nhìn Bất Đạt với đôi mắt đầy bi mẫn rồi nói:
– Đúng thế, một hành giả lên đường chắc chắn cũng lắm gian nan và nhiều vất vả như vậy. Những hôn trầm, thụy miên, buông xuôi, tiêu cực, những vọng tưởng, hư tưởng, nghi ngờ, những hoài niệm, phân vân, do dự,… là những pháp ngăn che không cho chúng sanh thấy rõ sự thật. Chúng được ví cho những hầm hố, gai góc, những dây leo chằng chịt, bít bùng; những thung lũng hiểm trở, những sườn núi đá dựng đứng cheo leo, trơn tuột. Ngoài ra, còn có một số trở ngại vi tế như những dòng suối ngọt, những tàn cây xanh mát mẻ, những chùm trái cây chín mọng trên cành, những kỳ hoa dị thảo thơm ngát phô thắm sắc màu lóng lánh dưới sương mai…
– A! Bất Đạt ngạc nhiên la lên – những cái kỳ tuyệt như thế mà cũng là trở ngại sao Thầy?
– Ừ, chúng chính là những phiền não vi tế đấy con à! Những phong cảnh hữu tình mỹ lệ, những muôn hồng nghìn tía ấy được ví cho những cảnh trời mà dục lạc vật chất được thỏa mãn cao độ; được ví cho những phỉ lạc, những hạnh phúc trong các cảnh giới thiền hữu sắc. Rồi còn những vi tế thuộc không, thuộc thức của thiền vô sắc nữa chứ. Con đã từng mải mê ngâm mình dưới dòng suối trong xanh mát lạnh; con đã bần thần đứng ngắm cả một rừng phong lan nở hoa như một tấm thảm sắc; con đã lặng người khi nghe một khúc hòa tấu của những giọng chim chưa hề nghe ai nói tới; con đã thẫn thờ trước động đá thiên nhiên mà những rễ cổ thụ như những cánh tay bạch tuộc ôm một tòa lâu đài bằng ngọc xanh…
Bất Đạt nói:
– Phải! Đẹp quá Thầy ạ! Con muốn sống ở đây luôn!
– Chúng là những cạm bẫy bằng vàng, là những trò ảo thuật diệu hóa của Ma Vương, những mồi nhử cho hành giả. Sự mê chấp, tham đắm, thủ trước những hoa thơm cỏ lạ, những cảnh vật thơ mộng bên đường dễ làm cho chúng sanh quên đi mục đích giải thoát. Cũng như con vậy thôi, con chỉ muốn ngồi lại đấy, ở lại đấy chứ đâu còn muốn lên đường nữa?
Bất Đạt ngồi trầm tư, nghĩ ngợi. Những lời chỉ dạy của Nhà Sư vừa hợp tình, hợp lý, vừa cụ thể, rõ ràng quá làm rúng động cả châu thân chú. Chú thầm nghĩ: « Vượt qua, vượt qua, vượt qua cả ý niệm vượt qua! Hằng trăm trang sách nói về buông xả, viễn ly, vô chấp… cũng không bằng câu chuyện ví dụ thiết thực hiện tại và sống động này ».
Nhà Sư tiếp:
– Một kẻ biết trọn vẹn lên đường, y phải biết vất bỏ những quyến niệm, những thằng thúc đeo níu về gia sản, tiền bạc, danh lợi, vợ con; biết quên đi những câu chuyện về thời sự, về xã hội, về kinh tế, về nhân tình thế thái; những câu chuyện về buôn bán, làm ăn, chuyện nơi thành phố, chuyện ở thôn quê, chuyện trong công sở, chuyện quá khứ vị lai, chuyện độ sinh, chuyện thế giới, chuyện chủng tộc, chuyện cải cách, chuyện thuốc men, chuyện sức khỏe, chuyện luyện khí, luyện công, chuyện khí hậu thời tiết, chuyện thiên văn địa lý… Khi ấy mới được gọi là một người thực sự xuất gia, lìa khỏi gia đình phiền não.
Bất Đạt con! Con theo Thầy lên Không Động, con cũng bỏ quên chuyện kinh kệ sớm hôm, chuyện tưới nước cho ớt, làm cỏ cho sắn, vun đất cho khoai; chuyện bếp núc, bàn bạc, hôm nay nên ăn canh lá giang cho mát, ngày mai nên kiếm lá bướm bạc nấu nước uống cho ngon; chuyện đói no, chuyện loanh quanh, luẩn quẩn với bạn bè, hàng xóm… Điều này cũng ví như là đang hành pháp xuất gia ba la mật vậy chớ khác gì đâu!
– Ồ! Kỳ diệu xiết bao!
– Lại nữa, chúng ta đã vượt qua biết bao là đồi núi, khe suối; qua lùm, qua truông, qua thung lũng, qua dốc, qua vực,… nếu không có ý chí, không biết kham nhẫn thì làm sao đến được Không Động hả con?
– Dạ, không thể được!
– Vậy nó khác gì tinh tấn, nhẫn nại và quyết định ba la mật không?
– Dạ, tương tự như vậy.
Nhà Sư tiếp:
– Còn nữa, nếu ta không cẩn thận từng cái vin tay, từng cái chân bước thì những triền đá lở, những bờ đất dốc sẽ làm cho chúng ta rơi xuống vực, nguy hiểm đến tính mạng. Cũng vậy, người xuất gia phải cẩn trọng giữ gìn thân, khẩu, ý; đừng để cho chúng vọng động, tạo nên những ác nghiệp mà rơi xuống bốn con đường khổ. Điều ấy có khác gì pháp trì giới của người xuất gia không hở con?
– Dạ, không khác.
Nhà Sư trầm ngâm giây lâu:
– Thầy cũng không hy vọng con lãnh hội trọn vẹn những điều Thầy vừa nói. Nhưng một phần nhỏ của sự thấy biết ấy là những trang bị cần thiết cho lộ trình gian khổ trong nay mai đó con!
*
Xế trưa, hai Thầy trò mới đến Không Động. Nhà Sư chỉ vào hai tảng đá lớn úp lại với nhau như hai mái nhà và một cốc lá dựng sơ sài dưới gốc đại thụ rồi nói:
– Không Động đấy!
Bất Đạt có vẻ thất vọng. Té ra chẳng có gì là đẹp như trong trí tưởng tượng của chú! Tuy nhiên, nơi đây mát mẻ và yên tĩnh một cách lạ lùng. Khí đá và sương mù vật vờ chao động trên triền núi, đầu cây. Thiên hô vạn hát là chim, là hoa, là thỏ, là sóc,… lại có cả khỉ và vượn nữa. Chú cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng như đã trút hết mọi mỏi mệt đường xa.
Nhà Sư nói:
– Trong trí tưởng của con có một « Không Động » khác phải vậy không?
Bất Đạt bẽn lẽn đáp:
– Dạ, quả vậy!
– Con đã hình dung một « Không Động » theo tưởng tượng của con, rồi con lên đây là để tìm cái « Không Động » ấy?
– Dạ, không sai.
Nhà Sư đưa mắt nhìn ra xa:
– Con ạ! Cũng vậy, tùy theo tâm tưởng của chúng sanh mà có Niết Bàn như thế này hoặc như thế kia. Họ tưởng tượng, dự phóng ra một cảnh giới rồi tu tập nhằm đạt cho được cảnh giới ấy. Vậy thì cảnh giới mà họ đạt được chính là bản ngã thứ hai của họ, con hiểu không?
– Vậy thì Niết Bàn ở đâu, bạch Thầy?
Nhà Sư chợt đọc bốn câu thơ của Tô Đông Pha:
« Mù tỏa non Lô sóng Triết Giang
Chưa đi đến đó hận muôn vàn
Đến rồi thì thấy không gì lạ
Mù tỏa non Lô sóng Triết Giang »
Rồi nói:
– Rời vọng niệm, rời lý niệm, rời hoài niệm, rời hư niệm… thì Niết Bàn tự dưng hiển lộ, chẳng cần phải tìm kiếm gì. Con có thấy gì không con?
Bất Đạt có vẻ suy nghĩ, trầm ngâm rồi phát biểu:
– Hôm nay con học được nhiều điều nhưng cái thấy rốt ráo thì mù tịt Thầy ạ! Nhưng chắc chắn sự giác ngộ phải là cái gì « bùng vỡ ghê gớm »: cái « mặt trời, mặt trăng va chạm nhau », cái « đảo lộn càn khôn », cái « linh kiến nhiệm mầu », cái « tuyệt đối vô phân biệt », cái « phùng Phật sát Phật », cái « vô vị chân nhân », cái « thể nhập bản thể »…
Nhà Sư khoát tay:
– Thôi đủ rồi con! Đừng bắt chước người ta mà nói huyên thuyên « thiên trời địa đất » như vậy. Con chưa thật hiểu những ngôn ngữ con dao hai lưỡi ấy đâu. Đấy là cách diễn đạt sau này của một số sách thiền luận, học giả, các nhà thơ, nhà văn cùng những người sính văn chương chữ nghĩa. Nếu không thấy thực, sống thực thì chúng chỉ thuần là ý niệm, dễ đưa đến những vọng tưởng sai lầm, tạo nên những sở tri chướng cả thôi!
Nói ngang đây, Nhà Sư đi về cốc lá, nghĩ thầm:
– Ôi! Khó nói thay là giáo pháp tối thượng! Những sở cầu, sở đắc đã đẩy chúng sanh đi quá xa. Có kẻ đi đến những xứ sở có đủ bảy báu, ngựa xe, đền đài, võng lọng; ở đấy thỏa mãn được những dục vọng truyền kiếp. Tâm tưởng của chúng như thế nào thì cảnh giới của chúng sẽ như thế. Làm sao ta có thể nói với chúng rằng, chân lý là « cái bây giờ » đây? Bây giờ đây với nước chảy mây trôi, với đông khứ xuân lai; đói thì ăn, khát thì uống; bây giờ đây với nóng lạnh, với hít thở, với đi đứng nằm ngồi; bây giờ đây với lá vàng, lá xanh, cỏ, hoa, trời, mây, cây, đá? Là trọn vẹn sự sống đang diễn tiến, đang vận hành, luôn luôn phong phú, sống động và mới lạ trong từng phút giây? Ôi! Chúng có thể hiểu, có thể biết nhưng « thấy » thì khó khăn làm sao?!
*
Dùng ngọ xong, nghỉ ngơi một lát, hai thầy trò thu xếp vật dụng vào gùi và xách rồi lên ngồi chơi trên tảng đá khổng lồ, cao và to như hòn núi nhỏ. Từ đây có thể nhìn suốt cả vùng sơn thượng, nhìn thấy biển và mây hòa thành một màu ở chân trời, nhìn thấy Huyền Không Sơn Trung chỉ bằng cái hộp quẹt.
– Con ạ! Nhà Sư nói – Đây là Không Động, cũng gọi là Huyền Không Sơn Thượng. Như con hiểu, Sư Bá, chư Sư Thúc và Thầy đã chọn nơi đây là chỗ ẩn tu thiền định và thiền quán. Nếu có thể được, sau này, Không Động sẽ biến thành Rừng Thiền, dành cho những ai lựa chọn pháp hành làm lẽ sống cho đời mình. Họ có thể ẩn tu suốt đời và cũng có thể xin ở năm, bảy năm tùy theo sở thích và hạnh nguyện.
Một ngôi chùa như Huyền Không Sơn Trung của chúng ta, dầu cho ở núi cao vẫn không yên tĩnh. Một ngôi chùa với những sinh hoạt đa dạng của nó làm cho vị trụ trì cũng như chư sư, giới tử phải bận rộn luôn khi: xây dựng, trùng tu, cái ăn, cái mặc, học hành, kinh kệ, giao tiếp với xã hội, cầu an, cầu siêu, trồng cây, làm vườn, hộ khẩu, giấy tờ, đất đai… Đến một lúc nào đó, những sinh hoạt ấy trở nên gánh nặng, thành sự buộc ràng, thành một bản ngã, một chấp thủ không rời. Sư Bá, chư Sư Thúc và Thầy đã tiên tri điều ấy nên đã lập thêm Sơn Thượng này. Sơn Thượng không phải là một ngôi chùa với những sinh hoạt lăng xăng kia. Nó là Rừng Thiền, đây chỉ có việc hành thiền, sống thiền thôi, không làm gì khác, không tiếp xúc với ai…
Bất Đạt nói:
– Đây như là tu « thể nhập » và dưới kia là tu « tiếp hiện ». Đây là thể và dưới kia là tướng dụng phải không hở Thầy?
Nhà Sư cười cười đáp:
– Ừ! Con đọc trong sách và người ta có nói như thế. Con hiện ở Huyền Không Sơn Trung nên phải làm tất cả mọi việc, phải học nội điển và cả ngoại điển. Xã hội ngày càng văn minh tiến bộ, cũng có nghĩa là con người ngày càng đầy đặc sở tri, đầy đặc kiến thức. Một tu sĩ muốn sống giữa cuộc đời, muốn đem đạo vào đời không thể là người chỉ biết đọc, biết viết hoặc chỉ biết thuần về kinh điển, mà phải trang bị cho mình những kiến thức phổ thông khác. Sự dốt nát, thất học là một hiểm họa, một đại nạn cho giáo pháp, con có biết thế không? Nếu không có khả năng học hỏi do tuổi lớn, do trí kém thì tu sĩ phải biết rúi lui; tìm những chỗ như « Không Động » này để chuyên tu pháp hành, thì thật là hạnh phúc thay cho giáo pháp, cho tứ chúng. Giáo pháp còn không phải là do chùa chiền nguy nga đồ sộ, do tăng chúng đông đúc, do những sinh hoạt lăng xăng rầm rộ hướng đến từ thiện xã hội, mà chính là do những tu sĩ có tu, có chứng, có giác ngộ, có giải thoát. Một tu sĩ có tu, có chứng, có giác ngộ, có giải thoát lợi ích cho Đạo nhiều lắm con biết không? Mặt nổi, mặt chìm luôn hỗ trợ nhau, nâng đỡ nhau, thiếu một trong hai là không được. Tuy nhiên, bề chìm của tảng băng bao giờ khối lượng cũng lớn hơn bề nổi của tảng băng, con nên biết như thế! Tiếc thay!
Thấy Nhà Sư định nói gì nhưng có vẻ ngập ngừng, Bất Đạt xen lời:
– Có phải Thầy muốn nói, tiếc thay Phật giáo khắp nơi người ta cổ súy, vận động tuyên truyền cho mặt nổi mà quên mặt chìm?
Nhà Sư trầm ngâm. Bất Đạt tiếp:
– Và người ta cứ muốn nhảy xuống sông mà cứu người trong khi họ chưa biết bơi? Người ta chạy theo phương tiện, phát triển vô lượng chiêu thức biến ảo mà bỏ quên mục đích giác ngộ, rèn luyện công phu nội lực?
Nhà Sư gật đầu nhè nhẹ:
– Đúng vậy! Nội lực rất quan trọng. Ở Cam-pu-chia, Phật giáo quốc nạn, hàng trăm ngàn tu sĩ tiêu vong, hàng ngàn ngôi chùa bị đập phá, thế nhưng, sau đó, Phật giáo được phục hưng một cách nhanh chóng, con có biết tại sao không?
– Dạ, con chưa nghe.
– Do nhờ hai vị sư già trốn vào rừng sâu, có tâm tu bất thối, trở về và xây dựng lại tất cả từ đống tro tàn.
– Con đã hiểu.
– Rừng Thiền trong mai hậu là nơi để tu tập thiền định, thiền quán. Thiền định, thiền quán chính là hàm dưỡng nội lực, bản lãnh. Thứ nhất là dành cho những người lớn tuổi. Thứ hai là để dành cho các con sau thời gian học tập ở Sơn Trung. Có người sẽ ở đây trọn đời. Có người chỉ ở đây một thời gian trước khi xuống núi theo con đường hạnh nguyện. Họ có thể học thêm trong nước hoặc ngoài nước để lấy bằng cử nhân, tiến sĩ; cũng có thể họ chọn lựa đi vào các bộ môn nghệ thuật như văn, thơ, hội họa, điêu khắc; dịch thuật, báo chí, in ấn, thư viện; cũng có thể họ làm giảng sư, pháp sư, làm công việc từ thiện xã hội, bác sĩ Đông, Tây y.v..v… và mọi sinh hoạt lăng xăng này được gọi là Huyền Không Sơn Hạ đó con à!
Bất Đạt gật đầu:
– Dạ, con đã hiểu.
– Thầy nhận nhiệm vụ của chư Tăng huynh đệ lên xây dựng Không Động, ngoài mục đích bồi dưỡng nội lực, bản lãnh, còn có ý định trồng cây ăn trái khắp cả mấy khu rừng này. Về sau, bất cứ ai hiểu được tinh thần Huyền Không hoặc chấp nhận tu tập theo thiền phái Huyền Không, đều có thể lên đây ở tu mà không cần lo gì vật thực. Đây là khu rừng cấm, không giao tiếp với thập phương, không xã giao, ngoại giao với ai hết!
– Vậy tứ sự thì phải làm sao thưa Thầy?
– Con đừng lo điều đó. Có tu là có phước báu, có tứ sự đầy đủ thôi.
– Làm sao mà có được? Ai biết mà có?
– Cũng có thể như vậy lắm, nhưng cả mấy rừng cây trái, khỉ vượn sống được thì ta sống được!
– Còn y áo?
– Có lá cây, vỏ cây, sợ gì!
Bất Đạt ngước mắt lên, mơ màng:
– Đôi khi như vậy mà dễ sống an lạc, thanh tịnh, Thầy à!
Nhà Sư cười:
– Thầy nói vậy chỉ để xem ý tứ của con, chứ thật ra không đến nỗi nào đâu, chư Thiên họ sẽ lo điều ấy.
Bất Đạt cất giọng buồn buồn:
– Thế nhưng, hôm nay mình lại phải từ giã cái Không Động này rồi. Cái « mộng » của Thầy thế là « không thành »!
Nhà Sư nói:
– Không thành thì biết nó không thành chứ sao! Chưa đủ duyên thì nhân sao thành quả được? Trong ta nếu có « Không Động » thì lo gì sau này không có một cái Không Động khác hở con? Và biết đâu nó sẽ lớn lao hơn, kỳ vĩ hơn, đẹp đẽ hơn?
*
Về đến Sơn Trung thì trời đã chạng vạng tối, Nhà Sư nói với Bất Đạt:
– Con ạ! « Bất Đạt » chính là ra đi ngàn đời giữa lòng thế gian với tâm mát mẻ, vắng lặng, bao dung mà không cần bất kỳ một thành tựu, một đáp đền vị kỷ nào. Lại nữa, đường lên Sơn Thượng dẫu khó khăn gian khổ, nhưng nó chưa nghĩa lý gì so với đường đời đầy chông gai, vực thẳm, cạm bẫy ở trước mặt! Mai này, từ bỏ « Không Động » kia, nghĩa là từ bỏ « Không » để về « Huyền »; con luôn luôn lấy « dương » làm chủ « âm », lấy nội lực làm căn bản cho chiêu thức sở y; chắc chắn con sẽ đi thông suốt được con đường của mình một cách tự tin, nhẹ nhàng và an ổn. Điều sau chót, mục đích ở « cuối con đường » nó chỉ có giá trị ước lệ, đến đấy rồi thì không-thời-gian không còn nữa, Diệt Đế ở trong Đạo Đế, Đạo Đế ở trong Diệt Đế, không hai, không khác!
Bất Đạt suy tư, Nhà Sư nghĩ thầm: « Chưa thể nói cho nó hiểu rằng, Đạo Đế và Diệt Đế ấy là một, không phải cái-một-cô-lập, ngưng đọng; mà là cái-một-hằng-diễn, sinh động, đầy đủ nơi mỗi bước chân, nơi mỗi cảm thọ, nơi mỗi hơi thở! »
Huyền Không – Hải Vân
Lăng Cô – 1978
-ooOoo-