Thời gian đó Nhà Sư đi vắng, giao cho Bất Ác nghiên cứu một đoạn kinh, còn Liễu Minh và Bất Đạt thì được tùy nghi thu xếp giờ giấc lao tác, học hành và thiền định.
Bất Ác chú tâm suy nghĩ đoạn kinh sau đây:
– Một thuở nọ tại Xá-Vệ (Sàvatthi) có một thiện nam tử sau khi nghe Bậc Mười Lực thuyết pháp, với hỷ tâm, với tín tâm xin được xuất gia. Vị A-xà-lê sư dạy về giới: « Này hiền giả! Đây là một giới, đây là hai giới,… đây là năm giới, đây là tám giới,… đây là nhiều loại giới, đây là trung giới, đây là đại giới. Đây là giới hộ trì giới bổn, đây là giới hộ trì các căn, đây là giới thanh tịnh mạng, đây là giới sử dụng các vật dụng.v..v… »
Trong khi nghe về giới như vậy, vị tân tỳ kheo suy nghĩ: « Ôi! Giới này thật quá nhiều, ta không thể giữ trọn. Thôi thì ta hãy trở lại sống đời làm gia chủ, làm các công đức như bố thí… và nuôi dưỡng vợ con. » Nghĩ thế xong, vị ấy thưa: « Thưa Tôn giả, với chừng ấy giới, con không thể giữ trọn được thì xuất gia có ích gì? Con sẽ hoàn tục. Vậy xin Tôn giả hãy lấy lại Y Bát của con. »
Chuyện đến tai Đức Phật, Ngài cho gọi vị A-xà-lê sư đến rồi la rầy như sau: « Sao ông lại nói quá nhiều giới đến cho tân tỳ kheo này? Bao nhiêu giới ông ta có thể giữ được, thì nói ra từng ấy giới mà thôi. Bắt đầu từ nay hãy tùy theo người mà hướng dẫn. Thôi, ông hãy đi đi! Ở đây Như Lai biết là Như Lai sẽ nói những gì. » Rồi Bậc Đạo Sư kêu vị tân tỳ kheo ấy đến, nói rằng: « Không cần nhớ đến nhiều giới như vậy, Ông có thể giữ được ba giới không? » Vị tỳ kheo ấy hoan hỷ: « Ba giới thì chắc chắn con giữ được, bạch Đức Thế Tôn! » « Vậy thì bắt đầu từ đây, ông khá giữ gìn ba cửa: cửa về thân, về lời, về ý. Hãy đi và thực hành theo như vậy, chớ có hoàn tục. Hãy tinh tấn giữ ba giới ấy. » Vị tỳ kheo y lời, chỉ một thời gian ngắn, với sự giữ gìn nghiêm túc và cẩn trọng ba giới về thân, khẩu và ý, vị ấy phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. »
Đọc xong đoạn kinh nêu trên, Bất Ác tán thán:
– Thật vi diệu thay là Đấng Mười Lực! Thật thù thắng thay là Bậc Vô Thượng Pháp Vương. Ngài đã thiện xảo phương tiện giáo giới, biết cách nói rõ ràng và dễ hiểu cho người thiểu trí hành trì. Như vậy, chỉ cần hộ trì ba cửa thân, khẩu, ý một cách tinh cần là có thể hoàn thành mục đích rốt ráo của sa môn hạnh.
Bất Ác vắt tay qua trán, suy nghĩ: « Muốn thân đừng ác thì hãy yên lặng cái thân, muốn lời đừng ác thì hãy yên lặng cái khẩu, muốn ý đừng ác thì hãy yên lặng cái ý. Có một pháp môn nào, chỉ một pháp môn duy nhất thôi, từ đó ta thọ trì, phụng hành mà cả thảy ba cửa đều yên lặng? »
Tư duy một hồi dường như đã tìm ra kế sách, Bất Ác cảm thấy hân hoan, hỷ lạc, chú bèn thưa với Liễu Minh và Bất Đạt:
– Bắt đầu từ hôm nay em sẽ tịnh cốc để phát triển « thiền quán« . Vậy hai chú chỉ cho em dùng chút gì đó vào buổi trưa mà thôi.
Nói xong, Bất Ác đóng cửa phòng lại.
Liễu Minh và Bất Đạt ngạc nhiên về biến cố đột ngột đó, nhưng quen tôn trọng nhau nên không hỏi han làm gì.
Và ba ngày như thế qua đi.
Ngày thứ tư, Nhà Sư trở về, hỏi Bất Ác đâu thì hai chú kia trình bày lại tự sự. Nhà Sư khẽ cau mày nghĩ ngợi một chút.
Buổi trưa nghe « bảng » đánh ngọ, Bất Ác bước ra với đôi mắt hum húp, dáng dấp như còn say ngủ. Nhà Sư bảo Bất Ác đi rửa mặt cho tỉnh táo, trong mắt Nhà Sư như lấp láy nụ cười.
Đến chiều, giờ học đạo thường lệ, trường hợp Bất Ác được mang ra cho các chú thảo luận.
Nhà Sư nói chuyện với Bất Ác:
– Thầy đoán rằng, là khi nghiên cứu đoạn kinh nói về vị tỳ kheo chỉ thọ trì ba giới: Đừng làm ác về thân, về lời, về ý – rồi con tự nghĩ ra Pháp môn « đắp chăn nằm ngủ » phải không?
– Dạ… – Bất Ác dã dượi đáp – bạch Thầy, khi ngủ như vậy thì ba nghiệp đều yên lặng. Có ác nào mà khởi lên được khi thân không làm gì, khi khẩu không làm gì, khi ý không làm gì? Con trọ trì, phụng hành như vậy là không chơn chánh chăng? Là thiểu tuệ chăng?
Bất Đạt phì cười:
– Chẳng phải là phi chơn, phi chánh mà là đại chơn, đại chánh! Chẳng phải là thiểu tuệ, liệt tuệ mà là đại tuệ, tối thắng tuệ nữa đấy!
Nhà Sư trừng mắt nhìn Bất Đạt, rồi nói:
– Các con hãy cùng nhau thảo luận thử xem. Đó là một đề tài hay. Ta sẽ rút ra được bài học quý báu liên hệ đến hạnh và tuệ của một sa môn.
Liễu Minh đứng dậy, vòng tay:
– Bạch Thầy, con có đọc trong Trung bộ kinh, thấy Đức Phật có dạy với nội dung như sau: « Nếu hành trì hạnh, giới, tâm, uy nghi như chó thì sẽ cọng trú với loài chó. Nếu hành trì hạnh, giới, tâm, uy nghi như bò thì sẽ cộng trú với loài bò. Do đó, nằm hoài như rắn thì sẽ thành rắn, ngồi hoài như cóc sẽ thành cóc, ăn và ngủ như heo thì sẽ thành heo! » Vậy, giới, hạnh, tâm, uy nghi tương ứng với giống nào thì kết quả sẽ cọng trú với loài giống ấy, không thể là khác hơn.
Lại nữa, nếu ngủ một giấc dài đến mấy kiếp quả địa cầu như Chư Thiên Vô Tưởng hữu tình, chỉ tồn tại dạng thân xác với sắc pháp tế vi như gỗ đá vô tri, nhưng khi hết năng lực của thiền định thì cũng phải đi theo nghiệp trước đó của mình.
Bạch Thầy! Như vậy, pháp môn « đắp chăn nằm ngủ » của chú Bất Ác sai lầm trầm trọng rồi.
Bất Đạt cũng cất giọng nghiêm trang:
– Con xin được góp ý kiến hầu bổ sung thêm, bằng sự dẫn chứng kinh điển một cách cụ thể, đi thẳng vào trung tâm của vấn đề. Trong Kinh bộ, thuyết về một người du sĩ ngoại đạo chủ trương rằng: « Có bốn pháp: không làm ác về thân, không làm ác về lời, không làm ác về ý và không ác mạng. Người nào thành tựu bốn pháp ấy, sẽ được thiện cụ túc, thiện tối thắng, là sa môn thành đạt tối thượng vô năng thắng. »
Chuyện đến tai Đức Thế Tôn, Ngài đã đưa ra ví dụ dí dỏm với nụ cười của kẻ trí như sau: « Vậy thì một đứa trẻ vô trí, còn nằm ngửa trong nôi, nó không làm ác về thân, về lời, về ý và không ác mạng; thì ra nó cũng thành tựu thiện cụ túc, thiện tối thắng, là bậc sa môn thành đạt tối thượng vô năng thắng hay sao? »
Nói xong, Bất Đạt ngồi xuống với nụ cười « ruồi », nháy nháy mắt với Bất Ác.
Nhà Sư nhìn Bất Ác một hồi lâu:
– Thấy chưa con? Thành tựu bốn pháp thiện về thân, thiện về lời, thiện về ý và không ác mạng – cũng chỉ giống như đứa trẻ nít vô trí nằm ngửa trong nôi thôi. Huống hồ con đắp chăn nằm ngủ thì chẳng biết sẽ ra cái giống gì!
– Dạ, phải rồi! Bất Ác cúi đầu đáp nhỏ – con quả thật là vô trí, ngu si. Giữ giới cái kiểu của con còn hơn phỉ báng Phật nữa.
Nhà Sư nhìn cả ba chú, mỉm cười nói:
– Tại sao một đoạn kinh Đức Phật nói chỉ cần giữ ba cửa thân, khẩu, ý, mà đoạn kinh sau, Đức Phật lại xem đấy chẳng khác nào đứa trẻ nít vô trí còn nằm ngửa trong nôi?
Bất Đạt thưa:
– Con nhớ nguyên văn đoạn kinh ấy như sau: « Một thời gian sau, nhờ giữ gìn cẩn trọng, nghiêm túc ba cửa thân khẩu ý, vị tỳ kheo phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán » Như vậy, bạch Thầy, giữ giới là để đưa đến tâm yên lặng, nhờ tâm yên lặng, vị ấy phát triển thiền quán mới chứng được đạo quả A-la-hán.
Nhà Sư quay sang Liễu Minh cố ý hỏi ý kiến của chú. Liễu Minh nói:
– Con cũng hoàn toàn đồng ý như thế. Giới chưa phải là cứu cánh của sa môn hạnh, chính Tuệ giải thoát mới là mục đích rốt ráo. Bạch Thầy, ví như kinh « Trạm xe » là rõ nhất: Giới là trạm xe thứ nhất, Tâm thanh tịnh là trạm xe thứ hai, Kiến thanh tịnh là thứ ba, Đoạn nghi là thứ tư, Đạo phi đạo tri kiến là thứ năm, Đạo tri kiến là thứ sáu, Tri kiến thanh tịnh là thứ bảy. Từ trạm xe thứ bảy này mới bước qua được « Vô thủ trước Bát Niết Bàn ».
Nhà Sư gật đầu:
– Như vậy, ý kinh các con đều hiểu rõ cả. Nhưng phàm sự học đạo không phải chỉ ở nơi ngôn ngữ, kinh điển, từ chương, ở nơi sở tri mà chính là ở nơi cái thật, sự thật (chân lý), cái cụ thể, cái hiện tiền phong phú, mới mẻ, sinh động… Thầy chỉ muốn các con đưa ra ví dụ cụ thể « có da, có thịt » kìa?
Cả ba chú nhìn nhau ngơ ngác.
Nhà Sư gợi ý:
– Khi mắt nhìn thấy sắc, tai nghe âm thanh.v.v… cái ấy có phải là cái thật không?
Liễu Minh đáp:
– Vâng, chỉ có cái đó là thật, là sự thật luôn luôn trôi chảy, dịch biến.
Bất Đạt nói:
– Chưa chắc. Mắt nhặm, tai điếc thì sao? Mắt mờ, tai nghễnh ngãng thì sao?
Liễu Minh nhìn chú Bất Đạt.
– Mắt nhặm, tai điếc thì thấy và nghe Cái Sự Thật của mắt nhặm, tai điếc. Mắt mờ, tai nghễnh ngãng thì thấy và nghe Cái Sự Thật kiểu mắt mờ, tai nghễnh ngãng. Cái nào cũng sự thật cả chú à! Có điều đừng lấy Cái Sự Thật này mà cãi lại với Sự Thật kia!
Bất Ác về phe với chú Liễu Minh :
– Đúng vậy! Nói vậy là chết lý!
Bất Đạt trừng mắt:
– « Chết lý », nhưng vẫn là « cái lý », thưa chú em! Thầy bảo là phải có da, có thịt kìa! Có da, có thịt nghĩa là cái « Sự » kìa! Cái mà từ đó ta « hạ thủ công phu« , tu như thế nào kìa?
Liễu Minh đáp:
– Cái này thì chú nói đúng. Vậy thì chú tu làm sao?
Bất Đạt nói:
– Tôi chưa nói cách tu của tôi. Có nhiều người sau khi thấy « lý » như vậy rồi họ bèn « nhốt bò vào chuồng », không cho ăn lúa mạ của người nữa. Họ bảo đấy là cách làm tiêu hoại hạt giống cũ.
– Cũng đúng. Nhưng mà cho dẫu « nhốt bò vào chuồng » đến cỡ tứ thiền, bát định thì đến khi thả bò ra, bò đói quá lâu ngày, nó lại ăn lúa mạ mạnh và khỏe hơn trước nữa.
Bất Ác vỗ tay:
– Đúng thế, em đọc trong kinh, thấy rất nhiều kiếp, Đại Bồ Tát của chúng ta, đắc tứ thiền, bát định, có thần thông mà vẫn còn bị dục tâm lôi cuốn! Còn nữa, đệ tử của Ngài Ca Diếp, đắc tứ thiền, nhưng khi phiền não khởi lên, phải hoàn tục, lấy vợ sinh con, nghèo đói quá đi trộm cắp, bị bắt, bị dẫn ra pháp trường xử chém! Vậy cái kiểu tu như chú Bất Đạt nghe ra không ổn rồi.
Bất Đạt bất giác phì cười:
– Đừng vu oan chú em! Tôi không có tu theo kiểu ấy. Tôi nói là nói người ta tu như thế.
– Vậy thì chú tu làm sao? Bất Ác hỏi:
– Tôi ấy à? Tôi tu tôi chẳng dại gì lấy đá dằn cỏ mà cũng chẳng dại gì thả bò chạy rông. « Không mở, không đóng » là cách tu của tôi vậy.
Liễu Minh suy nghĩ giây lâu, rồi quay sang Nhà Sư :
– Bạch Thầy! Dường như chú Bất Đạt nói đúng, mà con không rõ là đúng ở đâu, tại sao lại đúng…?
Nhà Sư mỉm cười nhìn cả ba chú:
– Các con cứ loay hoay, tìm không ra, vì các con cứ đi tới đi lui nơi chỗ Giới và Định. Muốn giải quyết tận căn thì phải có Tuệ chứ? Tuệ mới nhổ hết được phiền não chứ?
Cả ba chú bây giờ mới chợt nhớ ra, thừ người lại. Nhà Sư nói tiếp:
– Thầy sẽ nói lại một đoạn kinh ở trong tiểu bộ kinh để các con suy gẫm, may ra có ánh sáng nào về cái Tuệ đó không! Này nhé! Đức Phật dạy cho Bàhiya như sau: « Này Bàhiya! đây là điều ngươi cần phải học tập: trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ, tưởng chỉ là cái thọ, tưởng, trong cái thức, tri chỉ là cái thức, tri! Do vậy, này Bàhiya, ngươi đâu phải là cái ấy, là chỗ ấy, thì ngươi không còn là đời này, không còn là đời sau, không còn là đời chặng giữa… »
Nói đến ngang đây, thấy ba chú rất chăm chú, Nhà Sư tiếp tục:
– Và kẻ như vậy sẽ được Đức Phật gọi là: « Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành… là kẻ mà Ma Vương không còn tìm thấy dấu vết, ngay hiện tiền này, ngay tại chỗ này! »
Cả ba chú ngồi tịnh mặc như nhập đại định.
Trời đã về chiều, nắng vàng trong, tất cả xung quanh dường như đều muốn đi vào đại định!
Huyền Không – Nham Biều
Hương Hồ
1979
-ooOoo-