KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO

KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO
Chương IV: Thắng Hạnh Của 10 Nghiệp Lành

Hòa Thượng Thích Trí Thủ
Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Thủ

LỤC ĐỘ

A. Bố-thí độ

Bấy giờ, đức Thế-Tôn lại bảo Long-Vương rằng: Nếu có Bồ-tát y thiện-nghiệp ấy, trong khi tu đạo, lìa nghiệp giết hại mà hành bố-thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, trường-thọ không yểu, chẳng bị tất cả oan tặc làm hại. Lìa nghiệp chẳng cho mà lấy, thiệt hành bố-thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, không ai sánh kịp, đều hay nhóm họp kho báu Phật-pháp. Lìa lỗi tà-hành mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt; trong nhà trinh thuận, mẹ và vợ con, không ai đem lòng dục mà xâm phạm. Lìa lời nói dối mà làm bố-thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt, không khởi các hủy báng, thâu giữ Chánh pháp, như lời thệ nguyện, chỗ làm thỏa mãn. Lìa lời nói chia rẽ (hai lưỡi) mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, quyến thuộc hòa thuận đồng vui một chí, thường không trái chống. Lìa lời nói thô dữ mà làm bố thí, thường giàu của báu không ai xâm chiếm, tất cả chúng hội, hoan hỷ quy-y, nói ra đều được tín thọ, không ai trái nghịch. Lìa lời nói vô nghĩa (ỷ ngữ) mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm chiếm, nói chẳng uổng lời, người đều kính chịu, hay dùng phương tiện, khéo dứt các ngờ vực. Lìa lòng tham cầu mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, có được vật gì đều đem ban cấp, tín giải kiên cố, đủ oai lực lớn. Bỏ lòng giận hờn mà làm bố-thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt. Mau tự thành tựu, tâm trí vô ngại, các căn tốt đẹp, người thấy kính ưa. Xa lìa lòng tà đạo mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt, thường sanh vào nhà kính tín Chánh-pháp, thấy Phật, nghe pháp, cúng dường Chúng Tăng, thường chẳng quên mất lòng Đại Bồ-Đề. Ấy là bậc đại-sĩ trong khi tu Bồ-Tát đạo, làm 10 nghiệp lành, dùng bố-thí trang nghiêm mà được lợi lớn.

B. Lược nói về 5 độ

Như vậy Long-vương; Tóm lại mà nói: từ 10 thiện đạo dùng trì giới trang nghiêm hay sanh tất cả nghĩa lợi của Phật-pháp, đầy đủ nguyện lớn. Dùng nhẫn-nhục trang nghiêm, được viên-âm của Phật, đủ các tướng tốt. Dùng tinh-tấn trang nghiêm hay phá ma oán, vào Pháp-tạng của Phật. Dùng thiền-định trang nghiêm hay sanh niệm huệ, tàm quý, khinh an. Dùng trí huệ, trang nghiêm hay dứt tất cả phân biệt vọng kiến.

2. CÁC HẠNH KHÁC

A. Tứ vô lượng tâm.

Lòng từ trang nghiêm, đối với chúng sanh; không khởi não hại. Lòng bi trang nghiêm, thương các chúng sanh, thường không chán bỏ. Lòng hỷ trang-nghiêm thấy người tu thiện, lòng không ganh ghét. Lòng xả trang nghiêm, đối cảnh thuận nghịch, lòng không thương giận.

B. Bốn nhiếp pháp

Bốn nhiếp pháp trang nghiêm thường siêng nhiếp hóa tất cả chúng sanh.

C. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo bồ-đề

Niệm xứ trang nghiêm khéo tu tập bốn quán niệm xứ. Chánh cần trang-nghiêm hay dứt trừ tất cả các pháp bất thiện, thành tất cả pháp thiện. Thần túc trang nghiêm thường khiến thân tâm nhẹ nhàng vui vẻ. Năm căn trang nghiêm, thâm tín kiên cố, siêng năng không biếng nhác, thường không mê vọng, vắng lặng điều hòa, dứt các phiền não. Năm lực trang nghiêm, các oán đều diệt, không gì phá hoại. Giác-chi trang nghiêm, thường khéo giác ngộ tất cả các pháp. Chánh-đạo trang nghiêm được trí huệ chánh, thường hiện ở trước. Chỉ trang nghiêm, dứt sạch tất cả kiết sử. Quán trang-nghiêm, như thật biết tự tánh các pháp. Phương tiện trang nghiêm, chóng được thành tựu, đầy vui vô biên.

3. NÓI RỘNG THÊM

Long-Vương nên biết, 10 nghiệp thiện nầy, hay làm cho thập lực, tứ vô úy, 18 pháp bất cọng, tất cả Phật pháp, đều được viên mãn; vậy nay các người phải siêng tu học.

http://quangduc.com/file_chinh/view_detail.php?ID=4924&bk_id=464&kind=kinh_hantang

Les commentaires sont fermés.