http://www.dharmasite.net/PhatToDaoAnh_BoTatLongTho_14.htm
Tổ thứ mười bốn: BỒ-TÁT LONG THỌ (Nagarjuna)
Tôn giả, Tây Thiên Trúc quốc nhân. Nhân Thập tam tổ hành hóa chí bỉ, Long Thọ xuất nghênh viết: “Thâm sơn cô tịch, long mãng sở cư; đại đức chí tôn, hà uổng thần túc?” Tổ viết: “Ngô phi chí tôn, lai phỏng hiền giả.” Long Thọ mặc niệm, Tổ tri kỳ ý. Long Thọ hối tạ, Tổ tức dữ độ thoát, cập ngũ bách long chúng câu, thọ cụ giới, phó dĩ đại pháp. Đắc pháp dĩ, hànhhóa chí Nam Ấn Độ. Bỉ quốc chi nhân đa tín phúc nghiệp, Tổ vị thuyết Phật tánh nghĩa, chúng văn, tất hồi sơ tâm. Phục ư tọa, hiện thân như mãn nguyệt luân. Chúng trung hữu Ca-na-đề-bà viết: “Thử thị Tôn giả, hiện Phật tánh thể tướng, dĩ thị ngã đẳng.” Hậu phó Pháp ư Ca-na-đề-bà dĩ, nhập nguyệt luân tam muội, quảng hiện thần biến, ngưng nhiên thị tịch.
Dịch :
Bồ- tát Long Thọ người Tây Thiên Trúc, nhân khi Tổ thứ mười ba (Ca-tỳ-ma-la) đến đây hoằng hóa, Ngài đến nghinh tiếp và thưa:
– Nơi núi sâu vắng vẻ, là chỗ hang động của rồng rắn, đại đức là bậc chí tôn, vậy chẳng là uổng công thần túc của Ngài sao? Tổ bảo:
– Ta chẳng phải chí tôn, ta đến là để thăm hỏi hiền giả.
Ngài Long Thọ nghĩ thầm (trong lòng). Tổ biết Ngài nghĩ gì. Ngài xin sám hối tạ tội. Tổ liền cho Ngài cùng năm trăm đồ chúng xuất gia, truyền giới cụ túc và truyền đại pháp cho Ngài. Sau khi đắc pháp Ngài liền du hóa đến Nam Ấn Độ. Dân chúng ở đây phần nhiều đều tin phước nghiệp, nên Ngài dạy về nghĩa Phật tánh, nghe xong họ đều tin theo. Thế rồi, Ngài trở lại ngay tòa hiện thân như trăng tròn. Bấy giờ, trong chúng có Ca-na-đề-bà nói: ‘Ngài hiện thể tướng của Phật tánh để chỉ dạy chúng ta’.
Về sau, Ngài phó pháp cho tôn giả Ca-na-đề-bà (Kanadeva) rồi nhập tam-muội Nguyệt luân, hiện nhiều thứ thần biến rồi an nhiên thị tịch.
Tán viết :
Phật tánh chi nghĩa
Phi hữu vô tướng
Hiện tam muội luân
San hô nguyệt thượng
Thị khắc gia nhi
Bất lạc thú hướng
Yết khước song my
Nhất chùy lưỡng đương[1]
Dịch :
Nghĩa của Phật tánh
Chẳng tướng có, không
Hiện trăng tam-muội
Vầng trăng san hô
Đúng nếp gia phong
Không lọt thứ bậc[2]
Đôi mày vừa nhướng
Một nhát trúng hai
Hoặc thuyết kệ viết :
Thiên Trúc thập tứ tổ truyền tâm
Long cung tầm bảo thủ đại kinh
Pháp giới vi thể vô biên tế
Hư không thị dụng hữu hà ngân
Bao la vạn vật hàm chúng diệu
Quyển tàng nhất mật huýnh căn trần
Hỏa trạch nguy hiểm hưu lưu luyến
Thế Tôn thọ hạ kiến minh tinh[3]
(Tuyên Hóa Thượng Nhân tác)
Dịch :
Tổ thứ mười bốn được truyền tâm
Long cung tìm báu được kinh thâm
Pháp giới là thể không ngằn mé
Hư không là dụng có chi tâm
Bao la vạn tượng nhiều vi diệu
Gồm thâu yếu chỉ thoát mê lầm
Nhà lửa hiểm nguy đừng lưu luyến
Phật tọa Bồ đề thấy sao mầu
(Tuyên Hóa Thượng Nhân)
Giảng:
Tôn giả, Tây Thiên Trúc quốc nhân: Vị Tôn giả này là Bồ-tát Long Thọ (chú 1), tức Tổ thứ mười bốn của Ấn Độ, người miền Tây Ấn.
Nhân Thập tam tổ hành hóa chí bỉ: Tổ thứ mười ba giáo hóa chúng sinh, đến nước Tây Thiên Trúc. Long Thọ xuất nghênh viết: “Thâm sơn cô tịch, long mãng sở cư; đại đức chí tôn, hà uổng thần túc?”: Tôn giả Long Thọ tu hành ở nơi này, nên ra nghênh tiếp Tổ và thưa: “Chỗ này non cao, núi thẳm, vô cùng vắng vẻ và trơ trọi, là hang ổ của loài rồng và mãng xà. Thưa Đại đức! Ngài là bậc cao thượng và tôn quý rất mực, vậy chẳng hay Ngài có đi lạc lối chăng ? Bước chân thần thánh (thần túc) của Ngài đến đây chẳng là hoài công ư?”. Chữ thần túc “神足” ở đây không có nghĩa là thần túc thông.
Tổ viết: “Ngô phi chí tôn, lai phỏng hiền giả.”: Tổ thứ mười ba nói: “Ta không phải là bậc tôn quý, ta đến đây để thăm hỏi người hiền đức.” Long Thọ mặc niệm: Mặc niệm tức là nói thầm trong lòng. Ngài Long thọ nói thầm, chẳng hạn như nói: “Ngài nói dối nhé! Ngài vốn là một vị Tổ sư, mà Ngài nói không phải là bậc chí tôn”. Tổ tri kỳ ý: Tổ thứ mười ba biết trong lòng Ngài nghĩ gì.
Long Thọ hối tạ: Bởi thấy Tổ biết hết những gì mình nghĩ trong lòng nên Bồ-tát Long Thọ xin Tổ cho Ngài được sám hối tạ tội, tự nhận sự lỗi lầm, đại khái như chúng ta thường nói bằng tiếng Anh câu “I am sorry! I am very stupid!” (Con xin lỗi! Con thực ngu xuẩn!)
Tổ tức dữ độ thoát, cập ngũ bách long chúng câu, thọ cụ giới, phó dĩ Đại Pháp: Tổ thứ mười ba độ cho Ngài, rồi độ luôn cả cho năm trăm con rồng, lâu nay theo Ngài tu đạo. Tất cả đều thọ giới Cụ túc và Tổ truyền pháp tâm ấn cho Ngài (chú 2). Đắc pháp dĩ, hành hóa chí Nam Ấn Độ: Sau khi đắc pháp, Bồ-tát Long Thọ du hóa đến Nam Ấn Độ. Bỉ quốc chi nhân đa tín phúc nghiệp: Con người nơi này, phần nhiều tu phước báo của trời người, không biết cầu học Phật pháp. Họ chỉ biết gieo phước, cầu phước. Tổ vị thuyết Phật tánh nghĩa: Tổ dạy họ về Phật tánh, về nghĩa của tự tánh, gồm đầy đủ vô lượng công đức và hết thảy mọi phước báu; chúng văn, tất hồi sơ tâm: Sau khi nghe xong, mọi người đều bỏ Tiểu thừa tu theo Đại thừa và hoàn toàn thay đổi tâm cầu phước trước kia của họ.
Phục ư tọa, hiện thân như mãn nguyệt luân: Ở trên tòa, Bồ-tát Long Thọ hiện thân như mặt trăng tròn, thân Ngài sáng như ánh sáng của mặt trăng.
Chúng trung hữu Ca-na-đề-bà viết: “Thử thị Tôn giả, hiện Phật tánh thể tướng, dĩ thị ngã đẳng.”: Lúc đó, trong đại chúng có Ca-na-đề-bà, về sau là Tổ thứ mười lăm, nói rằng: “Cảnh tượng này là do Tôn giả thị hiện, hiển bày thể và tướng của Phật tánh xưa nay, nhằm giáo hóa chúng ta”.
Hậu phó Pháp ư Ca-na-đề-bà dĩ, nhập Nguyệt luân tam muội, quảng hiện thần biến, ngưng nhiên thị tịch.: Về sau Bồ-tát Long Thọ truyền pháp cho Tổ thứ mười lăm- Ca-na-đề-bà, rồi nhập định Nguyệt luân, thị hiện thần thông, sau đó an nhiên thị tịch.
Bài tán:
Phật tánh chi nghĩa, Phi hữu vô tướng: Phật tánh chẳng phải có, chẳng phải không.
Hiện tam muội luân, San hô nguyệt thượng: Hiện tướng tam-muội như vầng mặt trăng, trông như mặt nguyệt bằng san hô vậy.
Thị khắc gia nhi, Bất lạc thú hướng: Đúng là một bậc trượng phu con nhà Phật, chẳng theo lối nào khác, cũng chẳng lạc vào thứ bậc nào.
Yết khước song my, Nhất chùy lưỡng đương: Đôi mày ấy đều không. Đánh một tiếng kiền chùy có hai âm thanh phát ra, vậy đánh thế nào nhỉ?
Bài kệ:
Thiên Trúc thập tứ tổ truyền tâm: Tổ thứ mười bốn là Bồ-tát Long Thọ, người Thiên Trúc được truyền tâm ấn.
Long cung tầm bảo thủ đại kinh: Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm của chúng ta chính là do Bồ-tát Long Thọ đến long cung trong biển lớn lấy đem về (chú 3).
Pháp giới vi thể vô biên tế: Bộ kinh lớn này lấy Pháp giới làm thể, không có giới hạn.
Hư không thị dụng hữu hà ngân: Lấy hư không làm dụng thì làm gì có vết tích? Dấu vết gì cũng không có!
Bao la vạn vật hàm chúng diệu: Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm này bao trùm cả vạn vật, nghĩa là chứa đựng tất cả mọi thứ, không có cái gì mà không nằm trong đó, chỗ nào cũng là diệu dụng.
Quyển tàng nhất mật huýnh căn trần: Thâu gọn lại, giấu kín tại một nơi nào bí mật, lúc đó chẳng còn sáu căn, chẳng có sáu trần, mà xa lìa tất cả!
Hỏa trạch nguy hiểm hưu lưu luyến: Ba cõi là dục giới, sắc giới, vô sắc giới là một nhà lửa, rất nguy hiểm, một khi mất thân người thì vạn kiếp khó được lại.
Thế Tôn thọ hạ kiến minh tinh: Lúc xưa, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngồi bên cội cây bồ-đề, quyết không đứng dậy, đêm thấy sao sáng mà ngộ đạo. Chúng ta nên biết, Đức Phật Thích-ca Mâu- ni tu hành khổ hạnh thế nào mới thành Phật. Vì vậy, chúng ta tu hành cần phải có chút tinh thần khổ hạnh, phải xả bỏ hết tất cả, đừng sợ khổ. Quý vị nếu không xả được cái tử, tức không đổi được cái sanh; không xả được cái giả, tức không thể thành tựu được cái chơn; không chịu được khổ thì không thể hưởng được phước.
(Tuyên Công Thượng Nhân giảng ngày 20, tháng2, năm1979)
———————————————-
Chú 1: Về nguồn gốc tên của Bồ-tát Long Thọ, trong Truyền Pháp Chánh Tông Ký có ghi như sau:
Bồ- tát Long Thọ người nước Tây Thiên Trúc, nhưng không rõ Ngài họ gì. Có thuyết nói: Ngài xuất thân từ dòng Phạm chí, rất thông minh, tài giỏi và trí tuệ siêu việt hơn người, chẳng phải là người bình thường. Lúc trẻ, Ngài đã thuộc bốn bộ kinh điển Vệ-đà, lớn lên lại giỏi về thiên văn, địa lý, lại thông hiểu nghệ thuật[4] của các dân tộc và biết những điều thần kỳ. Xưa, nước Ngài có ngọn núi cao tên là Long Thắng, giống rồng thường trú ngụ nơi này. Trên núi có nhiều cây lớn, các loài rồng thường ở dưới bóng cây. Đến khi Bồ-tát giác ngộ, muốn xuất gia, liền vào núi đó tu hành và ở bên. Về sau, khi đã thông hiểu nghĩa lý sâu xa của Tam tạng kinh điển, Ngài thuyết pháp cho loài rồng nghe, nên có hiệu là “Long Thọ”.
Chú 2: Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ mười ba phó chúc cho Tổ thứ mười bốn thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục ghi:
Phi ẩn phi hiển pháp
Thuyết thị chân thực tế
Ngộ thử ẩn hiển pháp
Phi ngu diệc phi trí[5]
Dịch:
Pháp chẳng ẩn chẳng hiện
Là bờ mé chân thật
Hiểu pháp ẩn hiện này
Chẳng ngu cũng chẳng trí
Chú 3: Sự tích Bồ-tát Long Thọ vào long cung lấy kinh, nay căn cứ vào Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện, lược thuật như sau:
……Bồ-tát Đại Long dùng thần lực dẫn Bồ-tát Long Thọ vào long cung trong biển lớn, mở hòm bảy báu, lấy kinh Phương Đẳng Đại Thừa thậm thâm vi diệu và vô lượng diệu pháp cất giữ trong long cung trao cho Bồ-tát Long Thọ. Trong chín mươi ngày ở long cung Bồ-tát Long Thọ thông hiểu rất nhiều. Ngài lại đi sâu vào kinh tạng, lãnh hội được ý nghĩa vi diệu, được lợi ích lớn và thọ dùng vô cùng.
Long vương biết tâm niệm của Ngài, hỏi: “Ngài đọc hết kinh chưa?” Bồ-tát Long Thọ đáp: “Kinh điển trong kho tàng vô lượng vô biên, tôi không thể xem hết được, nhưng những gì tôi đã đọc thì đã vượt quá gấp mười lần kinh điển có ở Diêm-phù-đề”.
Long vương lại nói: “Kinh điển Thích-đề-hoàn-nhân cất giữ trên trời Đao-lợi nhiều hơn long cung của ta gấp trăm ngàn vạn lần; kinh điển của ta cất giữ nhất định không thể so sánh với trên ấy”.
Sau khi tụng đọc những kinh điển này, Bồ-tát Long Thọ hoát nhiên thông suốt, hiểu rõ pháp nhất tướng, thông đạt thật tướng, thấu triệt vô sinh, đầy đủ sinh nhẫn và pháp nhẫn. Long vương biết Ngài đã ngộ đạo liền đưa Ngài rời khỏi long cung……
[1]佛性之義 非有無相 現三昧輪 珊瑚月上
是克家兒 不落趣向 揭卻雙眉 一鎚兩當
[2] Thứ bậc : Dịch từ ngữ giai thê (階梯). Hai từ ngữ giai thê và thú hướng (趣向) thường được dùng để chỉ các loại thiền của giáo môn, gồm nhiều thứ bậc như tứ thiền bát định chẳng hạn. Còn như Thiền tông, thì khác hẳn, không lọt vào thứ bậc, bởi đây là pháp môn minh tâm kiến tánh – ngộ bổn tâm, thấy bổn tánh – đặt trọng tâm vào sự khế ngộ, vào tri kiến, không còn một thứ bậc nào nữa.
[3]天竺十四祖傳心 龍宮尋寶取大經
法界為體無邊際 虛空是用有何痕,
包羅萬物含眾妙 捲藏一密迥根塵
火宅危險休留戀 世尊樹下見明星
[4] Nghệ thuật 藝術: như văn học, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, vũ đạo, hý kịch, điện ảnh, khúc nghệ…