NGHI THỨC TỤNG KINH KIM CANG
Gồm có:
Dùng Để: |
Án lam xoa ha (3 lần)
CHÚ TỊNH TAM NGHIỆP
Án ta phạ bà phạ,
truật đà ta phạ,
đạt mạ ta phạ,
bà phạ truật độ hám. (3 lần)
(Quì ngay thẳng, cầm 3 cây hương dâng ngang trán, chủ lễ niệm)
CÚNG HƯƠNG
Giới Hương, Định Hương, và Huệ Hương
Giải Thoát, Giải Thoát, Tri Kiến Hương
Sáng ngời, chiếu khắp mười phương.
Hiện Tiền Tam Bảo, Năm Hương cúng dường.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần, 1 tiếng chuông xá 1 xá)
CẦU NGUYỆN
Hôm nay, đệ tử chúng con,
phụng trì di giáo Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
trì tụng Kim Cang Kinh Chú, xưng tán Hồng Danh,
tu hành công đức, ngưỡng nguyện mười phương Tam Bảo,
từ bi gia hộ tên họ……………….
phiền não dứt sạch, nghiệp chướng tiêu trừ,
xa lìa khổ ách, thường được an lành,
vạn sự đắc thành như ý. (1 tiếng chuông, xá 1 xá)
KHEN NGỢI PHẬT
Đấng Pháp Vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời, người
Cha lành chung bốn loài
Quy y tròn một niệm
Dứt sạch nghiệp ba kỳ
Xưng dương cùng tán thán
Ức kiếp không cùng tận. (1 tiếng chuông, xá 1 xá)
QUÁN TƯỞNG PHẬT
Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật hiện hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y. (1 tiếng chuông, xá 1 xá)
ĐẢNH LỄ
Chí tâm đảnh lễ:
Nam Mô tận hư không biến pháp giới
quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật,
Tôn Pháp Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)
Chí tâm đảnh lễ:
Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật,
Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát,
Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát,
Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát,
Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)
Chí tâm đảnh lễ:
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật,
Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát,
Đại Thế Chí Bồ Tát,
Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát,
Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)
TÁN HƯƠNG
Hương trầm vừa đốt
Thơm ngát mười phương
Thành kính cúng dường
Mười phương Tam Bảo.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát. (3 lần, 1 tiếng chuông)
CHÚ TỊNH KHẨU NGHIỆP
Tu rị tu rị, ma ha tu rị tu tu rị tát bà ha. (3 lần, 1 tiếng chuông)
CHÚ TỊNH TAM NGHIỆP
Án ta phạ bà phạ,
truật đà ta phạ,
đạt mạ ta phạ,
bà phạ truật độ hám. (3 lần, 1 tiếng chuông)
CHÚ AN THỔ ĐỊA
Nam mô tam mãn đa một đà nẵm,
án độ rô độ rô,
địa vỷ ta bà ha (3 lần, 1 tiếng chuông)
CHÚ PHỔ CÚNG DƯỜNG
Án nga nga nẳng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng. (3 lần, 1 tiếng chuông)
PHỤNG THỈNH TÁM VỊ THẦN KIM CANG
Phụng thỉnh Thanh Trừ Tai Kim Cang.
Phụng thỉnh Bích Độc Kim Cang.
Phụng Thỉnh Huỳnh Tùy Cầu Kim Cang.
Phụng Thỉnh Bạch Tịnh Thủy Kim Cang.
Phụng Thỉnh Định Trì Tai Kim Cang.
Phụng Thỉnh Tử Hiền Kim Cang.
Phụng Thỉnh Đại Thần Kim Cang. (1 tiếng chuông)
PHỤNG THỈNH BỐN VỊ ĐẠI BỒ TÁT
Phụng Thỉnh Kim Cang Quyến Bồ Tát.
Phụng Thỉnh Kim Cang Sách Bồ Tát.
Phụng Thỉnh Kim Cang Ái Bồ Tát.
Phụng Thỉnh Kim Cang Ngữ Bồ Tát. (1 tiếng chuông)
VĂN PHÁT NGUYỆN
Đảnh lễ đấng Trung Tôn
Quy mạng mười phương Phật
Con nay phát hoằng nguyện
Trì tụng Kinh Kim Cang
Trên đền đáp bốn ân
Dưới cứu khổ ba đường
Nếu có kẻ thấy nghe
Xin phát lòng Bồ Đề
Khi mãn báo thân này
Đồng sanh về cõi Phật. (1 tiếng chuông)
THỈNH PHẬT THUYẾT PHÁP
Tụng Kinh nầy thế nào
Được giác ngộ giải thoát?
Tu sao được sống lâu
Thân Kim Cang không hoại?
Lại tu như thế nào
Được sức mạnh vô biên?
Xin Phật vì đại chúng
Diễn nói Pháp nhiệm mầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần, 1 tiếng chuông)
KỆ KHAI KINH
Thăm thẳm cao siêu Pháp nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu,
Con nay nghe thấy chuyện trì niệm,
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần, 1 tiếng chuông)
PHẬT NÓI KINH KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT
1. CHỖ PHẬT NÓI KINH
Ta nghe như vầy: Một thuở nọ, đức Phật ở tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ Kheo, một nghìn hai trăm năm mươi vị. Lúc đó, gần đến giờ ăn, Đức Thế Tôn đắp y bưng bát vào thành Xá Vệ khất thực. Theo thứ tự ghé từng nhà khất thực rồi Đức Phật trở về Tịnh xá. Dùng Cơm xong, cất y bát và rửa chơn, Đức Phật trải tòa ngồi. (1 tiếng chuông)
2. ÔNG TU BỒ ĐỀ HỎI PHẬT
Bấy giờ, ông Trưởng Lão Tu Bồ Đề, ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai hữu và gối bên hữu quỳ sát đất, cung kính chắp tay, bạch Phật rằng:
-“Hi hữu thay Đức Thế Tôn, Đức Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát và khéo phó chúc cho các vị Bồ Tát. Bạch Đức Thế Tôn, nếu có thiện nam hay tín nữ nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Đẳng Giác thời phải trụ tâm như thế nào, và hàng phục tâm như thế nào?”
Đức Phật dạy:
-“Hay thay! Hay thay! Nầy Tu Bồ Đề, đúng như lời của ông vừa nói. Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát và khéo phó chúc cho các vị Bồ Tát. Nay, ông nên lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói. Nếu có thiện nam tín nữ nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Đẳng Giác, phải trụ tâm như thế nầy, phải hàng phục tâm như thế nầy.”
-“Bạch Đức Thế Tôn, con vui mừng muốn nghe”. (1 tiếng chuông)
3. ĐẠI THỪA CHÁNH TÔN
Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề:
-“Các vị đại Bồ Tát phải hàng phục tâm mình như thế nầy: nhiều loài chúng sanh, hoặc là noãn sanh, hoặc thai sanh, hoặc thấp sanh, hoặc hóa sanh, hoặc loài có hình sắc, hoặc loài không hình sắc, hoặc loài có tư tưởng, hoặc loài không tư tưởng, hoặc loài chẳng phải có tư tưởng mà cũng chẳng phải không tư tưởng, Ta đều độ chúng được Vô Dư Niết Bàn. Độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh như thế, mà không có chúng sanh là kẻ được độ. Tại sao vậy? Nầy Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát còn có ngã tướng, nhơn tướng, thọ giả tướng thời chẳng phải là Bồ Tát. (1 tiếng chuông)
4. DIỆU HẠNH VÔ TRỤ
Lại nữa, Tu Bồ Đề, vị Bồ Tát, đúng nơi Pháp, không có chỗ trụ trước để bố thí, nghĩa là không trụ trước nơi hình sắc bố thí, không trụ trước nơi thinh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Nầy Tu Bồ Đề, Bồ Tát nên bố thí như thế, chẳng trụ trước nơi tướng. Vì sao? Vì Bồ Tát không trụ trước nơi tướng để bố thí, thời phước đức nhiều không thể suy lường.
Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ sao? Có thể suy lường được cõi hư không ở phương Đông chăng?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, không thể suy lường được.”
-“Tu Bồ Đề, có thể suy lường được cõi hư không phương Nam, Tây, Bắc, cõi hư không ở bốn hướng cạnh và cõi hư không ở Trên, Dưới chăng?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, không thể suy lường được.”
-“Tu Bồ Đề, Bồ Tát không trụ trước nơi tướng để bố thí, thời phước đức cũng lại như thế, không thể suy lường được.
Tu Bồ Đề, Bồ Tát nên đúng như lời ta dạy mà trụ. (1 tiếng chuông)
5. THẤY CHƠN THẬT ĐÚNG LÝ
Tu Bồ Đề, ý ông nghĩ sao? Căn cứ trên thân tướng thấy Đức Nhu Lai không?”
-“Bạch Thế Tôn, không thể căn cứ trên thân tướng thấy được Đức Như Lai. Vì sao? Vì Đức Như Lai nói thân tướng mà chẳng phải thân tướng.”
Phật bảo Tu Bồ Đề:
-“Phàm có tướng đều là vọng cả; nếu thấy các tướng đều không phải là tướng, chính là thấy Như Lai.” (1 tiếng chuông)
6. CHÁNH TÍNH RẤT HI HỮU
Ông Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, như có chúng sanh nào được nghe những câu, bài giảng như vậy, có sanh lòng tin thật chăng?”
Phật bảo Tu Bồ Đề:
-“Ông chớ nói lời ấy. Sau khi Nhu Lai diệt độ, năm trăm năm sau, có người trì giới tu phước có thể sanh lòng tin những câu trong bài này mà cho đó là thật; phải biết rằng người ấy chẳng phải vun trồng căn lành nơi một Đức Phật, hai Đức Phật, ba, bốn, năm Đức Phật, mà người đó vun trồng căn lành từ nơi vô lượng nghìn muôn ức Đức Phật rồi.
Như có ai nghe những câu trong bài này, sanh lòng tin trong sạch, trong khoảng một niệm. Tu Bồ, Đề, Như Lai đều thấy đều biết những chúng sanh đó đặng phước đức vô lượng. Vì sao? Vì những chúng sanh đó không còn có ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, không có pháp tướng, cũng không có phi pháp tướng. Vì sao? Vì những chúng sanh đó nếu trong lòng chấp tướng thời chính là chấp ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Nếu chấp pháp tướng thời chính là chấp ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả và vì nếu chấp phi pháp tướng thời chính là chấp ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, vì thế cho nên chẳng chấp pháp và chẳng nên chấp phi pháp.
Cùng ý nghĩa đó, nên Như Lai thường dạy rằng: ‘Nầy các Tỳ Kheo, các ông phải biết Pháp của Ta nói ra, cũng như thuyền bè, Pháp còn phải xả bỏ, huống nữa là phi pháp.’ (1 tiếng chuông)
7. VÔ ĐẮC VÔ THUYẾT
Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Như Lai có chứng được quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không? Như Lai có nói Pháp không?”
Tu Bồ Đề bạch rằng:
-“Như con hiểu ý nghĩa của Đức Phật nói, thời không có Pháp nào nhứt định gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng không có Pháp nào nhứt định, Đức Như Lai có thể nói được. Vì sao? Vì Pháp của Đức Như Lai nói đều không thể vin lấy, không thể nói được, chẳng phải Pháp, chẳng phải không phải Pháp. Vì sao? Vì tất vả Hiền Thánh đều co nơi “Pháp vô vi” mà có khác nhau.” (1 tiếng chuông)
8. Y PHÁP XUẤT SANH CÔNG ĐỨC
-“Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Như có người đem bảy thứ báu đầy cả Tam Thiên Đại Thiên để làm việc bố thí, phước đức của người đó có nhiều không?
Tu Bồ Đề bạch rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều. Vì sao? Vì phước đức đó, không phải thật phước đức cho nên Đức Như Lai nói là phước đức nhiều.”
-“Còn như có người thọ trì kinh này nhẫn đến một bài kệ bốn câu vân vân, lại giảng nói cho người khác, thời phước đức này nhiều hơn phước đức trước. Vì sao? Nầy Tu Bồ Đề, tất cả các Đức Phật và Pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của các Ngài đề từ kinh này nói ra.
Nầy Tu Bồ Đề, Phật Pháp nói đó chính chẳng phải là Phật Pháp. (1 tiếng chuông)
9. NHỨT TƯỚNG KHÔNG CÓ TƯỚNG
Tu Bồ Đề, vị Tu Đà Hoàn có thể tự nghĩ là mình chứng quả Tu Đà Hoàn không?”
Tu Bồ Đề bạch rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì vị Tu Đà Hoàn gọi là bực Nhập Lưu, mà thật không nhập vào nơi đâu, không vào sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, nên gọi là Tu Đà Hoàn”
-“Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Vị Tư Đà Hàm có thể tự nghĩ rằng mình chứng quả Tư Đà Hàm không?”
Tu Bồ Đề bạch rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì Vị Tư Đà Hàm gọi là bực Nhứt Vãng Lai, mà thật không có vãng lai, nên gọi là Tư Đà Hàm.”
-“Tu Bồ Đề, ý ông nghĩ thế nào? Vị A Na Hàm có thể tự nghĩ rằng mình chứng quả A Na Hàm không?”
Tu Bồ Đề bạch rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì A Na Hàm gọi là bực Bất Lai, mà thật không có tướng bất lai, nên gọi là A Na Hàm.”
-“Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Vị A La Hán có thể nghĩ rằng mình đắc đạo A La Hán không?”
Tu Bồ Đề bạch rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì thật không có Pháp chi gọi là A La Hán.
Bạch Đức Tôn, Đức Phật dạy rằng con được Vô Tránh Tam Muội, là bực nhứt trong mọi người, là bực A La Hán ly dục thứ nhứt.
Bạch Đức Thế Tôn, con không tự nghĩ rằng mình đắc đạo A La Hán, chắc Đức Thế Tôn chẳng nói Tu Bồ Đề là người ưa hạnh tịch tịnh. Vì Tu Bồ Đề thật không mống niệm, nên gọi Tu Bồ Đề là ưu hạnh tịch tịnh.” (1 tiếng chuông)
10. TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ
Đức Phật bảo Tu Bồ Đề:
-“Ý của ông nghĩ thế nào? Thuở Đức Phật Nhiên Đăng, Như Lai có chứng được Pháp không?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, không. Thuở Phật Nhiên Đăng, Đức Như Lai thật không chứng được Pháp.”
-“Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Bồ Tát có trang nghiêm Phật độ chăng?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, không. Vì sao? Vì trang nghiêm Phật độ, chính chẳng phải trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm.”
-“Nầy Tu Bồ Đề, vì thế các vị Bồ Tát nên sanh tâm thanh tịnh như vầy: chẳng nên trụ trước nơi sắc mà sanh tâm, chẳng nên trụ trước nơi thinh, hương, vị, xúc và pháp mà sanh tâm, nên không chỗ trụ trước mà sanh tâm thanh tịnh.
Nầy Tu Bồ Đề, ví như có người thân lớn như núi Tu Di, ý ông nghĩ thế nào? Thân của người đó có lớn chăng?”
Tu Bồ Đề bạch rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, rất lớn. Vì sao? Vì Đức Phật nói chẳng phải thân, nên gọi là thân lớn.” (1 tiếng chuông)
11. PHƯỚC ĐỨC VÔ VI THÙ THẮNG
-“Tu Bồ Đề, như trong sông Hằng có bao nhiêu cát, số sông Hằng lại nhiều như số cát đó. Ý ông nghĩ thế nào? Số cát trong những sông Hằng đó có nhiều không?”
Tu Bồ Đề bạch rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều. Số sông Hằng đã nhiều rồi, huống nữa là số cát trong sông Hằng.”
-“Tu Bồ Đề, nay ta bảo ông: nếu có thiện nam hay tín nữ nào đem bảy thứ báu đầy cả sông Hằng để làm việc bố thí, người đó được phước có nhiều không?”
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều”.
Phật bảo Tu Bồ Đề:
-“Nếu có thiện nam tín nữ nào thọ trì kinh này nhẫn đến một bài kệ 4 câu vân vân, và giảng nói cho người khác nghe, thời phước đức này hơn phước đức trước kia.
(1 tiếng chuông)
12. TÔN TRỌNG CHÁNH GIÁO
Nầy Tu Bồ Đề, lại nữa, tùy chỗ giảng nói kinh này, dẫn đến một bài kệ bốn câu vân vân, nơi chỗ đó, tất có Trời, Người, A Tu La, nên cúng dường như la tháp miếu thờ Phật. Huống nữa, có người thọ trì đọc tụng trọn cả kinh này. Nầy Tu Bồ Đề, phải biết người ấy trọn nên trọn nên pháp tối thượng hi hữu bực nhứt. Chỗ nào có kinh này, chỗ đó có Phật hoặc đệ tử của chư Phật đáng được tôn kính.” (1 tiếng chuông)
13. THỌ TRÌ ĐÚNG NHƯ PHÁP
Bấy giờ, Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, tên kinh này gọi là gì? Chúng con phải tụng trì như thế nào?”
Phật bảo Tu Bồ Đề rằng:
-“Kinh này tên là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, ông nên theo danh tự nầy mà phụng trì. Vì sao? Nầy Tu Bồ Đề, Như Lai nói Bát Nhã Ba La Mật, chẳng phải Bát Nhã Ba La Mật, đó gọi là Bát Nhã Ba La Mật.
Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Như Lai có nói Pháp không?”
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, Đức Như Lai không có nói Pháp”.
-“Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Vi Trần trong cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới có nhiều không?”
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều.”
-“Nầy Tu Bồ Đề, những Vi Trần ấy, Như Lai nói chẳng phải Vi Trần, đó gọi là Vi Trần. Như Lai nói thế giới cũng chẳng phải thế giới, đó gọi là thế giới.
Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Có thể căn cứ trên ba mươi hai tướng tốt cho là Như Lai chăng?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, không. Chẳng thể căn cứ trên ba mươi hai tướng tốt cho là Như Lai. Vì sao? Vì Đức Như Lai nói ba mươi hau tướng tốt chẳng phải tướng tốt, đó gọi là ba mươi hai tướng tốt.”
-“Tu Bồ Đề, như có thiện nam hay tín nữ nào đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí. Nếu có người theo kinh này thọ trì cho đến bài kệ bốn câu vân vân, giảng nói cho người khác nghe, thời phước đức của người này nhiều hơn người trên.”
(1 tiếng chuông)
14. VẮNG LẶNG LÌA TƯỚNG
Bấy giờ, Tu Bồ Đề nghe Phật nói kinh này, hiểu thấu nghĩa của kinh, nên ông buồn khóc, và bạch Phật rằng:
-“Hi hữu thay Đức Thế Tôn, Phật nói kinh sâu xa dường ấy, từ trước ngày được huệ nhãn đến nay, con chưa từng được nghe như thế này. Bạch Đức Thế Tôn, nếu lại có người nào được nghe kinh này, có lòng tin thanh tịnh, thời chính là sanh thật tướng. Phải biết người ấy trọn nên công đức hi hữu bực nhứt. Bạch Đức Thế Tôn, thật tướng đó chính chẳng phải tướng, cho nên Như Lai gọi là thật tướng.
Bạch Đức Thế Tôn, nay được nghe kinh này, con tin hiểu thọ trì, không cảm thấy khó. Vào khoảng năm trăm năm sau, chúng sanh nào được nghe kinh này, rồi tin hiểu thọ trì, thời người ấy chính là hi hữu bực nhứt. Vì sao? vì người ấy không có ngả tướng, không có nhơn tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng. Vì sao? Vì ngả tướng không phải tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng đều cũng không phải tướng. Vì sao? Vì xa lìa tất cả tướng, chính đó gọi là chư Phật”.
Phật bảo Tu Bồ Đề:
-“Đúng thế! Đúng thế! Lại như có người được nghe kinh này mà lòng không kinh hãi, không e sợ, không nhút nhát, phải biết người đó rất là hi hữu. Vì sao? Nầy Tu Bồ Đề, Như Lai nói Ba La Mật thứ nhứt, chẳng phải Ba La Mật thứ nhứt, đó gọi là Ba La Mật thứ nhứt.
Nầy Tu Bồ Đề, nhẫn nhục Ba La Mật, Như Lai nói chẳng phải nhẫn nhục Ba La Mật, đó gọi là nhẫn nhục Ba La Mật. Vì sao? Nầy Tu Bồ Đề, thuở xưa, ta bị vua Ca Lợi chặt đứt thân thể, trong lúc đó, Ta không có ngả tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng. Vì sao? Vì lúc thân bị chặt rời rã, nếu ta có ngã tướng, hơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, thời ta mống lòng hờn giận.
Nầy Tu Bồ Đề, Ta lại nhớ, thuở quá khứ, trong năm trăm đời, Ta làm vị Tiên nhẫn nhục. Trong bao nhiêu đời đó, Ta không chấp ngã tướng, không chấp nhơn tướng, không chấp chúng sanh tướng, không chấp thọ giả tướng.
Tu Bồ Đề, vì thế Bồ Tát phải xa lìa tất cả tướng, phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chẳng nên trụ nơi sắc mà sanh tâm, chẳng nên trụ nơi thinh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm. Nên sanh tâm không trụ vào đâu cả. Nếu như tâm có trụ, chính chẳng phải trụ, cho nên đức Phật nói tâm của Bồ Tát chẳng nên trụ nơi sắc mà bố thí.
Nầy Tu Bồ Đề, vì lợi ích cho tất cả chúng sanh, Bồ Tát phải bố thí như thế. Như Lai nói tất cả các tướng, chính không phải tướng, lại nói tất cả chúng sanh, chính không phải chúng sanh.
Nầy Tu Bồ Đề, Như Lai nói lời chơn chánh, lời chắc thật, lời đúng đắng, lời không phỉnh phờ, lời không sai khác.
Nầy Tu Bồ Đề, Pháp của Như Lai chứng đặng, pháp ấy không thiệt không hư.
Nầy Tu Bồ Đề, nếu tâm của Bồ Tát trụ nơi Pháp để làm việc bố thí, như người vào chỗ tối tăm, không thấy chi cả. Nếu tâm của Bồ Tát không trụ nơi Pháp để làm việc bố thí, như người có mắt sáng lại có ánh sáng mặt trời chiếu đến, thấy đủ hình sắc.
Nầy Tu Bồ Đề, đời sau, nếu có thiện nam hay tín nữ nào đọc tụng kinh này, Như Lai sẽ biết rõ người ấy, đều thấy rõ người ấy, sẽ được thành tưụ công đức vô lượng vô biên. (1 tiếng chuông)
15. CÔNG ĐỨC TRÌ KINH
Nầy Tu Bồ Đề, nếu có thiện nam tín nữ nào, buổi sáng, đem thân mạng bằng số cát sông Hằng để bố thí, buổi trưa, lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng để bố thí, buổi chiều, cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng để bố thí, trong vô lượng trăm nghìn muôn ức kiếp đem thân mạng bố thí như thế, lại có người nghe kinh này, sanh lòng tin, không trái, thời phước của người này hơn phước của người trước kia, huống chi là biên chép, thọ trì, đọc tụng, nói cho người khác nghe. Nầy Tu Bồ Đề, tóm lại, thời kinh này có vô biên công đức không thể nghĩ bàn, không thể cân lường được. Như Lai vì người phát tâm đại thừa mà nói, vì người phát tâm tối thượng mà nói.
Nếu có người nào thọ trì, đọc tụng, giảng nói rộng ra cho người khác nghe, thời Như Lai đều biết rõ người ấy, đều thấy rõ người ấy, sẽ được trọn nên công đức không thể cân lường, và không thể nghĩ bàn được. Những người như thế sẽ gánh vác Pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Như Lai. Vì sao? Nầy Tu Bồ Đề, vì người nào ham ưa pháp tiểu thừa chấp trước ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, thời người ấy không thể nghe nhận, đọc tụng và giảng nói kinh này cho người khác nghe được.
Nầy Tu Bồ Đề, nếu những nơi nào có kinh này, tất cả Trời, Người, A Tu La vân vân, đều nên cúng dường. Chỗ đó, chính là tháp thờ Đức Phật, nên cung kính lễ lạy, đi nhiểu chung quanh, rải các món hương hoa trên đó để cúng dường. (1 tiếng chuông)
16. TRỪ HẾT NGHIỆP CHƯỚNG
Lại nữa, nầy Tu Bồ Đề, như thiện nam tín nữ nào đọc tụng kinh này, nếy bị người khinh chê, vì tội nghiệp đã gây ra trong đời trước, đáng lẽ người đó sẽ phảo đọa vào ác đạo, nhưng trong đời nay, bị người khinh chê, nên không những tội nghiệp đã gây ra trong đời trước được tiêu diệt, người ấy còn được Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Nầy Tu Bồ Đề, Ta nhớ lại thuở trước, Đức Phật Nhiên Đăng ra đời, vô lượng vô số kiếp về quá khứ, Ta được hầu hạ cúng dường tám trăm bốn nghìn muôn ức na do tha các Đức Phật, không luống bỏ qua. Về đời sau, nếu có người thọ trì đọc tụng kinh này, thời công đức của người ấy được nhiều hơn muôn ức lần công đức cúng dường các Đức Phật của Ta trong thuở trước. Nầy Tu Bồ Đề, về đời sau, nếu có thiện nam hay tín nữ nào thọ trì đọc tụng kinh này, công đức của người ấy được, nếu Ta nói hết cả ra, có kẻ nghe, trong lòng sẽ cuồng loạc nghi ngờ không tin.
Nầy Tu Bồ Đề, vì nghĩa lý của kinh nầy không thể nghĩ bàn, nên quả báo cũng không thể nghĩ bàn.” (1 tiếng chuông)
17. RỐT RÁO KHÔNG NGÃ
Bấy giờ, Tu Bồ Đề bạch Phật:
-“Bạch Đức Thế Tôn, thiện nam hay tín nữ nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, phải trụ tâm như thế nào?”
Phật bảo Tu Bồ Đề:
-“Thiện nam hay tín nữ nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thời phải sanh tâm như vầy: Ta phải cứu độ tất cả chúng sanh, cứu độ tất cả chúng sanh xong, nhưng không có một chúng sanh nào được cứu độ. Vì sao? Nầy Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát có ngã tướng, nhơn tuớng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, thời chẳng phải Bồ Tát. Vì sao? Nầy Tu Bồ Đề, vì thật ra không có pháp chi phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Vào thuở Như Lai ở với Đức Phật Nhiên Đăng có pháp chi để chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, không. Như chỗ con hiểu nghĩa của Đức Thế Tôn nói, thời Đức Thế Tôn ở với Đức Phật Nhiên Đăng không có pháp chi để chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”
Phật dạy rằng:
-“Đúng thế! Đúng thế! Nầy Tu Bồ Đề, nếu có Pháp để Như Lai chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thời Đức Nhiên Đăng chẳng thọ ký cho Ta như sau: đời sau, ông sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
Sự thật, không có pháp chi để chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cho nên Đức Nhiên Đăng đã thọ ký cho Ta và nói lời ấy. Vì sao? Vì Như Lai đó chính nghĩa là ‘các Pháp’. Nếu có người nói Như Lai chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nầy Tu Bồ Đề, thật ra không có pháp chi để Ta chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nầy Tu Bồ Đề, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Như Lai chứng được không thật, không hư, vì thế Như Lai nói ‘Tất cả Các Pháp Đều Là Pháp Phật’. Nầy Tu Bồ Đề, tất cả Pháp, Như Lai nói đó, chính chẳng phải tất cả Pháp, cho nên gọi là tất cả Pháp.
Nầy Tu Bồ Đề, ví như thân người cao lớn.”
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, Đức Như Lai nói thân người cao lớn, chính chẳng phải thân người cao lớn, đó gọi là thân người cao lớn”.
-“Nầy Tu Bồ Đề, Bồ Tát cũng như thế. Nếu nói lời như vầy: Ta sẽ cứu độ vô lượng chúng sanh, vị đó không được gọi là Bồ Tát. Vì sao? Nầy Tu Bồ Đề, thật không có Pháp chi gọi là Bồ Tát. Vì thế, Ta nói tất cả Pháp là không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả.
Nầy Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát nói như thế nầy: Ta phải trang nghiêm Phật độ, vị ấy không được gọi là Bồ Tát. Vì sao? Vì Như Lai nói trang nghiêm Phật độ, chính chẳng phải trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm.
Nầy Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát không đạt được ‘Pháp Vô Ngã’ thời Như Lai mới gọi là Bồ Tát. (1 tiếng chuông)
18. XEM ĐỒNG MỘT THỂ
Nầy Tu Bồ đề, ý của ông nghĩ thế nào? Như Lai có nhục nhãn không?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, đúng thế. Đức Như Lai có nhục nhãn.”
-“Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Như Lai có thiên nhãn không?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, đúng thế. Đức Như Lai có thiên nhãn”.
-“Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Như Lai có huệ nhãn không?
-“Bạch Đức Thế Tôn, đúng thế. Đức Như Lai có huệ nhãn.”
-“Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Như Lai có pháp nhãn không?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, đúng thế. Đức Như Lai có pháp nhãn.”
-“Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Như Lai có Phật nhãn không?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, đúng thế. Đức Như Lai có Phật nhãn.”
-“Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ như thế nào? Như bao nhiêu cát trong sông Hằng, Như Lai có nói là cát chăng?
-“Bạch Đức Thế Tôn, đúng thế. Đức Như Lai nói là cát.”
-“Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Như bao nhiêu cát trong một sông Hằng, trong nhiều sông Hằng, cõi Phật như số cát trong những sông Hằng đó có nhiều không?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều.”
Phật bảo Tu Bồ Đề:
-“Bao nhiêu tâm niệm của tất cả chúng sanh trong ngần ấy cõi nước, Như Lai đều biết rõ. Vì sao? Vì Như Lai nói các thứ tâm đều chẳng phải tâm, đó mới gọi là tâm. Vì sao? Nầy Tu Bồ Đề, tâm quá khứ không có, tâm hiện tại không có, tâm vị lai không có. (1 tiếng chuông)
19. THÔNG HÓA PHƯỚC ĐỨC
Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Như có người đem bảy thứ báu đầy cả cõi Tam Thiên Đại Thiên để bố thí, người ấy có phước nhiều không?”
-“Bạch Đức Thế tôn, người đó được phước rất nhiều.”
-“Nầy Tu Bồ Đề, nếu phước đức có thật, Như Lai không nói phước đức ấy nhiều. Vì không có phước đức, nên Như Lai nói là phước đức nhiều. (1 tiếng chuông)
20. LÌA SẮC TƯỚNG
Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Có thể do sắc thân cụ túc thấy được Phật không?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, không. Không thể do sắc thân cụ túc mà thấy được Đức Như Lai. Vì sao? Vì Đức Như Lai nói sắc thân cụ túc, chẳng phải sắc thân cụ túc, đó gọi là sắc thân cụ túc.”
-“Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Có thể do các tướng cụ túc mà thấy được Phật không?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, không. Không thể do các tướng cụ túc mà thấy được Đức Như Lai. Vì sao? Vì Đức Như Lai nói các tướng cụ túc, chẳng phải các tướng cụ túc, đó gọi là các tướng cụ túc.” (1 tiếng chuông)
21. CHẲNG PHẢI NĂNG THUYẾT SỞ THUYẾT
-“Nầy Tu Bồ Đề, ông chớ nói rằng Như Lai nghĩ thế này: Ta nên thuyết pháp. Ông đừng nghĩ như thế. Vì sao? Vì nếu người nào nói rằng: Như Lai có thuyết pháp, thời là hủy báng Như Lai, không hiểu nghĩa lý của Như Lai nói. Nầy Tu Bồ Đề, thuyết pháp, thật không có pháp chi nói được, đó gọi là thuyết pháp.”
Bấy giờ Huệ Mạng Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, đời sau, có chúng sanh nào nghe pháp này mà sanh lòng tin chăng?”
Phật dạy rằng:
-“Nầy Tu Bồ Đề, chúng sanh đó chẳng phải chúng sanh, cũng chẳng phải là không phải chúng sanh. Vì sao? Nầy Tu Bồ Đề, những chúng sanh đó, Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, đó gọi là chúng sanh.” (1 tiếng chuông)
22. KHÔNG PHÁP CHI CÓ THỂ ĐƯỢC
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, Phật chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là không có chỗ để chứng phải không?”
Phật dạy:
-“Đúng thế, nầy Tu Bồ Đề, Ta ở nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nhẫn đến không có pháp nhỏ nào để có thể gọi là chứng, đó gọi là Vô Thượng Chánh Giác.”
(1 tiếng chuông)
23. TỊNH TÂM HÀNH THIỆN
Lại nữa, nầy Tu Bồ Đề, Pháp đó bình đẳng không có cao thấp, mới gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả, lại tu tất cả pháp lành, nên chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nầy Tu Bồ Đề, Pháp lành được Như Lai nói đó, chẳng phải pháp lành, đó gọi là Pháp lành.
(1 tiếng chuông)
24. PHƯỚC ĐỨC TRÍ HUỆ KHÔNG CHI SÁNH BẰNG
Nầy Tu Bồ Đề, nếu có người góp bảy thứ bàu lại nhiều như số núi Tu Di trong cõi Tam Thiên Đại Thiên để bố thí, công đức của người này sánh với công đức của người trì tụng hay giảng nói một bài kệ bốn câu trong kinh Bát Nhã Ba La Mật nầy cho người khác nghe, thì công đức của người sau lớn gấp trăm ngàn lần công đức của người trước. (1 tiếng chuông)
25. HÓA ĐỘ KHÔNG NGƯỜI ĐƯỢC HÓA ĐỘ
Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Các ông chớ cho rằng Như Lai nghĩ thế nầy: Ta phải hóa độ chúng sanh. Nầy Tu Bồ Đề, ông đừng nghĩ như thế. Vì sao? Vì thật không có chúng sanh nào được Như Lai độ cả. Nếu có chúng sanh để Như Lai độ, thời Như Lai còn có tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Nầy Tu Bồ Đề, Như Lai nói ngã, chính chẳng phải ngã, kẽ phàm phu lại cho có ngã. Nầy Tu Bồ Đề, phàm phu đó Như Lai nói chẳng phải phàm phu, đó gọi là phàm phu. (1 tiếng chuông)
26. PHÁP THÂN KHÔNG PHẢI SẮC TƯỚNG
Nầy Tu Bồ Đề, ý của ông nghĩ thế nào? Có thể căn cứ trên ba mươi hai tướng tốt mà cho là Như Lai chăng?”
Tu Bồ Đề bạch rằng:
-“Đúng thế! Đúng thế! Căn cứ trên ba mươi hai tướng tốt cho là Đức Như Lai.”
Phất dạy rằng:
-“Nầy Tu Bồ Đề, nếu do ba mươi hai tướng tốt mà xem là Như Lai, thời Chuyển Luân Thánh Vương là Như Lai sao?”
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, con hiểu nghĩa Phật muốn nói, ‘chẳng nên căn cứ trên ba mươi hai tướng tốt mà cho là Đức Như Lai.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:
“Nếu dùng sắc thấy Ta,
Dùng âm thinh cầu Ta
Người ấy tu đạo tà
Chắc là không thấy ta. (1 tiếng chuông)
27. KHÔNG ĐOẠN KHÔNG DIỆT
Nầy Tu Bồ Đề, nếu ông nghĩ thế này: Như Lai không do tướng cụ túc chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nầy Tu Bồ Đề, ông đừng nghĩ Như Lai không do tướng cụ túc chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nầy Tu Bồ Đề, nếu ông nghĩ như vầy: người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nói các pháp đều đoạn diệt. Ông đừng nghĩ như thế. Vì sao? Vì người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nói Pháp không nói tướng đoạn diệt. (1 tiếng chuông)
28. CHẲNG NHẬN LẤY CHẲNG THAM
Nầy Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát đem bảy thứ báu đầy cả những cõi nước bằng số cát sông Hằng đ63 làm việc bố thí. Nếu lại có Bồ Tát biết “Pháp Vô Ngã” của tất cả Pháp mà được thành nhẫn trí. Vị Bồ Tát này được công đức hơn phước đức của vị Bồ Tát trước. Vì sao? Nầy Tu Bồ Đề, vì các vị Bồ Tát không nhận lấy phước đức.”
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, tại sao các vị Bồ Tát không nhận lấy phước đức?”
-“Nầy Tu Bồ Đề, Bồ Tát có làm việc phước đức chẳng nên tham trước, vì thế, nên nói chẳng nhận lấy phước đức. (1 tiếng chuông)
29. OAI NGHI VẮNG LẶNG
Nầy Tu Bồ Đề, nếu có người nói: Đức Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa của Như Lai nói. Vì sao? Vì Như Lai không từ nơi nào lại, cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai. (1 tiếng chuông)
30. NGHĨA LÝ NHỨT HIỆP TƯỚNG
Nầy Tu Bồ Đề, như có thiện nam hay tín nữ đem cõi Tam Thiên Đại Thiên đập nát ra thành bụi, ý của ông nghĩ thế nào? Số bụi đó có nhiều không?”
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng:
-“Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều. Vì sao? Vì nếu số bụi đó thật có, thời Đức Phật chẳng nói là số bụi. Vì sao? Vì Đức Phật nói bụi, chẳng phải là bụi, đó gọi là bụi.
Bạch Đức Thế Tôn, cõi Tam Thiên Đại Thiên, Đức Như Lai nói chẳng phải thế giới, nên gọi là thế giới. Vì sao? Vì nếu thế giới là thật có, thời là ‘một hiệp tướng’. Đức Như Lai nói ‘một hiệp tướng’, chẳng phải ‘một hiệp tướng’, đó gọi là ‘một hiệp tướng’.”
-“Nầy Tu Bồ Đề, ‘một hiệp tướng’ đó, không thể nói được, chỉ kẽ phàm phu tham trước việc ấy thôi. (1 tiếng chuông)
31. CHỖ THẤY BIẾT KHÔNG SANH
Nầy Tu Bồ Đề, như có người nói: Phật nói ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, ý của ông nghĩ thế nào? Người ấy hiểu nghĩa của Phật nói không?”
-“Bạch Đức Thế Tôn, không. Người ấy không hiểu nghĩa của Phật nói. Vì sao? Vì Phật nói, ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, chẳng phải ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, đó gọi là ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.”
-“Nầy Tu Bồ Đề, nơi tất cả Pháp, người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác phải biết như thế, thấy như thế, tin hiểu như thế, chẳng sanh pháp tướng. Nầy Tu Bồ Đề, Như Lai nói pháp tướng đó, không phải pháp tướng, đó gọi là pháp tướng.
(1 tiếng chuông)
32. ỨNG HÓA KHÔNG PHẢI CHƠN THẬT
Nầy Tu Bồ Đề, như có người đem bảy thứ báu đầy cả vô lượng vô số cõi nước để làm việc bố thí. Lại có thiện nam hay tín nữ nào phát tâm Bồ Đề thọ trì kinh này, nhẫn đến một bài kệ bốn câu vân vân, tự mình thọ trì đọc tụng hay giảng cho kẽ khác nghe, thời phước đức của người này hơn người trước.
Cách giảng nói cho người khác nghe như thế nào? Không chấp nơi tướng, như như chẳng động. Vì sao? Vì:
Tất cả các ‘pháp hữu vi’
Như là mộng huyễn, khác chi bóng hình
Như sấm chớp, như âm thinh
Quán xem, ‘các pháp’ như hình ‘không hao’.” (1 tiếng chuông)
Đức Phật nói kinh này xong, Trưởng Lão Tu Bồ Đề và các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, tất cả Trời, Người, A Tu La vân vân, nghe những lời của Đức Phật nói, thảy đều vui mừng tin nhận và làm theo. (1 tiếng chuông)
CHÚ KIM CANG
Án, hô rô hô rô, xả duệ mục khê, xoa ha (3 lần, 1 tiếng chuông)
KỆ KHEN NGỢI
Kim Cang diệu lý khó đo lường
Như Lai giác ngộ đã tuyên dương
Người nghe hiểu rõ ‘chân thường’
Hương, hoa, đảnh lễ cúng dường Trung Tôn.
Nam Mô Kỳ Viên Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần, 1 tiếng chuông)
KINH BA LA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Khi Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành sâu xa pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách.
“Này Ông Xá Lợi Phất, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế”.
“Này Ông Xá Lợi Phất, ‘tướng không của mọi pháp’ không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt, nên trong ‘chân không’, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có cái hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có cái hết già chết, không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí huệ, cũng không có chứng đắc.
Vì không có chỗ chứng đắc, nên Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại, nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo, mộng tưởng, đạt tới cứu cánh Niết Bàn.
Chư Phật trong ba đời cũng y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại Thần Chú, là Đại Minh Chú, là Vô Thuợng Chú, là Vô Đẳng Đẳng Chú, trừ được hết thảy khổ, chân thật không hư”.
Vì vậy, liền nói Chú Bát Nhã Ba La Mật Đa:
“Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”. (1 tiếng chuông)
NIỆM PHẬT
A Di Đà Phật thân sắc vàng,
Tướng tốt rực rỡ hào quang sáng ngời,
Mày trắng tỏa, Tu Di uyển chuyển,
Mắt trong ngần, bốn biển long lanh,
Ánh hào quang hóa vô số Phật,
Vô số Bồ Tát hiện ở trong,
Bốn mươi tám độ nguyện chúng sanh,
Chín phẩm sen vàng lên giải thoát,
Qui mạng lễ A Di Đà Phật,
Ở Phương Tây thế giới an lành.
Con nay xin phát nguyện vãng sanh,
Cúi xin Đức Từ Bi nhiếp thọ.
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật.
(Niệm mỗi câu dưới đây 3 lần, 1 tiếng chuông)
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
Nam Mô Địa Tạng Vương Vồ tát.
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.
SÁM NGÃ NIỆM
Con từ kiếp trước không lường
Mất chơn bản tính nên vương cõi trần
Luân hồi sanh, tử chút thân
Thay hình đổi dạng bao lần đắng cay
Phước dư nhờ chút thiện này
Thân người được gặp theo thầy xuất gia
Cạo đầu mặc áo cà sa
Hủy trai, phá giới tạo ra tội nhiều
Sát sanh hại vật đủ điều
Ăn nhai uế tạp đắm say thân hình
Của người riêng chiếm vào mình
Nhờ duyên Tam Bảo dụng tình tiêu hoang
Bôn xu cầu cạnh đủ đường
Rượu ngon, gái đẹp lòng thường say sưa (1 tiếng chuông)
Khinh Tăng, hủy báng Phật thừa
Mẹ cha, thầy bạn u ơ bạc tình
Khoe hay, dấu dốt của mình
Sự người tốt đẹp lại sinh chê dèm
Lợi danh dối trá đã quen
Thị phi nhơn ngã đua chen với đời
Tưởng xằng chẳng lúc nào ngơi
Tấm lòng tán loạn suốt đời hư sinh
Việc người mách lẻo thời tin
Việc mình lạy Phật tụng kinh thời lười
Bề ngoài đạo đức lòe đời
Mà trong ngã mạn khinh người gớm ghê
Biếng lười chỉ thích ngủ nghê
Tham lam bủn xỉn ai chê cũng liều
Gốc nhơ trồng cấy đã nhiều
Cánh bèo biển khổ theo chiều gió đưa!
Đã không chút thiện nương nhờ
Trong ba đường dữ bao giờ tránh qua?
Ngưỡng trông Đức Phật Di Đà (1 tiếng chuông)
Quán Âm, Thế Chí đôi tòa thần thông
Từ bi lượng cả bao dong
Cứu con tội cáu sạch không mọi màu
Đời này cho chí đời sau
Sáu căn, ba nghiệp sạch làu như gương
Rỗng không tội tánh mọi đường
Khắp trong pháp giới chẳng vương bụi trần. (1 tiếng chuông)
HỒI HƯỚNG
Tụng kinh công đức, hạnh nhiệm mầu
Thắng phước bao nhiêu con nguyện cầu
Tất cả chúng sanh trong pháp giới
Hướng về Phật Pháp tỏ Đạo Mầu. (1 tiếng chuông)
Nguyện cho ba chướng tiêu tan
Phiền não dứt sạch, huệ căn sáng ngời
Cầu cho con được đời đời
Hành Bồ Tát Đạo cứu đời lầm than. (1 tiếng chuông)
Nguyện đem công đức lành
Đệ tử hướng tâm thành
Cầu cho khắp chúng sanh
Đều chứng thành Phật quả. ( 1 tiếng chuông)
TAM QUY
Con nương theo Phật, cầu cho chúng sanh
Tin chắc Đạo cả, phát lòng vô thượng. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)
Con nương theo Pháp, cầu cho chúng sanh
Thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)
Con nương theo Tăng, cầu cho chúng sanh
Kính tín hòa hợp, tất cả không ngại. (3 tiếng chuông, lạy 1 lạy)