Tại đạo tràng, tệ hại nhất là không chịu tu hành, đáng quý nhất là sự nghiêm chỉnh tu tập. Ai không tu thì tương lai kẻ đó bị đi xuống; ai tu hành thì tương lai sẽ đi lên.
Ngày thứ 1: Pháp Thiền Thoại Đầu.
Thiền pháp nguyên bắt đầu từ Phật Thích Ca truyền lại cho ngài Ma Ha Ca Diếp, đến ngài A Nan rồi truyền tới Tổ thứ 28 là ngài Bồ Đề Đạt Ma.
Sau đó ngài Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Quốc. Bồ Đề Đạt Ma được tôn làm Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa, truyền cho Nhị tổ Huệ Khả, Tam tổ Tăng Xán, Tứ tổ Đạo Tín, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn và Lục tổ Huệ Năng. Sau đó chia thành năm phái: Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng và Vân Môn.
Thời chư Tổ sư, các thoại đầu để hành giả tham thiền có rất nhiều, nhưng phổ thông nhất là các câu thoại đầu sau:
1. Khi chưa có trời đất, ta là cái gì ?
2. Muôn pháp về một, một về chổ nào ?
3. Trước khi cha mẹ chưa sanh, mặt mũi bổn lai của ta ra sao ?
4. Sanh từ đâu đến, chết đi về đâu ?
5. Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì ?
Nhưng nay trong khóa thiền thất VPPT thì tham chữ “Ai” trong “niệm Phật là ai”. Khi tham thoại đầu, tâm trí thiền giả phải luôn luôn chú mục vào “Ai”, và khi âm “Ai” lâu dần, chìm mất theo hơi thở thì nghi tình “Ai” đó được khởi lên lại trong tâm. Như vậy Tham thiền theo cách này gọi là Tham thoại đầu. Tham tức là Nghi, Nghi tức là không hiểu, một việc gì đã hiểu rồi thì hết Nghi, hết Nghi tức là không có tham, cho nên Tham thiền rất chú trọng cái Nghi, gọi là Nghi Tình. Muốn khởi lên cái Nghi Tình phải nhờ câu thoại đầu. Thế nào là thoại đầu? Theo Ngài Hư Vân giải thích rằng khi muốn nói một câu thoại thì phải khởi niệm rồi mới nói được, lúc chưa khởi niệm muốn nói gọi là Thoại đầu, nếu đã khởi niệm muốn nói, mặc dù chưa nói ra cũng đã là thoại vĩ rồi.
Như vậy khi tham câu: “niệm Phật là Ai?” không có nghĩa là niệm câu thoại đầu này. Đây là tham tức là nghiên cứu cái chữ “Ai”. Nếu cho rằng niệm Phật là tôi thì khi tôi chết rồi, thì cái “Tôi” đó có còn niệm Phật được không? Nếu không thì sao cho rằng “Tôi” niệm Phật. Cho nên phải hiểu rằng, người niệm Phật đó không phải là “Tôi”. Người niệm Phật đó không chết, nếu chết thì người niệm Phật không phải là tôi. Bởi vậy, chính tại nơi đây chúng ta phải tham ngẫm, tham không buông lơi. Cái “Nghi tình” cứ thế đề khởi liên tục trong tâm thức chúng ta. Như vậy suốt thời gian ngày đêm không ngưng nghỉ, bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, đang làm công việc tay chân hay bằng trí óc; đi bộ hay đi xe, đang ăn cơm, đang đi cầu hay đang ngủ mê, đều phải tiếp tục hỏi tới hoài, không giây phút gián đoạn.
Chương trình khóa Thiền thất gồm các thời gian tu tập như sau:
Buổi sáng bắt đầu ngồi thiền từ 4.00 sáng đến 6.00 sáng. 3 khóa thiền sau đó từ 7.10 phút, mỗi khóa ngồi 1 tiếng và nghỉ 20 phút và như vậy kéo dài đến 11.50 và sau đó sắp hàng đi vào Trai đường. Tiếp đó từ 1.00 chiều đến 3.20 có 2 khóa thiền và buổi tối từ 6.00 đến 8.00 có khóa thiền ngồi 2 tiếng, 1 buổi khai thị thiền và vấn đáp 45 phút và sau đó khóa thiền 1 giờ, kết thúc vào lúc 10.20. Khóa tu thiền này chủ yếu tu pháp thiền Tổ sư, tham thoại đầu.
Lời H.T khai thị: Nếu có cơ hội gặp khóa thiền, ta phải tham dự cho kỳ được. Dự một lần, thâu hoạch được một lần. Không ăn, có thể chịu đói, nhưng không tham gia thiền thất thì không được; không có áo có thể chịu lạnh, nhưng không tham gia thiền thất thì không được. Bởi các chư Phật mười phương đều phải đi qua con đường ấy mới thành Phật quả.
Có người sợ khổ, không dám tham gia thiền thất, đó là một quan niệm sai lầm. Trong quá khứ, chúng ta chưa từng gặp những khóa thiền thất như thế này, thế cho nên chúng ta cứ sanh tử mãi trong vòng luân hồi. Nếu quả đã từng tham gia thiền thất, thì chắc chắn chúng ta không vọng tưởng, chắc chắn không điên đảo; đối với ngũ dục tài, sắc, danh, thực, thùy, tuyệt đối không tham luyến; coi ngũ dục như năm con đường dẫn tới địa ngục vậy.
Ngồi tĩnh tọa tham thiền, khi hỏa hầu tới mức, thì sẽ có một loại định lực kim cương, khiến cho chúng ta không bị ngũ dục lay chuyển. Khi đó, tài chẳng ham, sắc chẳng ham, danh chẳng ham, ăn chẳng ham, ngủ chẳng ham, ngay trong mộng cũng không còn một ý niệm tham dục, trong mộng mà tâm cũng thanh tịnh, đó mới là cảnh giới sẽ đạt tới.
Rồi kế đó lại dấn bước thêm tu hành, hành giả sẽ đạt cảnh giới không mộng để thành tựu quả thánh. Người ta trong lúc tỉnh còn làm chủ được mình. Ngoại cảnh có thể đến dụ, nhưng lý trí kiên cường, định lực sung túc thì ngoại cảnh cũng không thể lay chuyển. Tuy nhiên ở trong mộng thì không làm chủ được. Thấy quỷ thì sợ quỷ, thấy hổ sợ hổ, thấy tiền tài ham tiền tài, thấy sắc ham sắc, tức là bị ngoại cảnh mê hoặc.
Thản hoặc, trong mộng có thể làm chủ được, nhưng trong bệnh tật thì lại không được. Hoặc trong khi bệnh tật làm chủ được, đến khi chết lại làm chủ chẳng được. Muốn làm chủ khi sống cũng như khi chết, tất phải tham thiền. Dụng công như vậy, một phần công phu sẽ mang lại một phần thâu hoạch, mười phần công phu sẽ có mười phần thâu hoạch. Có câu nói: “Ông tu ông chứng, bà tu bà chứng,” ai tu người ấy chứng, chẳng tu thì chẳng chứng. Giá trị tu hành phải dựa vào chính công phu chân thật của mình, có như vậy thì mới đi lại tự do, tâm thể thanh thản, bởi vì trong thế gian không hề có chuyện không công lao mà được thâu hoạch.
Ngày thứ 2: Chúng ta có thể thấy rõ rằng, mục đích của tu Tổ Sư Thiền chính là làm ngưng lại dòng tâm ý thức (thường lưu) trôi chảy liên tục trong tâm con người từ thời vô thủy. Chư Tổ sư dùng cơ xảo, phương tiện linh hoạt để làm bức phá bức màn vô minh từ thời vô thủy, chấm dứt tất cả vô minh, thấu suốt giác ngộ, như vàng đã tôi luyện, loại bỏ hết tạp chất.
Bản thể chân tâm của chúng ta vốn thanh tịnh, nhưng vì một niệm bất giác, vô minh sinh khởi, nên sinh ra ý thức phân biệt, thành ra có ta, có người rồi từ đó khởi niệm đối đãi, dòng ý thức tham sân si dấy lên, ngày càng dày đặc, trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi tạo nghiệp vay trả trả vay. Ngày nay tu tập tham thiền, khai ngộ bản tâm chính là quay trở về chân tâm thanh tịnh vốn có của mình vậy.
Ở trong buổi giảng: “Không trừ vọng tưởng thì Chẳng thể khai ngộ”, ngài dạy:
Mục đích của tham Thiền là để khai mở trí tuệ, cầu giải thoát. Chúng ta phải chuyên tâm trì chí tham câu: Ai là người niệm Phật?” Khi tham tới cực điểm, quý vị sẽ quên bẵng tất cả mọi vọng tưởng –quên ăn uống, phục sức, ngủ nghỉ, và thậm chí quên cả đại, tiểu tiện! Lúc bấy giờ, “gió thổi không lọt, mưa rơi không thấm,” quý vị chỉ miên mật tham chữ “Ai” mà thôi! Một niệm duy nhất này kiên cố như Kim Cang, không gì phá hoại nổi. Bấy giờ cũng là lúc quý vị thể nghiệm được trạng thái “trong không có thân tâm, ngoài chẳng có thế giới” –mình cùng vũ trụ đã hợp thành một thể.
Khi tâm tư trụ vào câu hỏi này thì ta đánh bạt hết thảy mọi vọng tưởng thường có, thường khởi niệm trong đầu, lâu dần đến công phu miên mật, lúc đó nghĩa là trong tâm ta chỉ còn lại một chữ “Ai”. “Ai” cũng là vọng tưởng trong đầu, nhưng vọng tưởng này sẽ hàng phục, dứt sạch tất cả các vọng tưởng khác, để rồi ngày đêm 24 giờ không giây phút gián đoạn công phu tham “Ai” đây luyện được thành khối. Ngài dạy: “Tham miết sẽ tự nhiên khai ngộ, tham cho đến lúc “sơn cùng thủy tận”, tự nhiên sẽ có tin vui, cảnh giới “hoa tươi dưới liễu” sẽ xuất hiện trước mắt”. Công phu tham thiền sẽ dẫn tới chánh định, chánh thọ, cũng gọi là Tam muội. Nếu như chứng được thì đây là cảnh giới “như như bất động, liễu liễu thường minh”. Quả thật là một phen khổ công, tinh tấn vượt mực, trong tâm không một vọng tưởng, cho đến lúc “một niệm chẳng sanh toàn thể hiện”, cuối cùng thấy được “bổn lai diện mục, bổn địa phong quang”.
H.T Khai thị: Thiền là cách điều hòa thân và tâm. “Điều thân” tức là làm cho thân không loạn động. “Điều tâm” là làm cho tâm không khởi vọng tưởng, thường thường thanh tịnh. Hễ tâm thanh tịnh thì tận hư không và khắp cả Pháp giới, mọi thứ đều nằm trong tự tánh. Tự tánh bao hàm mọi thứ, dung nạp mọi thứ, và cũng chính là Phật tánh xưa nay của chúng ta.
Từ vô lượng kiếp đến nay, đời này tiếp đời kia, chúng ta bị những thứ kiến giải sai lầm, bị mê nhiễm quá sâu dầy nên không dễ dàng minh tâm kiến tánh. Bởi vì lý do ấy, chúng ta mới “đả thiền thất”. “Đả thất” gọi là “khắc kỳ thủ chứng” tức là đặt ra một thời gian nhất định, một quá trình nhất định để dụng công, cầu đạt được sự thấu triệt sáng suốt.
Một khi quý vị tìm lại được thật tánh của mình, một niệm linh quang có thể triệt chiếu trời đất, quý vị cùng mười phương ba đời chư Phật chẳng hề khác biệt. Vì sao chúng ta không thể chứng đắc Tam Thân, Tứ Trí, Ngũ Nhãn, Lục Thông? Vì kẻ phàm phu chúng ta vọng tưởng quá nhiều, do đó trí huệ bị che khuất, chẳng có quang minh thành ra vô minh. Cả ngày cứ khởi mê hoặc, tạo nghiệp, nên thọ nhận qua báo đau khổ trong vòng sinh tử.”
Nếu quý vị muốn chân chính thấu triệt, thông suốt thì trước hết quý vị phải học làm như không biết gì cả. Trong thiền đường, lúc dụng công, quý vị dùng phương pháp gì?
Phương pháp “không biết” –trên không biết có trời, dưới không biết có đất, ở giữa không biết có người. Từ sáng đến tối, quý vị làm gì? Không biết! Ăn thức gì? Không biết! Mặc áo gì? Không biết!
Cũng như đang hôn trầm, cái gì cũng không biết. Có câu:
Dưỡng thành đại chuyết phương vi xảo,
Học đáo như ngu thủy kiến kỳ.
Nghĩa là: Nếu quý vị làm sao thành như người ngu đần nhất thế giới, thì lúc ấy mới sinh ra sự xảo diệu. Bấy giờ thì:
Nhất thông, nhất thiết thông,
Nhất liễu, nhất thiết liễu,
Nhất ngộ, nhất thiết ngộ.
Nghĩa là:
Thông suốt một, thông suốt hết thảy.
Tỏ rõ một, tỏ rõ hết thảy,
Giác ngộ một, giác ngộ hết thảy.
Lúc ấy quý vị sẽ thông suốt mọi sự và triệt để khai ngộ. Quý vị đã học được gì? Cũng không biết, hệt như người khờ vậy. Song ngay lúc ấy, việc kỳ diệu mới hiện ra.
Mỗi sáng sớm trước 4 giờ tăng chúng và Phật tử đã tụ tập và đi kinh hành chung quanh Thiền đường. Sau đó tiếng mõ vang lên và mọi người bắt đầu chạy. (Sự tích của việc chạy thiền (bão hương) được H.T kể lại bên dưới. Khoảng hơn 1 vòng thì tiếng mõ vang lên và mọi người dừng lại, rồi đi vào chỗ thiền tọa của mình mà ngồi. Buổi ngồi thiền đầu tiên trong 1 ngày bắt đầu từ 4.00am đến 6.00am.
Đã là ngày thứ 2 mà tôi vẫn chưa quen với thế ngồi. Khoảng nữa tiếng sau là tôi bắt đầu cảm thấy đau nhức nơi chân ghê gớm. Có lẽ anh tôi nói đúng, do vì từ trường nơi đây rất thanh tịnh nên khi ngồi kiết già ở đây rất mau đau chân. Qua ngày thứ nhất và ngày thứ 2 tôi mới cảm nhận được điều đó. Bình thường ở Thái, tôi có thể ngồi đến hơn tiếng mới cảm thấy đau nhức toàn thân. Tuy nhiên khi ngồi nơi đây thì chỉ khoảng 25-30 phút là tôi cảm thấy đau không thể chịu được. Thật là quái lạ!
Ban đầu đau quá, không chịu được tôi bỏ chân xuống và ngồi xếp bán già. Nhưng những lần sau đó, khi hiểu ra được sự quan trọng và cần thiết của việc chịu đựng cơn đau và làm quen với cơn đau, tôi cố gắng chịu đựng, mím môi, nghiến răng, khom người xuống phía trước, và cố gắng chịu đựng cho đến khi không thể chịu đựng được nữa. Quả là một sự chiến đấu kinh hoàng đối với cái đau của xác thân và cái đụng với bản ngã. Từ đó, vọng tưởng tôi khởi lên một bài kệ về đau như vầy:
Mới đầu đau, thấu xương đau, đáng sợ đau,
Nhẫn chịu đau, tập quen đau, coi thường đau,
Ngày ngày đau, kết thân đau, thú vị đau,
Nghiệm ra đau, đau, đau, đau, có gì đau!
Trải qua bao kiếp sống, trải qua suốt mấy mươi năm trong cuộc đời, dường như tôi chưa từng dám làm trái ý xác thân này bao giờ. Thay vào đó chỉ cung phụng và nuông chìu cho thân, từ ăn uống tìm những món ngon, vị ngọt cho thân, cho đến áo quần, y phục hoặc làm cho thân được thoải mái, sung sướng, khoái lạc. Nay thì làm cho thân khổ nhọc, đau đớn xé ruột buốt xương. Tôi không thể diễn tả hết cái đau này, nhưng quả thật là nó thấm thía làm sao trên bước đường tu hành. Khi học Phật, tụng kinh, lễ lạy người tu hành đã thấy khó và mệt nhọc rồi, nhưng khi ngồi thiền và vượt qua cửa ải đau đớn này, có lẽ còn khó hơn rất nhiều lần. Có lẽ vì vậy mà ít người dám hướng về sự tu thiền chăng?
H.T Tuyên Hóa khai thị: Việc tọa Thiền quả thật rất là quý báu. Không biết phút giây nào quý vị sẽ khai ngộ, do đó phải tranh thủ từng phút từng giây, không để trôi qua giây phút nào. Nếu đi vệ sinh thì xong rồi phải lập tức quay về Thiền-đường, tiếp tục ngồi. Tới nhà ăn, ăn uống xong cũng tức khắc quay về Thiền-đường; hoặc uống xong trà cũng lập tức quay về Thiền-đường. Nói tóm lại, quý vị chớ bỏ qua cơ hội khai ngộ vì không biết lúc nào sẽ là lúc khai ngộ. Nói cách khác, đi nhiễu, chạy hay ngồi Thiền đều là cơ hội tốt để khai ngộ, chớ để vuột mất.
Vào đời nhà Thanh, có lần Hoàng-đế Ung Chính mời vị Phươngtrượng Chùa Cao Mân là Thiên Huệ Thiền-sư tới Bắc-kinh để đàm luận Thiền-lý. Hoàng đế hỏi Ngài có biết tông chỉ của Ngọc Lâm Quốc-sư chăng, thì Ngài không trả lời được. Hoàng đế bèn ra lệnh cho Ngài phải ở lại Thiền-đường và trong vòng bảy ngày phải tìm cho ra đáp án, nếu không sẽ bị chém đầu.
Suốt sáu ngày, Ngài tìm không ra đáp án. Ðến ngày cuối cùng vì gấp rút khẩn trương quá nên Ngài chạy vòng vòng trong Thiền-đường. Chạy tới chạy lui làm cho Ngài choáng váng mặt mày đâm đầu vào cột trụ, đầu u lên một cục! Ngay lúc ấy tâm trí đột nhiên sáng suốt, Ngài tìm ra được đáp án. Ngài bèn đến gặp Hoàng đế. Vua Ung Chính biết là Ngài đã lãnh hội được tông chỉ của Ngọc Lâm Quốc-sư rồi. Từ ấy về sau mới có lệ chạy vòng (tức bão hương) trong Thiền-đường.
Thiền-đường có hành-hương, bão-hương, tọa-hương và tham thoại đầu. Hành-hương tức là bước mau. Bão-hương là chạy chầm chậm. Tọa-hương là ngồi Thiền. Tham thoại đầu là nghiền ngẫm về một vấn đề. Như tham câu “Ai Niệm Phật?” Nhất tâm nhất ý tham cứu câu đó, tham cứu đến chỗ nhất tâm bất loạn, nhất trần bất nhiễm (chẳng một mảy bụi nào làm mình vẩn đục) thì đó là lúc khai ngộ vậy. Ðó là những phương pháp dùng để ngăn ngừa, đình chỉ vọng tưởng. Không có vọng tưởng thì mới có giác ngộ. Mục đích tọa Thiền là để khai ngộ. Sau khi khai ngộ thì mới có trí huệ siêu phàm.
Bởi vậy, chư Tổ nghiên cứu phương pháp “dĩ độc công độc,” dùng việc tham thoại đầu để khống chế vọng tưởng, tức là dùng một vấn đề để khống chế tất cả các vấn đề khác. Tham thoại đầu gì? Tham câu “Niệm Phật Là Ai?” Khi nào quý vị tìm ra “ai,” hiểu biết rốt ráo “Ai Niệm Phật?” thì lúc ấy mới chân chính thấu suốt. Thấu suốt gì? Thấu rõ phải xa rời mọi thứ điên đảo, thị phi. Tâm Kinh dạy rằng: “Xa rời điên đảo mộng tưởng, đạt tới cứu cánh Niết Bàn.”
Quá trình này đòi hỏi phải trải qua một phen khổ công mới thành tựu nổi. Nếu tôi nói quá nhiều sẽ làm gián đoạn công phu của quý vị. Tốt hơn hết là quý vị hãy theo qui củ luật lệ, chân thật dụng công tu hành. Có một điều quý vị cần hiểu rõ là trong “Tam Tự Kinh” có câu: “Quý dĩ chuyên.” (Quý ở sự chuyên cần.)
Bất luận làm việc gì, nếu có thể chuyên tâm nhất ý, thì kết cuộc sẽ thành công. Cũng vậy, khi tham thoại đầu, chỉ nghĩ tới một câu -sáng nghĩ, chiều nghĩ, ăn nghĩ, ngủ cũng nghĩ, đi cũng nghĩ, ngồi cũng nghĩ về câu đó; nếu chưa nghiền ngẫm tới chỗ “biển cạn, đá nứt” thì chẳng bỏ cuộc. Nói cách khác, “chưa khai ngộ, thì chưa ngừng nghỉ.” Chỉ nghĩ đến một vấn đề mới là chân lý, còn suy nghĩ nhiều vấn đề quá thì là vọng tưởng. Có hai câu thơ thật đầy ý nghĩa:
“Nhược nhân tĩnh tọa nhất tu du,
Thắng tạo hằng sa thất bảo tháp.
(Nếu ai tĩnh tọa chỉ một sát-na,
Còn hơn xây hằng sa tháp bảy báu.)
Ðó là hình dung công đức ngồi Thiền: nếu người ngồi Thiền có thể tịnh tâm chỉ trong một khoảnh thời gian ngắn ngủi thôi thì công đức ấy so với công đức xây hằng hà sa số tháp bảy báu còn nhiều hơn gấp bội. Bởi vì tạo ra vô số tháp bất quá cũng để cúng dường Xá-lợi của Phật; song nếu tĩnh tọa chỉ trong giây lát, có thể tạo ra chânthân của Phật. Do vậy, tĩnh tọa chỉ một sát-na mà hơn xây nhiều tháp bảy báu.
Nếu tĩnh tọa trong khoảnh khắc mà công đức lớn như vậy, thì hàng ngày tĩnh tọa, công đức càng khó kể xiết. Nếu trong một thời gian ngắn ngủi quý vị chẳng khởi vọng tưởng, tâm được thanh tịnh, thì dần dà quý vị sẽ trở nên “trạm nhiên thường tịch.”
Ngày thứ 4: Chùa Vạn Phật được xem là nơi đào tạo thiện tri thức cho thế gian, nên thường xuyên tổ chức những thiền thất, những khóa nhập thất chuyên niệm Phật cho tứ chúng. Nơi đây còn được gọi là nơi đãi vàng, nơi sàng lọc những con người muốn thành Phật, thành bậc thánh nhân, nên lò luyện nơi đây thật gắt gao. Không qua nổi lò luyện kim nơi đây thì thật khó có thể trở thành vàng tốt được.
Khi vào và sống ở đây một thời gian và trải qua các chuẩn mực sinh hoạt và huấn luyện nơi này, tôi có cảm giác như đây là một trường đào tạo quân sự đúng nghĩa. Họ sống theo kỷ luật, nội quy một cách nghiêm khắc đến lạnh lùng. Tình cảm dường như không có mặt trong các sinh hoạt giao tiếp, tương quan lẫn nhau trong đời sống. Mỗi người đều phải sống riêng biệt với riêng thế giới của mình, dành trọn đời sống vào sự suy nghiệm và kiếm tìm giải thoát; không ai được xâm phạm, ngăn trở hoặc làm phiền đến sự tu học của người khác, và ai ai cũng chấp hành các quy củ, chuẩn mực trong tòng lâm một cách nghiêm túc nhất.
Với đường hướng giáo dục khắt khe như vậy, tôi tin rằng Vạn Phật Thánh Thành đã thành công về mặt hình ảnh, danh tiếng trên bước đường hoằng pháp, mang Phật giáo vào xã hội Hoa kỳ. Tuy nhiên do không công khai quảng bá và mở rộng mà chỉ để tùy duyên, nên pháp môn tu này của Vạn Phật Thánh Thành vẫn chưa được truyền bá đến những nơi khác ở Hoa Kỳ và trên thế giới.
H.T Tuyên Hóa dạy: Tại đạo tràng, tệ hại nhất là không chịu tu hành, đáng quý nhất là sự nghiêm chỉnh tu tập. Ai không tu thì tương lai kẻ đó bị đi xuống; ai tu hành thì tương lai sẽ đi lên. Người ta nói: “Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt,” nên chúng ta tu tập ở đạo tràng, phải từng giờ từng khắc thận trọng, phải dẹp bỏ những ý nghĩ tà tri tà kiến giống như những hạng đầu cơ chỉ biết mánh lới để an thân.
Tu hành phải dựa vào công phu thật sự của mình, thì mới có giá trị chân thật, tức là khai mở trí huệ. Nếu công phu chẳng chân thật, thì chẳng có gì là thành tựu được, bất kể kẻ đó là ai. Tại đạo tràng, ai giải đãi, ai tinh tấn, người tinh mắt trông thấy hết. Người nào giải đãi sẽ không có hy vọng gì thành tựu, bởi lẽ người đó không để tâm vào tu hành.
Ngày thứ 5: Thời gian tham dự khóa Thiền thất tuy ngắn, nhưng cho tôi nhiều kinh nghiệm thực tế quý báu về một dòng phái Thiền thoại đầu còn tinh nguyên, được truyền thừa và có sự chứng đắc của những bậc tổ sư, những bậc được xem như Thánh tăng trong thời hiện đại. Điều này gia cố thêm niềm tin về sự tu hành trong tôi, về con đường giải thoát mà suốt gần ba mươi năm qua tôi loanh quanh khát ngưỡng tìm cầu. Phật pháp có vô lượng pháp môn đưa đến khai ngộ và giải thoát, chấm dứt luân hồi sanh tử, nhưng pháp môn nào tạo cho ta niềm tin bất thối, tha thiết tu hành, tinh tấn dụng công, sớm chứng nhập vào pháp tu thì pháp môn ấy thù thắng nhất. Như vậy qua khóa tu này, tôi thấy rằng mình quả thực đã có được cơ duyên hy hữu đi tham bái và thể nhập được một pháp tu kỳ đặc là Thiền pháp thoại đầu, một pháp tu còn nguyên sơ, truyền thừa trực tiếp từ đức Phật Thích Ca đến chư Tổ sư Trung Hoa không bị gián đoạn, cho đến ngày nay khai ngộ cho nhiều hành giả và các bậc đạo sư cận đại, trong đó có Hòa thượng Hư Vân tổ sư của 5 tông phái Phật giáo Trung hoa và sau ấn chứng cho Hòa thượng Tuyên Hóa như là tổ sư đời thứ 9 dòng thiền phái Quy Ngưỡng.
Trong thiền thất, tôi chứng kiến một số hành giả Phật tử Việt Nam tu trong VPTT khoảng 7 năm và có công phu hành thiền rất thâm hậu. Các vị này có thể ngồi thiền nhập định từ lúc 4 giờ sáng đến giờ ăn trưa sau 7 tiếng, hoặc có lúc ngồi cả ngày. Một vị thầy trẻ từ Thái Lan qua được hơn 3 năm nay cũng thường khi nhập định một lúc 7 giờ từ sáng sớm đến trưa. Thân thể thầy ấy khi nhập định thật là đoan nghiêm, chánh tọa. Khi vào định thông thường thân thể người hành thiền lúc ấy tự dưng bỗng được sắp xếp lại trong một tư thế cố định, lưng thẳng hai tay xếp lại, hai ngón cái nối liền nhau hình vòm nhẹ nhàng, trang nghiêm. Còn vị thầy trụ trì và một số Tăng/Ni khác trong VPTT thì có thể nhập thiền lên đến 36 ngày trong một lần. Đây là điều phi thường mà tôi chỉ có thể thấy và thật sự được biết khi đến VPTT.
Để có thể nhập định, thông thường chúng ta cần phải ngồi kiết già. Tư thế ngồi này gọi là Hàng ma tọa, Kim cang tọa hay Liên hoa tọa. Ngài dạy: “Tư thế này có thể giúp tiêu trừ nghiệp chướng trong vô lượng kiếp, khiến liễu sanh thoát tử và tạo được vô lượng công đức. Khi ngồi xong, ta hãy điều chỉnh thân thể -mắt nhìn xuống chót mũi, từ mũi nhìn xuống miệng, từ miệng nhìn xuống tâm. Đó là bí quyết để chế phục vọng tưởng, sau đó mới điều hòa hơi thở -đừng mau, đừng chậm- hãy thở một cách tự nhiên. Lúc này ta mới tham ngẫm câu ‘Ai là kẻ niệm Phật?” Trải qua một thời gian dài, việc tham thiền sẽ có tác dụng.”
H.T Tuyên Hóa dạy: Tại Vạn Phật Thành, bất luận là người xuất gia hay tại gia, nếu không có chuyện cần thì đừng tới phòng ngủ của kẻ khác. Bởi vì bạn đến phòng tôi nói chuyện này chuyện nọ, rồi tôi tới phòng bạn nói chuyện thị phi thế nọ thế kia, thì sẽ lãng phí thời giờ, vô ích. Bạn không tu hành thì cũng được, nhưng bạn không thể chướng ngại kẻ khác tu hành! Chướng ngại người tu hành thì tương lai sẽ bị đọa địa ngục Vô Gián, vĩnh viễn chẳng thể khôi phục được thân người! Ðã phát tâm tu Ðạo thì mình cần phải giữ tâm chuyên nhất, đặc biệt tiếc nuối thời gian, cho nên nói rằng:
“Nhất thốn quang âm nhất thốn kim,
Thốn kim nan mãi thốn quang âm.”
(Một phút thời gian, một tấc vàng,
Vàng sao mua đặng phút thời gian?)
Lại nói rằng:
“Thất lạc thốn kim dung dị đắc,
Quang âm quá khứ nan tái tầm.”
(Tấc vàng mất đi dễ kiếm lại,
Thời gian qua mất khó lòng tìm!)
Các vị cần phải nuối tiếc thời gian! Phàm là người tu Ðạo thì phải tranh thủ thời gian, đừng để lãng phí. Biết đâu trong một phút nào, một giây nào đó, các vị có thể có cơ hội khai ngộ! Ở Vạn Phật Thành, trong lúc ăn cơm không được nói chuyện. Trước khi ăn, đại chúng niệm bài tụng cúng dường có câu: “Tán tâm tạp thoại, Tín thí nan tiêu.” Nghĩa là nếu tâm tán loạn, nói tạp nhạp, thì sẽ khiến cho đồ cúng dường của thí chủ khó tiêu hóa đặng. Tuy niệm như vậy nhưng tại sao mình không giữ quy củ?
Người ta nói rằng:
“Vô quy củ bất thành phương viên.”
(Không có quy củ thì chẳng thành nề nếp được.)
Không giữ quy củ thì làm sao có trí huệ? Làm sao khai ngộ được? Cho nên Ðức Khổng Tử từng nói rằng: “Thực bất ngôn, Tẩm bất ngữ.” (Ăn thì không nói, Ngủ thì không mớ.) Ở trong Trai Ðường, khi ăn không nên nói năng ồn ào, chỉ nên chăm chú ăn; như thế thì không những hợp với quy củ mà còn hợp vệ sinh nữa. Vì ăn từ từ, nhai kỹ lưỡng thì dễ tiêu hóa, có lợi cho sức khoẻ!
Ngày thứ 6: Bậc cổ đức, chư Tổ sư có dạy, Thiền đường là nơi tuyển Phật, vì chính nơi đây tích tụ phước điền, công đức đệ nhất, nên các ngài nói:
Chỉ trong giây lát ngồi tĩnh tọa,
Hơn xây hằng sa tháp bảy báu.
Bởi vì việc xây dựng chùa tháp chỉ là công đức hình tướng, hữu lậu, vì chùa tháp lâu ngày cũng sẽ bị biến hoại, chịu sự vô thường theo thời gian. Nên tronh kinh Kim Cang có câu:
“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai. Nghĩa là: Phàm có tướng đều là hư vọng, Nếu thấy mọi tướng không tướng, tức thấy Như Lai.”
Ngồi tĩnh tọa thiền định có thể soi chiếu và thấy lại tự tánh Tam bảo, kiến tánh, giác ngộ bổn tâm và đây là công đức Vô lậu tối thượng, công đức vô tướng. Công đức này có giá trị gấp muôn vạn lần hơn công đức hữu tướng.
Ngồi tư thế Hàng ma thời gian đầu rất đau và chính điều này làm cho người tu e ngại. Bởi vì ngồi thiền theo thế bán già thì chân không đau lắm, nhưng nếu phải ngồi kiết già từ giờ này sang giờ khác thì cơn đau sẽ kéo đến và hành hạ chúng ta dễ sợ. Trong thời gian từ nửa giờ đến 1 giờ đồng hồ đầu tiên, chúng ta sẽ chịu cơn đau xé thịt, xé gan và lúc đó chúng ta theo phản xạ khi đau sẽ để chân xuống. Nhưng nếu vậy thì chúng ta sẽ không có sự tiến bộ trên con đường tu thiền. Thế nên đúng theo pháp của H.T Tuyên Hóa dạy, chúng ta sẽ cố gắng chịu đau để cho qua cơn đau này. Ngài dạy:
Tham thiền phải có đủ nhẫn nại vì nhẫn nại là vốn của sự khai ngộ. Tỷ như người làm ăn buôn bán phải có vốn liếng thì việc kinh doanh mới phát triển và được lời nhiều. Chúng ta tham thiền phải khắc phục được cửa đau; vượt qua được cửa đau rồi thì con đường sáng sủa rộng mở, dẫn thẳng đến cảnh giới minh tâm kiến tánh. Khi chưa qua được cửa ải này thì vẫn còn trong tình trạng “sơn cùng thủy tận, đường tắc ngẽn”, vượt qua được thì cảnh giới “dưới liễu hoa tươi, lại một thôn”. Nên có câu rằng:
Không xả được tử, không đổi được sanh
Không xả được giả, không thành được chân,
Không xả được khổ, không đạt được lạc.
Chúng ta tham thiền phải có một tinh thần như vậy mới có hy vọng thành không. Phải phá được cửa gian nan khốn khổ mới thấy được cảnh giới thực tại.
Nắm rõ bí quyết như vậy, khi tọa thiền và những cơn đau kéo đến, tôi mím chặt môi, đôi khi nghiến răng để chịu đựng chứ không bỏ chân xuống, có đôi lúc chịu hết nổi tôi cũng phải bỏ xuống nhưng đa phần là tôi có thể chịu đựng được những cơn đau này. Hoặc có lúc tôi làm vài động tác cử thân, nghiêng qua lại hoặc khom mình tới trước để giảm bớt cơn đau và nhẫn nhịn kéo dài từng giây cho đến hết giờ ngồi thiền.
H.T Tuyên Hóa khai thị: Ðời Người Như Giấc Mộng, Hãy Thức Tỉnh! Tại thế giới này con người lại buông cái chân thật để nắm giữ cái giả dối, do đó đời đời kiếp kiếp quay lưng với sự giác ngộ để hoà hợp với bụi trần, túy sanh mộng tử. Túy sanh: có nghĩa rằng trong lúc sống thì như kẻ uống rượu say, không biết mình từ đâu sanh về đây. Mộng tử: có nghĩa rằng đến lúc chết thì như kẻ đang nằm mộng, không biết chết sẽ về đâu. Ai ai cũng sống trong mộng. Lấy cái giả mà cho là thật, ham danh ham lợi, lòng tham không bao giờ ngừng dứt.
Ở trong mộng thì bạn thấy mình làm quan, hoặc phát tài, hoặc có địa vị, quyền lợi, danh dự, hoặc có vợ đẹp thiếp xinh, con cái đầy nhà, vinh hoa phú quý, hưởng thọ không hết. Giả như trong lúc mộng ấy mà có người nói với bạn rằng: “Ông ơi! đây chỉ là hư vọng thôi, không phải thật đâu,” thì bạn sẽ chẳng bao giờ tin. Chờ đến khi bạn tỉnh dậy rồi thì chẳng ai nói với bạn là bạn đã nằm mộng, bạn cũng biết rõ là mình vừa trải qua một giấc chiêm bao.
Ðêm qua nằm mộng thấy đậu trạng nguyên, làm tể tướng, làm hoàng đế, thành thần tiên, hạnh phúc vô cùng. Ngày hôm nay tỉnh lại: “Ôi! Tất cả chỉ là một trường xuân mộng!” (xuân mộng tức là giấc mộng rất ngắn ngủi). Ðó là sự tỉnh thức. Nếu không tỉnh mà chọn mộng là thật, thì sẽ tham luyến, không buông bỏ, chấp trước sự mê mờ, và chẳng bao giờ được giác ngộ. Bây giờ mình chính là đang chiêm bao giữa ban ngày mà chưa thức tỉnh, do đó sống một cách hồ đồ, rồi cũng hồ đồ mà chết đi. Sanh ra đây là từ đâu tới? Chết rồi mình sẽ đi đâu? Không biết! Cả một đời chẳng bao giờ tỉnh. Các vị hãy nghĩ xem, như vậy thì có ý nghĩa gì? Có gì mình phải lưu luyến? Có gì đáng để mình không buông bỏ tất cả?
Cả đời mình đều bị sợi dây tam độc và ngũ dục trói buộc vô cùng chặt chẽ đến nổi không có tự do để chuyển hóa bản thân, thì đừng nói chi đến chuyện giải thoát. Do đó bạn phải phát tâm xuất gia tu đạo, dụng công ngồi thiền, nổ lực lạy Phật, tức là mình tự cởi mở sợi dây tam độc và ngũ dục, cuối cùng sẽ có một ngày sẽ được hoàn toàn giải thoát. Lúc ấy mình sẽ thức tỉnh, quay đầu nhìn lại những điều mình đã làm trong quá khứ đều hoàn toàn như ảo mộng, tất cả đều chẳng phải là chân lý.
Nay thức tỉnh rồi mình mới thoát ra khỏi vòng tam giới, không còn bị hạn chế trong sanh tử, tự do muốn sanh thì sanh, muốn chết thì chết, tự do tới và đi theo ý mình. Ðó mới là chơn chính giải thoát, đó là: “Ðại mộng sơ tỉnh” vậy.
Thói thường chúng ta cứ giữ chặt cái hư giả dối trá mà quên mất cái chân thật. Thế nào là cái hư giả dối trá? Chính là sự khoái lạc sung sướng của ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy. Thế nào là cái chân thật? Tức là sự sung sướng của Niết-bàn ở trong bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh. Song le con người rất quái lạ, điều chân thật mất đi thì không sợ, nhưng khi điều giả dối mất đi thì lại sợ hãi vô cùng. Vì sao vậy? Bởi vì người đời ai cũng nhận giặc làm con, bỏ gốc chạy theo ngọn, lấy cái giả cho là thật, không thức tỉnh, do đó vẫn còn trong mộng, tham luyến cảnh giới của giấc chiêm bao.
Bởi do nhân duyên mình dấy khởi sự mê mờ, tạo ra ác nghiệp rồi thọ sự báo ứng, giống như một hạt bụi bay lượn trên không trung, không tự làm chủ mình được. Hạt bụi ấy cứ tùy theo nghiệp lực rồi luân chuyển trong lục đạo luân hồi không lúc nào ngừng nghỉ. Cho nên nói rằng:
“Ðả bất phá danh lợi quan,
Khiêu bất xuất luân hồi khuyên,”
nghĩa rằng:
“Đánh không sập cửa danh lợi,
Nhảy không thoát vòng luân hồi.”
Ðến lúc nào bạn không bị cảnh giới làm động tâm, lúc ấy bạn mới thoát ly khỏi cái vòng lục đạo luân hồi.
Ngày thứ 7: Như vậy trong giai đoạn điều thân mà chúng ta vượt qua được, để sau này có thể tự tại tọa thiền trong thế kiết già 5-7 tiếng cho đến vài ngày cũng là một điều phi thường mà ít có người nào trên thế gian làm được. Những Phật tử nào chưa từng tu tập tọa thiền kiết già, thì cũng nên thử qua cho biết cảm giác đau đớn này như thế nào, để nhìn lại cái bản ngã của mình phản ứng ra sao khi đối diện cơn đau. Riêng tôi sau 3 tuần hành thiền miên mật, tôi thấy mình tiến bộ rõ rệt trong sự điều thân, dù rằng thời gian ban đầu tôi nghĩ là chắc mình không thể qua khỏi cửa ải thứ nhất.
Cơn đau đầu tiên sẽ kéo đến trong vòng từ nửa giờ đến 1 giờ nếu qua rồi, thì từ nửa giờ thứ 2 đến cuối giờ thứ 2 chúng ta sẽ trải qua cơn đau nữa, tuy không dữ dội như trước. Rồi từ giữa giờ 3 đến giờ thứ 4 cũng sẽ trải qua một cơn đau như vậy. Nếu việc điều thân trong khi ngồi thiền như vậy được điều phục sau một thời gian từ 1 đến 3 năm, chúng ta sẽ thong dong nhập vào cảnh giới thiền định mà không sợ đau chân, mỏi lưng và khổ sở khi đến giờ hành thiền. Thay vào đó cảm giác bình an, thanh tịnh và hỷ lạc hoàn toàn thẩm thấu và tỏa sáng trong tâm thức của hành giả suốt thời gian hành trì. Khi ấy chúng ta sẽ có thể an lạc chìm mình vào trong cảnh giới thiền định nhiều giờ liền trong ngày hoặc có thể nhập định đến vài ngày. Thiền sinh trong VPTT kể lại với chúng tôi như vậy.
H.T Tuyên Hóa khai thị: Kỳ này thiền thất bắt đầu, hy vọng các bạn đem hết tinh thần để tham thiền. Các bạn hãy phát tâm dũng mãnh để tham thiền. Lúc nào cũng nhớ tham thiền, nhớ làm thế nào để “liễu thoát sanh tử”, và phải quên ăn uống để tham thiền. Nếu chưa khai ngộ thì chưa ngừng nghỉ. Nên có nguyện lực cứng rắn như kim cương vậy.
Nếu có người mắng nhiếc, bạn coi như không nghe thấy gì họ. Nếu có người đánh đập, bạn coi như chẳng có cảm giác gì. Ăn hay không ăn cũng chẳng biết, ngủ hay không ngủ cũng chẳng hay. Nếu bạn đạt được cảnh giới như vậy thì bạn sẽ biết ngay những công phu, những chuyện mình làm xưa kia, chỉ là hời hợt ngoài da. Tới ngày hôm nay bạn mới thật là hiểu rõ tham thiền ra sao.
Bắt đầu thiền thất tôi nói mấy câu thô thiển đơn sơ với các bạn, nhưng nếu các bạn hiểu được thì sẽ có ích lợi lớn. Nếu các bạn không hiểu thì cũng sẽ giúp ích rất nhiều. Có người hỏi: giúp ích như thế nào? Bây giờ tôi chưa thể nói cho các bạn nghe được vì khi các bạn hiểu rồi sẽ lại sanh ra chướng ngại, không thể tiến bộ. Bây giờ tôi nói mấy câu, hy vọng các bạn chú ý nghe. Bốn câu thơ như vầy:
“Phạn ngữ thiền na ba-la-mật
Thử vân tịnh lự tế tiến tham
Sơn cao thủy thâm vô sở úy
Thủy tri triên ngoại biệt hữu thiên.
Thiền tiếng Phạn gọi là Thiền-na ba-la-mật. Pháp môn này nếu tu hành tới chỗ viên mãn thì sẽ đưa mình tới bờ bên kia của bể khổ. Trung Quốc dịch là tịnh lự, cũng còn gọi là tư-duy tu (phép rèn luyện sự tư duy). Song le tịnh lự hay tư-duy tu, nếu muốn nghiên cứu một cách tỉ mỉ thì cần phải soi thấu một cách sâu xa.
Thế nào là soi thấu? Là tham! Soi thấu câu “Niệm Phật là ai.” Dù cho núi có cao, biển có sâu tới mức nào mình cũng không sợ hãi. Tới lúc đó mình mới biết bên ngoài bầu trời này còn có những bầu trời khác trùng trùng vô tận. Do đó mình phải miên mật tham không ngừng, tức là soi vào câu “Niệm Phật là ai.” Soi đi soi lại câu đó cho đến khi “Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ,” nghĩa là cho tới chỗ mình tưởng rằng, “Núi đã hết, sông đã cùng, không còn chỗ đi nữa,” thì khi mình quay trở lại tự nhiên sẽ thấy “Liễu ám hoa minh hữu nhất thôn,” Nghĩa là:
“Sẽ thấy xuất hiện một thôn trang,
Mà lớm đớm hoa trong tàng liễu.”
Ngài dạy tiếp: “Người tham thiền chân chánh dầu đã ăn hay chưa ăn cũng không nhớ; mặc đồ hay chưa mặc, ngủ rồi hay chưa ngủ cũng không nhớ. Tham tới chỗ rốt ráo, trên thì không biết có trời, dưới không biết có đất, chặng giữa không thấy có người, hòa với hư không làm một, sống trong một cảnh giới vô nhân, vô ngã, vô chúng sanh, vô thọ giả. Trong cảnh huống đó thì dầu có đau chân cũng đâu ngại gì, đau lưng cũng không sợ vì sự nhẫn nại dụng công đã giúp cho thiền giả vượt qua hết thảy mọi thứ…”
Ngày thứ 8: Trong kinh tạng, những cảnh giới chứng đạt và những năng lực thần thông diệu dụng sau khi thực chứng là điều được trình bày rải rác trong các kinh điển Đại thừa. Khi tâm được định thì có thể dần dần nhập vào các cảnh giới của sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền hay các cảnh giới cao hơn, chứng thánh quả là điều có thể thực hiện được. Trong khai thị tập 5 ngài Tuyên Hóa diễn tả một cách rất đầy đủ và chỉ tiết về các trạng thái của thân thể khi nhập vào các tầng thiền này như sau:
Sơ thiền còn gọi là “Ly sanh hỷ lạc địa”. Đây là trạng thái đưa dẫn hành giả lìa hẳn cảnh giới chúng sanh, nên đạt được một trạng thái khoái lạc. Khoái lạc này không giống khoái lạc của phàm phu, bởi nó là công phu do tự tánh mang lại. Khi nhập sơ thiền, hơi thở ngưng lại. Đây là nói ngoại hô hấp đình chỉ, nhưng nội hô hấp bắt đầu hoạt động, giống như hiện tượng ngủ suốt mùa đông của các loài vật. Khi ấy, tâm thì trong suốt như nước, sáng như gương, soi chiếu tới bổn thể của tự tánh, nhưng vẫn hay biết là mình đang ngồi thiền.
Nhị thiền, gọi là “Định sanh hỷ lạc địa.” Vào trong định này, hành giả kinh nghiệm một thứ khoái lạc không gì sánh bằng, chính là “thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn”, bởi trong cảnh giới này hành giả thấy khoái lạc quên luôn cả đói, có thể nhịn ăn, nhịn uống trong nhiều ngày mà không có vấn đề gì. Tuy nhiên chớ chấp trước vào thành tựu đó. Như quả có ý như vậy, công trình có thể tiêu tan, dễ đi vào cảnh giới ma, nên chúng ta phải cẩn thận. Trong định này, không những hô hấp đình chỉ mà mạch cũng ngưng đập. Khi nào ra khỏi định, cơ thể lại hoạt động bình thường.
Tam thiền gọi là “Ly hỷ diệu lạc địa.” Hành giả lìa sự hoan hỷ trong nhị thiền, đạt tới một thứ khoái lạc kỳ diệu không thể nói ra được, đồng thời cảm thấy hết thảy mọi thứ đều là Phật pháp, mọi thứ đều là khoái lạc. Trong cảnh giới Tam thiền, cả hô hấp và mạch đều đình chỉ, ý niệm cũng dừng lại. Khi ấy, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, chẳng nghĩ phải, nghĩ quấy, một niệm chẳng sanh. Tuy nhiên hành giả cũng đừng tự hào, vì đó chỉ là một chặng trên đường tu mà thôi. Đến được chỗ liễu sanh thoát tử hãy còn xa lắm. Ngài nói, còn cách cả tám vạn bốn ngàn dặm đường nữa.
Tứ thiền gọi là “Xả niệm thanh tịnh địa.” Trong cảnh giới này, ngay cả niệm khoái lạc cũng không còn, tất cả đều bị xả bỏ và hành giả đạt tới một trạng thái thanh tịnh, không còn gì phải tạo tác. Đây cũng gọi là cảnh giới “vô vi vô sở bất vi”. Giai đoạn Tứ thiền cũng vẫn còn trong phạm vi phàm phu. Phải tinh tấn dấn bước nữa, tới cảnh giới “Ngũ bất hoàn thiên” mới gọi là chứng quả thánh. Còn không nếu chỉ đạt đến Tứ thiền mà nhận lầm là chứng quả thánh, như Tỳ kheo Vô văn, phỉ báng đức Phật thì sau bị đọa vào địa ngục.
Cũng như những bài giảng chi tiết của ngài về Ngũ Ấm Ma, các hiện tướng của ma khi hành giả đi vào thiền định mà trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật đã chỉ bày. Ngài đề cao kinh này, nhắc nhở tu hành dựa theo kinh này, cho thấy kinh nghiệm tu hành chứng đạt ngày nay của ngài đều trải qua các hiện tướng quấy phá của các loài ma và hiểm nguy khi chúng ta tu thiền định. Tuy nhiên nếu người tu hành có tâm chân chánh, y theo pháp của Phật và các bậc đạo sư khai thị, chân thành và thận trọng khi tu tập thì sẽ đến được bờ giải thoát an lành.
Ngày thứ 9: Do 6 trần cảnh (Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) bên ngoài bị khóa chặt, tôi không còn cơ hội để phóng tâm ra bên ngoài nên trong những giờ nghỉ giải lao, hoặc sau khóa tu tôi đành phải giam mình trở lại, thúc thủ chịu trận trong căn phòng 8m vuông, co ro trùm mình dưới mấy lớp chăn bông dày cui, vừa vẫn còn run vẫn còn suýt soa. Lạnh ơi là lạnh! ban ngày đi đâu hoặc khi ngủ tôi cũng phải đội chiếc mũ len trùm đầu, và quả thật đây là trải nghiệm một đời người. 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của tôi bỗng nhiên hiền từ như ông “Bụt”, không còn có tâm ý quậy phá và hướng ra ngoài, thay vào đó nó nhắn nhủ thì thầm với tôi là, nên lấy kinh sách của Hòa thượng ra đọc và suy tư. Tâm viên ý mã của tôi lúc ấy hiền đến như vậy đó!
Thế là suốt trong thời gian ở đây, thời gian nào rảnh, dù có 5 phút hay 15 phút, tôi cũng cầm những cuốn sách khai thị và nghiến ngấu đọc, như trước đây chừa từng được đọc. Tôi bỗng trân quý thời gian vô cùng, như lời H.T dạy:
(Một phút thời gian, một tấc vàng,
Vàng sao mua đặng phút thời gian?)
Vì cái thời gian mà tôi có đó, chỉ có chút xíu mươi phút và thoáng chốc nó trôi qua nhanh khi tiếng “Bảng” chát chúa vang lên, báo hiệu giờ thiền tọa lại đến. Sao lạ kỳ đến vậy, thời gian chỉ là một, nhưng có những nơi con người ta biết sống, biết tận dụng thời gian đến từng phút, từng giờ để tập tu, tập hành, chuẩn hóa tâm thức. Thời gian lúc ấy đối với các bậc trí tuệ quả thật là vàng, là bạc. Còn thời gian đối với những chúng sanh mê si và điên đảo, nó là rác, là nghiệp chướng và tội lỗi. Cho nên một đời của người trí chỉ toàn là thời gian vàng, thời gian bạc để tiến tu đạo nghiệp, giải thoát mê lầm, cứu độ chúng sanh; còn một đời của người phàm phu, thời gian chỉ là cơ hội của nghiệp chướng, hướng đến mê lầm tạo nghiệp và hưởng quả khổ đau. Cho nên người trí và người phàm sống ở hai thế giới, còn giữa mê lầm và thức tỉnh chỉ cách nhau không đến một li.
Quả thật ở đây, trong căn phòng lạnh 8m2, nếu không biết ngồi thiền, đọc kinh sách, tự học tu thì không biết sẽ làm gì khác. Cho nên môi trường, thanh quy của Tòng lâm và hoàn cảnh trong phòng ép mình phải tu, không tu thì có lẽ phải lên cơn thần kinh, vì không thể chịu nổi sự bức bách của cả thân và tâm đến như vậy. Còn nếu chấp nhận, an vui và tùy biến trong sự tu hành, ta sẽ có được cái phúc nhất, là tâm thức chúng ta trở về sự tập trung, chuyên nhất, chánh niệm trong sự tu hành. Những nguồn năng lượng trong thân và tâm chúng ta không phải bị phân tán, tản mác, trôi nổi khắp nơi trên trần thế theo 6 trần và 6 thức. Từ đó việc tu hành, đi vào định tuệ chúng ta sẽ dễ được thể nhập và khai mở trong thời gian sớm. Đây cũng chính là dụng tâm sâu xa của bậc thầy thiện tri thức chúng ta vậy!
H.T Tuyên Hóa khai thị: Bây giờ thiền thất bắt đầu. Bao nhiêu thứ gọi là đố kỵ, kiêu mạn, quý vị phải bỏ xuống hết. Bây giờ tôi khảo nghiệm thử xem quý vị có thực lòng buông bỏ các thứ đó hay không. Khảo bằng cách nào? Ðầu tiên là đánh bằng hương bản. Bị đánh mà không biết đau, thì cho là được, là đủ tư cách tham gia ban thiền thất mùa đông này. Thế nhưng, không biết đau thì trơ trơ như cái bàn, không có tri giác; còn biết đau tức là không buông bỏ được. Vậy tại chỗ này, chúng ta hãy tham xem – làm cách nào đây?
Bây giờ kẻ bị đánh không bỏ chạy mới là kẻ đại trượng phu. Ðã là đại trượng phu, thế tất phải có khí độ anh hùng, không sợ khốn khổ, không sợ gian nan, đầy tinh thần chịu đựng khắc khổ, không thối chuyển, từ đầu thông suốt tới cuối. Phải có một niềm quyết tâm, coi chết nhẹ như không, như vậy mới thành công được. Trước khi vào thiền, tôi có bài kệ nầy:
“Ðại địa xuân hồi bách vật sinh
Phấn toái hư không tự tại ông
Tòng thử bất lạc nhân ngã tướng
Pháp giới tuy đại tận bao dung.
Ðại địa xuân hồi bách vật sinh, nghĩa là: Kỳ thiền thất này chính là khí tượng của xuân về. Trăm loài hân hoan nẩy sinh tươi tốt. Mọi người đều gặp cơ hội khai ngộ và ánh sáng tự tánh cùng xuất hiện.
Phấn toái hư không tự tại ông: Hư không vốn là vô hình, nếu quả hư không mà tan vụn (phấn toái) thì hư không cũng không có nữa. ‘Tự tại ông’ lúc đó, mới thật là đúng tư cách!
Tòng thử bất lạc nhân ngã tướng: Từ đó trở về sau sẽ chẳng còn vướng vào nhân tướng, chẳng vướng vào ngã tướng. Nhân không, pháp cũng không. Nhân pháp đều không, thế là tự tại, cũng không còn chấp ngã, chấp pháp. Không chấp trước, chính là giải thoát.
Pháp giới tuy đại tận bao dung: Tuy pháp giới là không bờ không bến, nhưng ta vẫn có thể ôm trọn pháp giới vào trong, nói cách khác, so với pháp giới ta còn to lớn hơn nữa. Thế mới là khả năng của kẻ đại trượng phu.
Tự mình phải dụng công của mình. Công phu gì? Ðó là tham câu: “Niệm Phật là ai?” hay tham: “Trước khi cha mẹ sanh ra thì bổn lai diện mục ta là gì?” Nỗ lực dụng công, nhất định sẽ có tin hay (khai ngộ). Bây giờ bắt đầu vào thất! Vào! Vào! Vào! Thiền thất chính thức bắt đầu, cấm nói chuyện!
Ngày thứ 10: Đọc vào các Ngữ lục thiền của chư Tổ sư xưa cũng như nay, ta sẽ thấy văn phong và hàm ý Thiền của chư Tổ sư hết sức mạnh bạo. Các ngài nói mạnh bởi vì các ngày đã thấy được lối đi và tin chắc rằng, nếu thúc và đẩy ta đi theo lối đi đó, ta cũng sẽ đến đích như các ngài. Các ngài không phải nói những lời: “khẩu đầu thiền”, vì đây là điều tối kỵ trong thiền môn. Một người tu thiền đúng mực, đi cầu pháp, hành thiền thì sẽ nhận chân ra được vị thầy của mình qua phong cách, khí chất và thiền ngữ của những bậc thiền sư.
Nhưng rõ ràng là tâm ý chúng sinh vốn quá nhiều phiền não và nhu nhược, không tin lấy chính mình có thể kiến tánh, có thể tu hành và có thể giải thoát. Nhắc đến chỗ này, đa phần con người ta e sợ, run rẩy và tìm cách lùi bước, đùn đẩy cho các hàng Bồ tát hoặc hạng người thượng căn thượng trí. Họ đâu biết rằng hạng Thượng căn thượng trí với họ chỉ cách nhau một hào tơ, mê là chúng sanh, giác là Phật. Mê và giác ấy không xa, chỉ cần gặp bậc thiện tri thức khai thị, chỉ bày và họ tinh tấn dụng công thì sẽ đạt.
Bản thân tôi không phải là hạng trí tuệ, nhưng tôi kính tin lời dạy, lời khai thị, chỉ bày của các bậc Thiện tri thức và tôi tin ở nơi mình. Khi tôi tin rằng mình đã có cơ duyên gặp được chánh pháp, nghe được các lời dạy của bậc Thiện tri thức, và thấy được, chứng thật được sự thực tập, tu hành sống động của các bậc thầy tri thức trước mắt thì tôi có đủ niềm tin để tin rằng mình có thể khai ngộ được. Luận Đại trí độ có nói: Tín vi năng nhập, Trí vi năng độ. Tôi có dám tin và có dám bước đi hướng về phía trước? Tôi dám, và mong rằng tất cả các vị thiện tri thức dám cùng tôi bước tới.
Thời đại mạt pháp này, chánh pháp nhãn tạng khó tìm cầu, mà mạt pháp danh văn lợi dưỡng thì trải rộng khắp nơi, đâu đâu cũng thấy. Người tu hành chân thật thì ít, ẩn náu ở các nơi xa xôi trên núi, trong các hang động thâm sâu hoặc ở những nơi ít người biết và tìm đến. Còn các chốn phồn hoa đô hội, danh lam cổ tự nơi rất đông người đến để triều bái cúng lễ thì chỉ tìm được các bậc thầy đốt nhang, làm phép, cúng kiến cho người rồi tính tiền. Thế nên chân thật tu hành thì phải biết tìm cầu, biết buông xả và biết lên đường khi đúng lúc!
H.T Tuyên Hóa khai thị: Mục đích chúng ta tham gia thiền thất là cầu khai mở trí huệ, trở về tận cùng gốc gác của mình, tuyệt đối phải nhận ra bổn lai diện mục.
Bổn lai diện mục của chúng ta ra sao? Cùng với chư Phật là một, chẳng sai khác. Có điều chúng ta là chúng sanh không có trí huệ nên không nhận ra nó, và cũng từ nguyên nhân đó mà trở thành điên đảo, quay đầu lộn đuôi, sanh tử trong cảnh mơ mộng hỗn độn, thậm chí còn biến hiện thêm, khiến cho đã mê càng thêm mê, đã ở trong mộng còn thêm mộng, trong chỗ điên đảo còn thêm điên đảo. Vì sao đến nỗi như vậy? Bởi vì không được gặp thiện tri thức, không được ai mách bảo lối về quê hương, tức con đường tìm bổn lai diện mục.
Nay rất đông thiện tri thức tụ hội tại đây, cùng nhau hướng tới con đường rộng lớn, quang minh để tìm vể bổn lai diện mục. Ðúng là:
“Thập phương đồng tụ hội
Giai kỳ học vô vi
Thử thị tuyển Phật trường
Tâm không cập đệ quy.
Nghĩa là:
Mười phương cùng tụ hội
Ai nấy học vô vi
Ðây là trường tuyển Phật
Tâm không đậu vinh quy.
Quý vị thiện tri thức từ mười phương, tới Bát-nhã đường này cùng nhau học tập pháp vô vi. Bát-nhã đường chính là trường tuyển Phật. Ai tới được chỗ vô nhân vô ngã thì người đó được chấm đậu. Ai không buông bỏ nổi, kẻ đó bị đánh rớt. Ai được tâm không đây? Người đó được đỗ Trạng nguyên. Lúc đó, áo gấm về làng, rạng rỡ tổ tông.
Như muốn làm kẻ đại trượng phu, đại anh hùng, vậy phải ngồi xuống tham thiền, mới có thể đạt mục đích. Ðại anh hùng chính là bậc đại giác, đại giác chính là Phật. Ngồi thiền mà đạt tới cảnh giới vô ngã, thì chân có đau cũng không hay, lưng có mỏi cũng không biết. Trong, không cảm thấy thân tâm, ngoài, không biết có thế giới, tới lúc đó, trong khoảnh khắc, bừng lên đại ngộ: vốn là như thế!
Nếu rõ ràng có ngã, thì có “cái ngã” ở chỗ này. Quý vị ở tại chỗ này, ai không ở tại chỗ này? Không ở tại chỗ này cũng là ai đó? Không ai ở tại đây, cũng chẳng ai không ở tại đây, cho nên gọi là vô ngã.
Nguyên do vì không có tại, nên mới không có ngã. Nếu còn có tại thì còn có ngã tại. Có tại thì đúng ra phải là tự tại, chớ không phải ngã tại. Tự tại không thể có ngã, nếu có ngã thì không phải tự tại. Có ngã nên mới sanh lắm chuyện phiền phức, kể ra không thể hết được.
Nào, ngủ chẳng đủ, tinh thần không khoan khái. Ăn chẳng đủ, bụng không dễ chịu. Mặc không đủ, thân thể ớn lạnh. Bởi đâu mà có những hiện tượng đó? Bởi chung có cái ngã. Muốn không có ngã, chỉ còn một biện pháp, đó là đến thiền đường mà ngồi thiền, thiền tới thiền lui, thiền cho tới lúc đạt được vô ngã, đạt được cảnh giới gọi là:
“Vô nhân vô ngã Quán tự tại,
Phi không phi sắc kiến Như-lai.”
Tới lúc đó thì tự tại vô cùng, tự khắc sẽ biết bổn lai diện mục là như thế nào. Tuy nhiên, tới được cảnh giới đó chẳng phải dễ dàng. Bởi vậy mới cần phải gắng sức nhẫn chịu, chịu đựng mọi thống khổ, mọi sự gian nan. Như quả qua được cửa ải này thì sẽ gặp một sự thống khoái: “Chính là ăn bằng niềm vui thiền duyệt, và sống trong pháp hỷ.”
Bất luận làm một công việc gì, buổi đầu tương đối khó khăn. Lâu dần, sẽ thành quen, không cảm thấy khó nữa. Ngồi thiền cũng như vậy. Trong thiền đường, cố gắng chịu đựng, khi đã chịu đựng được rồi thì không còn cảnh giới nào làm cho giao động. Vậy là đã có chút ít định lực. Có một chút định lực tức sẽ có chút huệ lực. Tích tiểu thành đại, khi huệ lực đầy đủ thì tự khắc khai ngộ.
Còn nữa…
Tỳ kheo Thích Hạnh Nguyện
TIN, BÀI LIÊN QUAN: