Ý NGHĨA LỄ BÁI SÁU PHƯƠNG
Hòa thượng Thích Minh Châu
Lời đức Phật trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt không có gì là cao xa và khó hiểu, trái lại nó rất cụ thể, sinh động, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Mọi người chúng ta nên lấy lời dạy trong kinh này làm kim chỉ nam để chọn bạn lành, tránh kẻ ác, hành xử đúng với tinh thần lời đức Phật dạy.
Bà-la-môn giáo cho rằng mục đích của nghi lễ là cầu cho được sự gia hộ của Thần linh, và nhờ có Thần linh gia hộ mà được phúc tránh họa. Và tổ chức nghi lễ đúng phép, như qui định trong sách Thánh Vệ-đà là hành vi đạo đức tối thượng.
Đức Phật Thích Ca bác bỏ một quan niệm về nghi lễ như vậy. Một người làm ác, cũng như tảng đá quăng xuống sông, nhất định phải chìm xuống đáy, dù có bày biện bao nhiêu nghi lễ cầu Trời, tế Thần thì tảng đá cũng phải chìm xuống đáy sông, kẻ làm ác nhất định phải chịu khổ báo, phải sanh ở cõi dữ. Trái lại, một người cả đời làm điều thiện, điều lành, nhất định sẽ được hưởng phước báo, sau khi mạng chung, nhất định sẽ được sanh lên các cõi lành, cũng như một ghè bơ sữa đổ xuống sông, bố trí hàng trăm, ngàn người ra nhận chìm ghe xuống sông thì bơ sữa vẫn nổi lên mặt nước. Con người sống, làm điều thiện, điều lành cũng như vậy. Dù có ai vu oan giá họa cho người ấy, thề độc và nguyền rủa người ấy phải đọa địa ngục, nhưng người ấy nhất định vẫn được phước báo, sau khi mạng chung tất yếu sẽ được sanh lên cõi trời cõi người.
Đó là lý do vì sao đạo Phật coi trọng đạo đức, và đạo Phật được mệnh danh là một tôn giáo đạo đức.
Vì vậy đức Phật dạy cho thanh niên Bà-la-môn Singala rằng lễ phương Đông không phải là quay mặt về phương Đông mà làm lễ. Phương Đông là cha mẹ. Lễ phương Đông là đối xử có đạo đức với cha mẹ. Phương Nam là thầy dạy. Phương Tây là vợ con. Phương Bắc là bạn bè. Phương dưới là lao công, người phục vụ. Phương trên là Tu sĩ Sa-môn và Bà-la-môn. Lễ sáu phương tức là đối xử có đạo đức với cha mẹ, thầy dạy, vợ con, bạn bè, tôi tớ và Sa-môn, Bà-la-môn.
Con cái lễ phương Đông đúng theo pháp của bậc Thánh, tức là đối xử có đạo đức với cha mẹ. Và thế nào là đối xử có đạo đức với cha mẹ? Trong Kinh dạy, con cái đối với cha mẹ phải làm tròn năm bổn phận. Cụ thể là:
Nuôi dưỡng cha mẹ chu đáo; làm tròn mọi bổn phận đối với cha mẹ; giữ gìn tốt gia phong và truyền thống gia đình; bảo quản tốt gia sản do cha mẹ để lại; làm tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời.
Ngược lại, như trong kinh nói, cha mẹ cũng có năm bổn phận đối với con cái. Cụ thể là: Ngăn chặn con làm điều ác; khích lệ con làm điều lành; dạy con có nghề nghiệp; cưới vợ xứng đáng cho con; để của thừa tự lại cho con.
Lễ phương Nam theo đúng pháp của bậc Thánh là đối xử có đạo đức với thầy dạy mình. Cụ thể là: Khi thầy đến, đứng dậy chào thầy; hầu hạ thầy chu đáo; siêng năng học tập; phục vụ thầy đến nơi đến chốn; chuyên tâm học nghề ngiệp do thầy dạy.
Thầy dạy đối với học trò mình cũng có năm bổn phận, cụ thể là: Trao truyền kiến thức của mình cho học trò; dạy cho học trò biết giữ gìn và sử dụng kiến thức được trao truyền; dạy cho trò tinh thông, nắm vững nghề nghiệp; giới thiệu, khen ngợi học trò mình trước bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho học trò mình, sau khi học trò thành tài.
Lễ phương Tây theo đúng pháp của bậc Thánh tức là người chồng đối xử có đạo đức với vợ mình. Cụ thể, người chồng phải làm tròn năm bổn phận đối với vợ: Tôn trọng vợ; không bao giờ tỏ ra bất kính đối với vợ; trao quyền hành trong nhà cho vợ; sắm đầy đủ nữ trang cho vợ; trung thành, chung thủy với vợ.
Đối lại, người vợ cũng có năm bổn phận đối với chồng : Làm tốt đẹp bổn phận người vợ đối với chồng; khéo đón tiếp bà con, họ hàng của chồng; khéo giữ gìn tài sản của chồng; trung thành chung thủy với chồng; khéo léo, nhanh nhẹn trong mọi công việc nội trợ và các công việc khác.
Lễ phương Bắc theo đúng pháp của bậc Thánh tức là đối xử có đạo đức với bạn bè. Đối xử có đạo đức với bạn, anh có năm bổn phận : Bố thí giúp đỡ bạn; nói lời dịu hiền với bạn; làm mọi việc có lợi cho bạn; cùng làm việc với bạn; không lường gạt bạn.
Đối lại, bạn đối với anh cũng phải: Bảo vệ anh, khi anh mất cảnh giác; bảo vệ tài sản cho anh, khi anh phóng túng; làm nơi nương tựa cho anh, khi anh gặp nguy hiểm; không tránh xa anh, khi anh gặp khó khăn; kính trọng gia đình anh.
Lễ phương dưới theo đúng pháp của bậc Thánh là người chủ phải đối xử có đạo đức với người phục vụ mình, làm công cho mình. Cụ thể là phải: Khi giao việc phải lượng sức người giúp việc; đảm bảo điều kiện ăn uống và tiền công tử tế; lo chữa bệnh cho người giúp việc khi anh ta ốm đau; chia xẻ cho người giúp việc của ngon vật lạ; thỉnh thoảng cho người giúp việc nghỉ phép.
Đối lại người giúp việc cũng có năm bổn phận : Dậy trước khi chủ dậy; ngủ sau khi chủ ngủ; tự bằng lòng với những quà tặng của chủ; khéo làm mọi công việc được giao phó; giữ gìn thanh danh cho chủ.
Cuối cùng lễ phương trên theo đúng pháp của bậc Thánh là đối xử tốt đẹp với các vị Sa-môn và Bà-la-môn, tức là những người xuất gia tu hạnh xuất thế. Người chủ gia đình, trong quan hệ giao tiếp với các vị Tu sĩ Sa-môn và Bà-la-môn phải: Có lòng từ trong hành động nơi thân; có lòng từ trong hành động nơi lời nói; có lòng từ trong ý nghĩ; cúng dường các vị ấy những vật dụng cần thiết; mở rộng cửa đón chào khi các vị ấy đến.
Để đối lại, các vị Tu sĩ Sa-môn và Bà-la-môn đối đãi với gia chủ cũng có các bổn phận: Ngăn chặn không để làm ác; khuyến khích làm điều thiện; có lòng từ bi đối với gia chủ; thuyết pháp cho gia chủ những điều chưa được nghe, làm cho thanh tịnh những điều được nghe; chỉ bày cho gia chủ con đường tu tập để sanh lên các cõi Trời.
Kết Luận
Kinh “Giáo thọ Thi-ca-la-việt” (kinh Singalovada) trong Kinh Tạng Pali có thể được xem là một trình bày rất tổng quát, nhưng vẫn đầy đủ và cụ thể về đạo đức Phật giáo áp dụng trong đời sống gia đình và xã hội.
Đạo đức Phật giáo thấm nhuần một tinh thần bình đẳng. Con cái có năm bổn phận đối với cha mẹ, thì đổi lại, cha mẹ cũng có năm bổn phận đối với con cái. Thầy trò, vợ chồng, bè bạn, chủ tớ tức là gia chủ và người làm công, gia chủ và các vị Sa-môn và Bà-la-môn đều có các bổn phận đối đãi qua lại với nhau tương xứng như thế. Quyền lợi và bổn phận đi đôi với nhau. Không lớp người nào chỉ có quyền lợi mà không có bổn phận.
Nhưng đặc biệt cảm động là sự quan tâm của đức Phật đối với những người phục vụ, những người làm công, những tôi tớ, nô bộc. Có thể nói, đó là lớp người bị khinh rẻ nhất trong xã hội đẳng cấp của Ấn Độ thời cổ đại, hồi đức Phật còn tại thế. Đức Phật nhấn mạnh người chủ có những bổn phận như : Khi giao việc phải lượng sức người giúp việc, đảm bảo ăn uống và tiền công xứng đáng, săn sóc người giúp việc khi ốm đau, và nhất là hai bổn phận của người chủ: chia xẻ của ngon vật là cho người giúp việc và thỉnh thoảng phải cho người giúp việc nghỉ phép v.v…
Có thể nói đó là luật công đoàn rất tiên tiến, rất tiến bộ, mà đức Phật đã phác thảo cách đây gần ba nghìn năm, cho một xã hội Ấn Độ có chế độ đẳng cấp khắc nghiệt nhất. Chúng ta nhớ là, ở đất nước Hy Lạp thời ấy, người nô lệ chỉ có thể hưởng quy chế đồ vật hay súc vật. Còn người nô bộc tôi tớ trong xã hội Ấn Độ cổ đại là thuộc đẳng cấp Thủ-đà-la (Sudra) là đẳng cấp hạ tiện nhất. Nhưng đức Phật, với tâm từ bi và bình đẳng, yêu cầu lớp người nô bộc, tôi tớ, làm công cũng phải được được đối xử tử tế, được gia chủ tôn trọng và quan tâm đúng mức trong công việc làm cũng như trong mọi sinh hoạt.
Đạo đức không phải là để nói mà để thực hành ngay trong đời sống hiện tại. Nói đạo đức mà sống phi đạo đức tức là nói dối (trong kinh dùng từ nói như phân). Như đức Phật đã từng phê phán những kẻ nói dối, nói mà không làm, nói và làm không đi đôi với nhau.
Cuối cùng, nhân ngày lễ cổ truyền của dân tộc và lễ Thành đạo, chúng tôi muốn có vài lời, nhắn nhủ cùng quý vị Phật tử rằng, quý vị thường xuyên đến chùa lễ Phật, nghe Pháp, hộ trì chư Tăng làm các Phật sự cần thiết để làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Tôi thành thật tán thán công đức ấy của quý vị. Thế nhưng đến chùa lễ Phật, nghe Pháp, hộ trì chư Tăng … tất cả những công việc đó chỉ phân biệt người Phật tử với những người đời không bao giờ đến chùa, không lễ Phật, nghe Pháp và hộ trì chư Tăng. Tất cả những công việc đó phân biệt người Phật tử chứ không làm ra người Phật tử. Nghe pháp rồi, sống như pháp mới thật sự là người Phật tử. Hộ trì chư Tăng rồi, làm đúng theo lời chư Tăng thuyết giảng, mới thật sự là Phật tử. Như hôm nay, nhân ngày lễ đức Phật Thành đạo, tôi trình bày những lời dạy của đức Phật trong kinh Singalovada, tức Giáo thọ Thi-ca-la-việt cũng là một cách phục vụ cho quí Phật tử. Những lời dạy đó của đức Thế Tôn, mặc dù nói ra cách đây gần ba nghìn năm, nhưng mãi mãi là khuôn vàng thước ngọc cho nếp sống đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội của tất cả Phật tử chúng ta. Là Phật tử, chúng ta hãy sống và làm như lời Phật dạy. Chúng ta tất cả mọi người – Tăng Ni và Phật tử tại gia – phải chánh niệm tỉnh giác, phải luôn luôn tâm niệm rằng mình là đệ tử của đức Thế Tôn, và phải sống ứng xử như thế nào cho đừng có phụ lòng đức Thế Tôn. Trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, đức Phật có nói về nhiều mối quan hệ xã hội và gia đình, trong đó có quan hệ giữa gia chủ và các vị Sa-môn, Bà-la-môn, tức là chúng ta nói hiện nay, quan hệ giữa Phật tử và Tu sĩ. Trong mối quan hệ đó, cả hai phía đều có bổn phận phải làm tròn, cả hai phía chứ không phải riêng phía Tăng sĩ, đều phải tôn trọng ranh giới mà luật nghi nhà Phật quy định.
Bộ áo vàng hay áo nâu này không làm nên người Tu sĩ, mà chỉ phân biệt người Tu sĩ với người đời. Làm nên Tu sĩ, chính là giới đức và trí tuệ. Gần gũi Tu sĩ là để gần gũi giới đức và trí tuệ, chứ không phải là để làm cho giới đức bị thoái chuyển và làm lu mờ trí tuệ. Gần gũi Tu sĩ là gần gũi học hỏi giới đức và trí tuệ của Tu sĩ, chứ không phải gần gũi con người Tu sĩ.
Chúng tôi hy vọng với đề tựa của bài Kinh này sẽ giúp cho quý vị hiểu biết thêm về ý nghĩ lễ bái sáu phương. Nhân ngày lễ Thành đạo và đón xuân đầu năm này, bên cạnh điện thờ đức Thế Tôn trang nghiêm, được đức Thế Tôn ân chứng là đúng pháp, đúng thời, và do đó sẽ được tất cả quý vị Tăng Ni Phật tử suy ngẫm và hưởng ứng.
Có vậy chúng ta mới xây dựng ngôi nhà Phật giáo của chúng ta trở thành một môi trường lý tưởng, trong ấy các Tu sĩ và các Phật tử luôn luôn cố gắng hành trì những lời dạy của đức Phật, đối xử với nhau đầy đủ trách nhiệm như đức Phật đã giảng dạy. Chúng tôi nghĩ rằng đó là cách thiết thực nhất, báo đáp ân đức trời biển của đức Từ phụ, và thiết thực đóng góp vào trách nhiệm lành mạnh hóa gia đình và xã hội trong thời đại chúng ta.