Sau khi thành đạo diệu vi,
Thế Tôn khởi niệm tư duy tức thì.
Hiểu rằng tham dục xa lìa,
Được điều tịch tịnh không chi sánh bằng.
Rồi Ngài an trụ tinh thần,
Nhập thiền đại định phục hàng tà ma.
Đến vườn Lộc Uyển không xa,
Bốn chân lý thánh để mà chuyển xoay.
Kiều-trần-như gặp duyên may
Năm đồng tu đó được ngay quả lành.
Tỳ-kheo có kẻ nghi trình,
Mong cầu Phật dạy phân minh cội nguồn.
Thế Tôn chỉ bảo tận tường,
Mọi người tỏ ngộ con đường xưa nay.
Mọi người cung kính chắp tay,
Vâng lời Phật dạy, theo ngay phụng hành.
*
1. ĐỊNH NGHĨA SA-MÔN VÀ SA-MÔN QUẢ
Phật rằng những kẻ tu hành,
Xa rời nhà cửa, gia đình xuất gia.
Tự tâm bản tánh rõ ra
Pháp vô vi ngộ, gọi là sa-môn.
Hai trăm năm chục giới tròn,
Giữ gìn đời sống luôn luôn trong lành.
Bốn chân lý thánh tu thành,
Là A-la-hán phi hành hóa thân.
Thời gian mạng sống vô ngần,
Giữa đời an trụ, động tâm đất trời.
A-na-hàm: vị kế ngôi,
Sau khi mạng hết sanh lên cõi trời.
Cõi trời mười chín đến rồi,
Quả A-la-hán có hồi chứng thôi.
Tư-đà-hàm: quả kế ngôi
Một lần cõi thế, cõi trời mới xong.
Rồi A-la-hán quả tròn,
Tu-đà-hoàn đạt, mới xong nửa đường.
Bảy lần sinh tử vô thường,
Thành A-la-hán trọn đường mới xong.
Vị này ái dục không còn,
Như là cắt bỏ, thôi dùng tứ chi.
*
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ BẢO SỞ TU TẬP
Phật rằng: “những bậc xuất gia,
Xa lìa ái dục gọi là sa-môn.
Là người nhận biết nguồn tâm,
Hiểu rành giáo lý uyên thâm diệu kỳ.
Tu hành ngộ pháp vô vi,
Sở cầu, sở đắc đã lìa không ham.
Tâm không bị Đạo buộc ràng,
Không còn kết nghiệp, hay mang duyên gì.
Dứt rồi tạo tác tư duy,
Chẳng vì tu đạt, chẳng vì chứng cao.
Chẳng vì quả vị mong cầu,
Vẫn là tột đỉnh đạo mầu cao siêu.
*
3. HẠNH SA-MÔN
Ai người cạo tóc xuất gia,
Phật rằng vị ấy chính là sa-môn
Là người thọ pháp độ nhân,
Phải lìa của cải phàm trần đua tranh.
Mong sao vừa đủ không thừa,
Chỉ cần một bữa giữa trưa mỗi ngày.
Một đêm ngủ dưới gốc cây,
Để rồi cẩn thận không quay lại vì:
Ở đời muôn sự ngu si,
Là do tham dục, không lìa, không xa.
*
4. MƯỜI HẠNH LÀNH VÀ MƯỜI ĐIỀU ÁC
Phật rằng: tất cả chúng sanh,
Thực hành bỏ ác làm lành ngay thôi.
Bởi vì việc ác ở đời,
Chung quy cũng chỉ do mười điều ra.
Những gì mười ác nên xa ?
Thân ba, miệng bốn, ý ba đó là:
Thân thường ba ác gây ra:
Sát sinh, trộm cắp, dâm tà xấu xa.
Miệng gây bốn ác đó là:
Dệt thêu, đâm thọc, điêu ngoa, dữ dằn.
Ý gây ba ác ngấm ngầm:
Ngu si, tham lận, hận sân, khổ đời.
Nếu mười việc ác xa rời,
Thì mười việc thiện tức thời rõ ra.
Ai mười điều ác đã xa,
Không là Chánh Giác, cũng là thánh nhân.
*
5. LỖI LẦM VÀ HỐI QUÁ
Phật rằng: những kẻ lỗi lầm,
Nếu không hối lỗi thực tâm sửa mình.
Tội kia chẳng thể giảm khinh,
Như là dòng nước bồng bềnh ra khơi.
Lâu dần sâu rộng thêm thôi,
Nếu người lỗi tức thời nhận ra.
Làm lành bỏ ác thật thà,
Tức thì tội lỗi dần dà tiêu tan.
Như là bệnh hoạn đa mang,
Đến hồi xuất hạn, dễ dàng giảm thuyên.
*
6. PHỈ BÁNG THIỆN, THỌ QUẢ ÁC
Phật rằng nếu kẻ làm lành,
Mà người định hại, thực tình nên ngăn.
Chứ đừng vì thế mà sân,
Oán hờn những kẻ ác tâm làm gì.
Bởi vì mang ác đến thì,
Chịu ngay quả ác có chi mà hờn.
*
7. THÁI ĐỘ CỦA ĐỨC PHẬT TRƯỚC NHỮNG LỜI KHIỂN TRÁCH
Nghe ta giữ đạo kiên trì,
Thực hành lòng đại từ bi chân thành.
Có người cũng thấy bất bình,
Mắng ta, ta chỉ lặng thinh không lời.
Để cho người mắng xong rồi,
Bấy giờ ta mới lựa lời giải khuyên.
Nếu ông lễ vật cho ai,
Mà người ta chẳng đoái hoài của dâng.
Vật kia trở lại ông chăng ?
Người rằng: “Lại chứ đâu cần hỏi chi.”
Phật rằng ông mắng ta kìa,
Nhưng ta không nhận họa về nơi ai ?
Tự ông lại chuốt họa này,
Như hình với bóng xưa nay không rời.
Như vang theo tiếng vậy thôi,
Chung quy, nói ác cho người không nên.
*
8. GIEO ÁC GẶP ÁC
Ác tâm muốn hại người hiền,
Phật rằng: nước miếng nhổ lên bẩn trời !
Làm sao nước bọt tới nơi,
Hay là nước bọt lại rơi bẩn mình.
Cũng như trước gió mặc tình,
Tha hồ hất bụi dơ mình ai chăng ?
Hay là bụi lại dính thân,
Người hiền muốn hại, gánh phần đau
thương.
*
9. TRI VÀ HÀNH
Phật rằng học rộng hiểu cao,
Dù rằng mến đạo, học nào dễ chi.
Những người giữ chí “hành trì”,
Đạo kia dầu lớn lo gì không xong.
*
10. PHƯỚC ĐỨC TÙY HỶ HẠNH BỐ THÍ
Phật rằng: thấy kẻ cúng dường,
Đem lòng hoan hỷ lo lường giúp cho.
Điều này phước đức rất to,
Sa-môn hỏi lại: bao giờ hết không ?
Phật rằng như ngọn đuốc hồng,
Lấy về thắp sáng hay dùng nấu ăn.
Bao giờ hết lửa hay chăng ?
Phước người bố thí thực tâm cũng vầy.
*
11. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯỚC ĐỨC BỐ THÍ
Phật rằng: Cho chục ác nhân,
Không bằng bố thí một thân người lành.
Cho mười người thiện thực hành.
Không bằng ngũ giới, một mình cho ăn.
Cho mười ngũ giới thực tâm,
Không bằng bố thí một thân Đà-hoàn.
Cúng dường mười vị Đà-hoàn,
Không bằng bố thí một trang Đà-hàm.
Cúng dường mười vị Đà-hàm
Không bằng bố thí một trang Na-hàm.
Cúng dường mười vị Na-hàm
Không bằng La-hán cúng dàng một thân.
Cúng dường La-hán chục lần,
Không bằng cung dưỡng một phần Bích-chi.
Cúng dường mười Phật Bích Chi,
Không bằng Tam Thế Phật kia, cúng dường.
Cúng dường Tam Thế Phật thường,
Sao mà sánh được cúng dường một thân,
Của người Vô Niệm, Vô Tâm,
Vô Tu, Vô Trụ không cần chứng chi.
*
12. HAI MƯƠI ĐIỀU KHÓ
Phật rằng: Sống ở trên đời,
Có hai mươi việc mà người khó kham:
Nghèo hèn bố thí khó làm,
Trên đường học đạo, giàu sang khó thành.
Khó vì chân lý hy sinh,
Được nhìn kinh Phật thực tình khó đây.
Sanh thời có Phật khó thay,
Nhịn điều sắc dục điều này dễ đâu.
Thấy điều tốt, khó không cầu,
Bị điều sĩ nhục dễ dầu bỏ qua ?
Có quyền không ỷ khó mà,
Đến khi gặp việc khó là vô tâm.
Học cao hiểu rộng dễ chăng ?
Diệt trừ ngã mạn hẳn rằng khó sao.
Không khinh thất học dễ nào,
Không bàn phải trái bấy lâu khó lòng.
Gặp người thiện trí dễ không ?
Học mà thấy tánh, khó xong thực tình.
Thật tâm bình đẳng khó hành,
Tùy duyên hóa độ đã đành khó khăn.
Thấy cảnh khó chẳng động tâm,
Khéo dùng phương tiện muôn phần khó thay.
Ai người đạt những điều này
Thuộc hàng đạo hạnh đủ đầy, Thánh nhân.
*
13. ĐIỀU KIỆN CHỨNG ĐẮC TÚC
MẠNG MINH VÀ THỂ NHẬP CHÍ ĐẠO
Sa-môn hỏi Phật chân thành,
Duyên nào biết được kiếp mình trước kia ?
Duyên nào đến chí đạo kìa,
Phật rằng lóng sạch tâm thì thấy ngay.
Giữ sao ý chí vững hoài,
Như là gương bụi đêm ngày phải lau.
Không còn tham dục mong cầu,
Bấy giờ kiếp trước ra sao rõ liền.
*
14. THIỆN VÀ VĨ ĐẠI
Sa-môn trước Phật hỏi rằng:
Những điều to lớn tốt lành là chi ?
Phật rằng: theo đạo hành trì,
Giữ cho chân thật từ bi là lành.
Chí cùng với đạo hợp thành,
Là điều to lớn thật tình khó so.
15. MẠNH NHẤT VÀ CHÓI SÁNG NHẤT
Sa-môn hỏi Phật chân thành,
Những gì rất mạnh thực tình xưa nay ?
Những gì rất sáng thưa Thầy,
Phật rằng nhẫn nhục mạnh thay vô cùng.
Chỉ vì lòng ác không còn,
Làm cho tráng kiện tâm hồn thanh an.
Ác gian nhẫn nhục không làm,
Được người tôn kính như hàng thánh nhân.
Bợn nhơ đã gột sạch tâm,
Rõ ràng rất sáng như trăng rạng ngời.
Mười phương mọi việc trong đời.
Từ khi chưa có đất trời đến nay.
Không gì không thấy, không hay,
Không gì không biết, không bày, không nghe.
Không gì không suốt, không kìa,
Được thành Nhất Thế Trí thì như gương.
*
16. CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẠO
Phật rằng ái dục còn ôm,
Hẳn là thấy đó cũng không dễ gì.
Ví như nước lóng trong kia,
Đưa tay khuấy động tức thì đâu yên.
Mọi người ra đó mà nhìn,
Dễ nào thấy được bóng hình nhau đâu.
Những người ái dục khơi sâu,
Không lìa không dứt bấy lâu vẫn còn.
Thế thì vẫn đục tâm hồn,
Ắt là thấy đạo hẳn không dễ gì.
Sa-môn lìa ái dục đi !
Bợn nhơ ái dục một khi hết rồi.
Bấy giờ tâm địa trong soi,
Hẳn là thấy đạo rạng ngời thân tâm.
*
17. ÁNH SÁNG NGƯỜI ĐẠT ĐẠO
Phật rằng: Thấy đạo nhận ra,
Như người cầm đuốc vô nhà tối tăm.
Hẳn là bóng tối tiêu tan,
Chỉ còn ánh sáng rõ ràng bên trong.
Những người học đạo sáng lòng,
Thấy rồi chân lý không còn vô minh.
Vô minh đã dứt thật tình,
Sáng ngời trí tuệ tinh anh thường còn.
*
18. CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT
Phật rằng: Đây pháp của ta,
Niệm mà không niệm rồi ra sẽ thành.
Xa lìa đối tượng niệm sanh
Hành mà như thế không hành mới hay.
Xa lìa đối tượng hành bày.
Nói mà không nói đủ đầy xưa nay.
Không còn đối tượng nó hoài,
Tu mà như thể hằng ngày không tu.
Xa lìa đối tượng để tu,
Người nào hiểu thấu thì như rất gần.
Người mê rất mực xa xăm,
Dứt đường ngôn ngữ nói năng ồn ào.
Không còn chi phải buộc vào,
Phút giây không mất, ly hào không sai.
*
19. NGUYÊN LÝ VÔ THƯỜNG
Phật rằng: dùng tuệ quán soi,
Đất trời, muôn sự nơi nơi “không thường”
Hãy dùng trí tuệ tinh tường,
Quán soi thế giới thông thường luôn khi.
Giác linh quán tựa bồ-đề,
Quán soi như thế mau lìa bến mê.
*
20. CON NGƯỜI VÔ NGÃ
Phật rằng: bốn đại trong thân,
Quán soi tự nó đã thường có tên.
Không gì là ngã dính liền,
Ngã mà không có thì tên huyễn rồi.
*
21. DANH LỢI: THÚ VUI ÍT GIÁ TRỊ
Phật rằng: Đeo đuổi dục tình,
Để hòng cầu được cho mình thanh danh.
Khi danh vừa mới lộ hình,
Đã rời thân xác của mình ra đi.
Danh thường ai vẫn đam mê,
Mà quên học đạo cực kỳ uổng công.
Ví như đốt nén hương nồng,
Mới vừa nghe được mùi xông lên thì.
Hương liền cháy rụi còn chi
Hại theo sau lửa thường khi vẫn còn.
*
22. TÀI SẮC: NGỌT ÍT ĐẮNG NHIỀU
Phật rằng: Tài sắc ở đời,
Con người bao thuở ai rời bỏ đâu.
Khác nào mật dính lưỡi dao,
Bao giờ mới đủ ngọt ngào bữa ăn.
Thế mà còn trẻ quyết tâm,
Liếm dao đứt lưỡi chẳng cần nghĩ suy.
*
23. ÂN ÁI, NGỤC NHỐT CON NGƯỜI
Phật rằng người bị trói lòng,
Vào đường nhà cửa vợ con như tù
Lao tù còn có hạn ư,
Vợ con nào có ý từ bỏ đâu.
Một khi sắc đẹp ăn sâu,
Lòng nào hết sợ cho dầu hiểm nguy.
Hang hùm sóng gió sá gì,
Dù cho tai họa chi chi cũng đành.
Tự mình chìm đắm dưới sình,
Nên thường được gọi thường tình phàm phu.
Ai người thấu hiểu thì như,
Bậc A-la-hán thường cư xuất trần.
*
24. ÁI DỤC MẠNH NHẤT
Phật rằng: Thèm muốn thế gian,
Không gì sánh được ngang hàng sắc dâm.
Cũng may trên cõi thế trần,
Riêng mình thế ấy nhất trần xưa nay.
Nếu mà còn cái thứ hai,
Ngang hàng với nó chẳng ai đạo thành.
*
25. LỬA ÁI CHÁY TAY
Phật rằng: Người sắc dục thường,
Như cầm bó đuốc ngược đường gió đi.
Làm sao tránh được nạn vì,
Gió lên lửa tạt tức thì cháy tay.
*
26. THIÊN MA DÂNG NGỌC NỮ
Thiên thần đến Phật, dụng tâm,
Muốn đem Ngọc Nữ hiến dâng cho Ngài.
Mưu toan phá ý niệm bày,
Phật rằng: cái đãy da đầy nhớp nhơ.
Làm gì mà lại đây chờ,
Đi đi, ta chẳng bao giờ dùng đâu.
Thiên thần kính phục vái chào,
Lân la hỏi ý cao sâu đạo mầu.
Từ bi Phật đã giải bày,
Thiên thần thông đạt, chứng ngay Đà-hoàn.
*
27. ĐIỀU KIỆN ĐẠT ĐẠO
Những người học đạo xét ra,
Phật rằng: Ví họ như là gỗ trôi.
Cứ theo dòng nước đổ xuôi,
Nếu như không bị tắp nơi hai bờ.
Nếu không bị kẻ vớt chờ
Nếu không bị quỷ thần dò cản ngăn.
Nếu không nước xoáy làm dừng,
Nếu không mục nát để đừng tiêu tan.
Thế thì chắc chắn trăm phần,
Là thanh gỗ ấy phải tràn ra khơi.
Như người học đạo vậy thôi,
Không còn tình dục làm ngươi mê lầm.
Ngoại tà khôn nhiễu loạn tâm,
Dốc lòng tinh tấn chỉ nhằm vô vi.
Thế thì học đạo khó gì
Ta xin đoan chắc hễ đi là thành.
*
28. NẾU CHƯA LÀ A-LA-HÁN
Khuyên người dè dặt chớ khinh,
Phật rằng: chưa được tự tin ý mình.
Chớ gần nhan sắc thường tình,
Bởi gần sắc đẹp họa sinh dễ mà.
Khi nào La-hán chứng qua
Ý mình lúc ấy mới là đáng tin.
*
29. CÁCH ĐOẠN TRỪ TÂM ÁI DỤC
Phật rằng: Dè dặt chớ khinh,
Chớ nhìn nữ sắc mà sinh lụy phiền
Cùng người tiếp xúc không nên,
Nếu cần tiếp chuyện, chớ quên nghĩ là:
Đã là mặc áo cà-sa,
Trong đời ác trược đã là Sa-môn.
Dùng lòng thẳng thắn suy lường,
Phải như sen nở giữa bùn không nhơ.
Già xem như mẹ nhân từ,
Nếu người đã lớn xem như chị mình.
Nhỏ thì xem tựa như em,
Bé thì cư xử thật tình như con.
Sanh lòng độ thoát sạch trong,
Để cho ý xấu thảy đồng tiêu tan.
*
30. TRÁNH DỤC NHƯ TRÁNH LỬA
Phật rằng: Hành đạo thật thà,
Như người mang cỏ nên xa lửa hừng.
Lửa qua phải tránh, chớ gần,
Thấy điều dục lạc thực tâm xa lìa.
*
31. ĐOẠN ÂM VÀ ĐOẠN TÂM
Có người dâm dục còn vương,
Không lìa, lại muốn cắt “đường kia” đi
Phật rằng: Như vậy ích gì,
Cắt đi “của quý” sao bì cắt tâm.
Tâm như Tòa có cận thân,
Chỉ cần Tòa nghỉ cận thân nghỉ liền.
Tâm tà chẳng cắt cho yên,
Cắt lìa “của quý”, chỉ thêm phiền lòng.
Nhân đây ban kệ mấy dòng:
“Dục sanh bởi ý của ông thôi mà.
Ý do tư tưởng sanh ra,
Cả hai rỗng lặng rồi ra an lành.
Cũng như chẳng sắc chẳng hành”
Phật rằng bài kệ răn mình này đây.
Là do Ca-diếp Phật thầy,
Đã từng diễn nói giải bày cho nghe.
*
32. DIỆT ÁI DỤC, LÌA SANH TỬ
Phật rằng: ái dục sinh lo,
Từ lo sinh sợ, cơ hồ ngu si.
Nếu xa ái dục được thì,
Có gì phải sợ, có gì phải lo.
*
33. CHIẾN SĨ HÀNH ĐẠO
Phật rằng hành đạo như là:
Một người chiến đấu vượt qua muôn người.
Hoặc vừa mang giáp vô người,
Mới ra khỏi cửa sợ rồi trở lui.
Hoặc là nửa cuộc đã lùi,
Hoặc là chống cự chết thôi không nề.
Hoặc là chiến thắng trở về.
Sa-môn học đạo thường khi giữ gìn.
Phải sao giữ chắc tâm mình,
Dốc lòng tinh tấn chẳng kinh sợ gì.
Tiến lên ngoại cảnh xá chi,
Tà ma tiêu diệt đến khi quả thành.
*
34. TINH TẤN TRUNG ĐẠO
Tụng Kinh Di Giáo về đêm,
Tỳ-kheo cất tiếng vang lên buồn buồn.
Giọng như thoái chuyển không hồn,
Phật liền hỏi vị sa-môn tức thì:
Xưa ông theo đuổi nghề gì ?
Rằng con thích nhất xưa kia: đàn cầm.
Phật rằng: Nếu bị dây chùng,
Vậy thì khi ấy tiếng đàn ra sao ?
Thưa rằng không phát tiếng nào,
Quá căng thì tiếng ra sao hãy bày !
Thưa rằng cụt ngủn tiếng ngay,
Chùng căng vừa phải, lúc này ra sao ?
Thưa rằng đủ cả thấp cao,
Âm thanh muôn vẻ, muôn màu êm tai.
Phật rằng: Học đạo cũng vầy,
Giữ tâm chừng mực, có ngày chứng ra.
Đạo mà gấp quá mệt ta,
Tâm mà mỏi mệt, phiền hà nảy sinh.
Ý phiền làm hạnh thoái nhanh,
Hạnh mà suy thoái, tội tình thêm lên.
Chỉ lòng thanh tịnh lóng yên,
Chỉ an lạc đạo thường xuyên hằng còn.
*
35. BỎ TÂM CẤU NHIỄM
Phật rằng: Như luyện sắt kìa,
Đồ dùng chỉ được khi lìa quặng ra.
Đồ dùng tinh xảo, quặng xa,
Những người học đạo như là vật đây.
Bỏ tâm ô nhiễm ra ngoài,
Hạnh lành thanh tịnh liền ngay thôi mà.
*
36. NHỮNG ĐIỀU KHÓ LÀM
Phật rằng nẻo dữ xa rồi,
Khó mà sinh được làm người bấy nay.
Khó mà tránh gái, ra trai,
Khó mà có được đủ đầy sáu căn.
Khó mà sanh chốn trung tâm,
Khó mà được Phật hiện thân cùng thời.
Khó mà thấy được đạo Người,
Khó mà hiểu đạo để rồi tín tâm ;
Lòng tin khi đã lớn dần,
Khó mà tinh tấn vững tâm bồ-đề.
Tâm bồ-đề phát rồi thì,
“Vô Tu, Vô Chứng” cực kỳ khó khăn.
*
37. GẦN PHẬT VÀ XA PHẬT
Phật rằng: Phật tử xa ta,
Dù cho ngàn dặm nhưng mà luôn khi,
Vẫn theo giới pháp hành trì,
Dốc lòng, đạo quả rồi thì chứng ra.
Còn như dù ở bên ta,
Dù cho thấy mặt, không xa hàng ngày.
Không y giới pháp đủ đầy,
Đạo kia không thể có ngày chứng đâu.
*
38. MẠNG SỐNG TRONG MỘT HƠI THỞ
Một hôm Phật hỏi Sa-môn,
Rằng: người ta sống thông thường bao lâu?
Thưa rằng có mấy ngày đâu,
Phật rằng: chưa hiểu đạo mầu sâu xa.
Lại sang vị khác hỏi qua,
Rằng: Đời người sống được là bao lâu ?
Thưa rằng bằng bữa ăn đâu,
Phật rằng: Chưa hiểu cao sâu đạo mà.
Lại sang vị nữa hỏi là:
Theo ông mạng sống người ta thế nào ?
Thưa: “bằng hơi thở ra vào.”
Phật khen: hay lắm ! đạo mầu đã thông.
*
39. GIÁO PHÁP BÌNH ĐẲNG
Phật rằng: học đạo thật thà,
Những điều Phật nói, gắng mà làm theo.
Ví như mật dính ít nhiều,
Xung quanh, giữa bát cũng đều ngọt ngay.
Pháp ta cũng giống thế này,
Thuần vị giải thoát, tròn đầy tâm linh.
*
40. THÂN HÀNH ĐẠO VÀ TÂM HÀNH ĐẠO
Phật rằng: Những bậc Sa-môn,
Trong khi hành Đạo, nhớ đừng như trâu.
Đạo mà, phải kéo xe đâu,
Thân còn hành đạo, tâm sao chẳng hành.
Nếu như tâm đạo đã thành,
Đâu cần hành đạo cũng thành quả thôi.
*
41. DỤC TÌNH QUÁN TỰA BÙN LẦY
Những người hành đạo xét cùng,
Như trâu chở nặng gặp bùn vậy thôi.
Dù cho mệt mỏi rã rời,
Cũng không dám ngó lên trời, hai bên.
Thoát bùn rồi mới được yên,
Sa-môn phải quán thường xuyên thế này:
“Dục tình như thể bùn lầy,
Thẳng tâm niệm Đạo, vượt ngoài khổ đau.”
*
42. CÁI NHÌN CỦA BẬC ĐẠT ĐẠO
Ta xem chức vị vương hầu,
Như là bụi cát chui đầu qua khe.
Ta xem vàng ngọc quý chi,
Như là gạch ngói có gì xa hoa.
Ta xem y phục lụa là,
Như là giẻ rách nên xa không phiền.
Ta xem thế giới ba nghìn,
Như là hạt cải đầu kim vậy mà.
Ta xem A-nậu ao xa,
Nước như dầu xức để mà thoa chân.
Ta xem phương tiện vô ngần,
Như là hoa báu khi gần, khi lơi.
Ta xem vô thượng tuyệt vời,
Như là giấc mộng thấy đời vàng son.
Ta xem đường Phật vạn nghìn,
Như là hoa đốm chờn vờn luôn khi.
Ta xem thiền định kiên trì,
Như là ngọn núi Tu-di vững vàng.
Ta xem bản thể Niết-bàn,
Khắp nơi đều thức chẳng màng ngày đêm.
Ta xem thuận nghịch nhân duyên,
Như là sáu cặp rồng tiên lượn quần.
Ta xem các pháp ngang bằng,
Đất Chân Thật Nhất vĩnh hằng pháp thân.
Ta xem muôn sự xoay vần,
Như là cây cỏ cân phân bốn mùa.
TK Thích Nhật Từ
Informations / Thông báo
-
Articles récents
- Kesfet Bonanza Sweet Slotunu
- Burning Hot 40 Meyve Slotu
- Dates de Novembre / Décembre 2024 des activités à la pagode (Le programme pourrait être modifié)
- Dates de Septembre / Octobre 2024 des activités à la pagode (Le programme pourrait être modifié)
- Dates de JUILLET / AOUT 2024 des activités à la pagode (Programme 2024 risque d’être modifié)
- Dates de MAI/ JUIN 2024 des activités à la pagode (Programme 2024 risque d’être modifié)
- Dates de Mars / AVRIL 2024 des activités à la pagode (Programme 2024 risque d’être modifié)
- Dates de Février 2024 des activités à la pagode (Programme 2024 risque d’être modifié)
- Dates de Janvier 2024 des activités à la pagode (Programme 2024 risque d’être modifié)
- Dates de Novembre et décembre 2023 des activités à la pagode (Programme 2023 risque d’être modifié)
Méta